|
Với mức lãi suất cho vay bình quân khoảng 16 - 17%/năm, không phải DN nào cũng vay ngân hàng để mở rộng hoạt động, dù thời điểm cuối năm được xem là mùa kinh doanh cao điểm.
Dù nhu cầu vốn cuối năm tăng so với 3 quý trước, song doanh nghiệp vẫn ngại sử dụng vốn vay, bởi áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận còn cao.
Theo đại diện của TienPhongBank, hiện nay, nhu cầu vốn của khách hàng vẫn cao, song với áp lực lãi suất thỏa thuận được điều chỉnh theo chi phí huy động vốn đầu vào, dư nợ tín dụng của ngân hàng cũng không dễ dàng tăng. Nhưng nếu ngân hàng cắt giảm mạnh lãi suất cho vay, thì lợi nhuận thu về trong cho vay sẽ khó đủ bù đắp chi phí.
Với mức lãi suất cho vay bình quân với doanh nghiệp hiện khoảng 16 - 17%/năm, không phải nhà sản xuất, kinh doanh nào cũng có thể sử dụng vốn vay ngân hàng để mở rộng hoạt động, dù thời điểm cuối năm được xem là mùa kinh doanh cao điểm.
“Trong lúc này, chỉ có những doanh nghiệp có dự án sản xuất, kinh doanh tốt mới dám tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng việc đầu tư”, đại diện một ngân hàng cho biết.
Theo Tổng giám đốc Navibank, ông Nguyễn Quốc Sỹ, trước tình hình huy động vốn trở nên khó khăn trong những tháng trước Tết Nguyên đán, nguồn vốn khả dụng ngân hàng không phải lúc nào cũng dôi dư, nên khó tránh được việc “co” tín dụng.
Mặt khác, với áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay, nhà băng cũng phải sàng lọc khá kỹ khi trao vốn cho khách hàng, vì thực tế, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả lại khó chấp nhận mức lãi suất cao.
Trên thực tế, không phải nhà băng nào cũng khó khăn về vốn khả dụng, nhiều ngân hàng quy mô, thanh khoản đảm bảo tốt vẫn kích thích tăng trưởng dư nợ. Song để giảm áp lực lãi suất cho người cần vốn, thì các nhà băng phải cắt giảm được chi phí đầu vào.
Trong khi đó, nếu nhà băng nào giảm mạnh lãi suất huy động vốn, thì ngay lập tức, nguồn tiết kiệm sẽ “chạy” sang ngân hàng khác, khiến thị phần tiền gửi giảm, nhất là trước áp lực lạm phát, kỳ vọng lãi suất của người dân đang tăng lên.
Chính vì thế, dù vốn khả dụng có dôi dư, nhưng nhà băng vẫn “neo” lãi suất cho vay ngang với mặt bằng chung của thị trường. Trong khi đó, khi áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận chưa giảm, khách hàng sẽ khó tiếp cận vốn vay, vì khả năng sinh lời không đủ trả lãi suất. Điều đó dẫn đến cung - cầu vốn khó gặp nhau trong dịp cuối năm, dù đây là giai đoạn cao điểm nhất.
Không những vậy, theo các nhà băng, dư nợ tín dụng cá nhân cũng khó tăng trưởng, dù nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng thường tăng vào thời điểm cuối năm và đây được xem là cơ hội cho nhà băng phát triển tín dụng cá nhân.
Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, lãi suất tăng sẽ phần nào làm giảm nhu cầu vay vốn của cá nhân, dù khách hàng luôn có nhu cầu, đặc biệt là những cá nhân có nhu cầu thực sự về nhà ở, nhưng khả năng tài chính không cho phép họ thanh toán cho chủ đầu tư trong một lần.
Mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND đã được thiết lập lại, với mức trần cao nhất chỉ còn 14%/năm, sau khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong ngày 15/12, song trên thực tế, không ít ngân hàng phải tăng thêm khuyến mãi thì mới có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi.
Trước áp lực lạm phát những tháng cận Tết Nguyên đán và nhu cầu chi nhiều hơn thu của người dân dịp cuối năm, lãi suất cho vay thỏa thuận được ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM dự báo sẽ giảm trong thời gian tới và phải sau Tết Nguyên đán mới được điều chỉnh.
Theo Thùy Vinh
Báo Đầu Tư