Đầu tư cho khu vực Nhà nước trong tổng đầu tư xã hội luôn ở mức cao, nhưng hiệu quả đạt được quá thấp. Chiến lược tăng trưởng hướng vào khu vực kinh tế này đang làm thâm hụt ngân sách quy mô lớn. Các chuyên gia tại hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng” tổ chức tại TP HCM hôm qua đưa ra những cảnh báo trên. Tiến sĩ Võ Đại Lược dự báo, thâm hụt thương mại cả năm ở mức 12 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ giảm. Bởi 6 tháng đầu năm, khu vực Nhà nước được đầu tư lên tới 42,7% tỷ trọng GDP nhưng cán cân thanh toán vẫn thâm hụt 2,84 tỷ USD, cán cân vãng lai thâm hụt 3,87 tỷ USD. Một vòng xoáy xuất hiện: VND cao giá, dẫn tới thâm hụt thương mại, giảm sút dự trữ ngoại hối, buộc phải điều chỉnh tỷ giá. Việc hạ giá VND gây hại cho các đối tượng phải trả nợ bằng ngoại tệ, như tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng.
Việt Nam cần thay đổi chiến lược tăng trưởng theo hướng phụ thuộc vào khu vực tư nhân. (Ảnh: Lê Hưng) |
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ, quản lý, khai thác hầu hết tài nguyên, khoáng sản và phần lớn tín dụng đầu tư, lại được Nhà nước bảo lãnh khi vay nợ. Nhưng sự ưu ái đó không làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của khu vực này. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ tạo khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng lại tiêu tốn nhiều ngoại tệ, hàng nhập, với vốn và dự án đầu tư lớn. Ông Cung cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước góp phần không nhỏ làm thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai. Các khoản đầu tư của khu vực kinh tế này, đang làm thâm hụt ngân sách quy mô lớn. Để tăng trưởng dài hạn, theo bà Keiko Kubota, thuộc Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần thay đổi chiến lược tăng trưởng theo hướng phụ thuộc vào khu vực tư nhân. Với các Tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp Nhà nước lớn, phải cải cách lại quản lý, nâng cấp công nghệ và kỹ năng. Còn ông Cung cho rằng, cần phải cải cách, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo hướng áp dụng ngân sách cứng. Nhà nước cần xóa hình thức cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo, tính đúng, đủ chi phí (tài nguyên, đất đai…), hạn chế tối đa đặc quyền, đặc lợi của doanh nghiệp Nhà nước, mở cửa thị trường trong các ngành còn độc quyền. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, cũng đồng tình việc doanh nghiệp Nhà nước lấn sân, lấn cả sự phát tiển của doanh nghiệp tư nhân. “Chúng ta phải cải cách doanh nghiệp Nhà nước đúng mục tiêu. Mỗi doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào một số ngành chủ yếu, xác định lại vị trí của từng tập đoàn, tổng công ty trong từng ngành cụ thể...”, ông Tuyển nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Lan Chi cho biết, từ năm 2005 đến 2008, thành phần kinh tế Nhà nước trong GDP liên tục giảm. Năm 2005 đạt 38,4%, mục tiêu năm 2010 là 36%. Ngược lại, thành phần kinh tế ngoài Nhà nước trong GDP lại tăng lên. Năm 2005 chỉ đứng ở mức 45,6% thì năm 2008 đạt 47%, và năm nay ước đạt 48%. |
Theo Mỹ Dung
Đất Việt
Đất Việt