Doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu: “Tránh tình trạng ký hợp đồng xong để đấy”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam vừa đối mặt tình trạng hết xăng hàng loạt. (Hình minh họa)
TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam vừa đối mặt tình trạng hết xăng hàng loạt. (Hình minh họa)

Đại diện cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng “sức chịu đựng của các DN đầu mối xăng dầu rất kiên cường bởi những vấn đề xảy ra trong năm nay mang tính dị biệt”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở một số địa bàn, ông Bảo cho rằng do tình hình địa chính trị, giá thế giới biến động rất lớn nên không có chính sách nào có thể bao phủ để kịp thời thích ứng với biến động giá cả.

“Trong 6 tháng đầu năm không có biến động lớn do vẫn còn lượng tồn kho thì bắt đầu đến quý III, tình hình biến đổi do giá xăng dầu đến đà suy giảm. Bên cạnh đó, DN gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chi phí”, lãnh đạo hiệp hội nói.

Ông Bảo dẫn chứng chi phí hoạt động lưu thông của xăng dầu đã được áp dụng suốt từ 2014 đến nay và chưa được sửa đổi dù đã kiến nghị đề xuất nhiều lần và theo quy định phải rà soát hàng năm.

Bên cạnh đó, chi phí tạo nguồn bao gồm giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong 2022.

“Đơn cử, với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7 nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm 3 tháng dẫn đến trong quý III, các DN lấy hàng trong nước lỗ tới 600 đồng/lít xăng”, ông Bảo nói.

Trong khi đó, ông Bảo cho rằng chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian qua chi phí này lại tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các DN lỗ trong quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

“Đặc biệt, trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, DN chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng. Các chi phí đó DN phải chịu để thực hiện theo đúng nhiệm vụ phân phối xăng dầu được giao. Chưa tính tới những yếu tố do thời tiết, ảnh hưởng của bão gió khiến tàu bè không thể tiếp cận được vào các nhà máy thì đứt nguồn cung là điều dễ hiểu”, ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, với giá cả hiện tại, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí DN sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít nên DN sẽ không trụ nổi. Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.

Do đó, ông Bảo kiến nghị để bảo đảm nhập đúng tiến độ số lượng xăng dầu thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: Lấy quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thì 3 tháng thay một lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho DN.

Báo cáo về tình hình thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu 9 tháng đầu năm, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết các thương nhân đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 17,2 triệu m3/tấn. Trong đó, xăng đạt khoảng 91,8% tổng nguồn xăng được giao, dầu diesel đạt khoảng 83,5% tổng nguồn được giao...

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Đối với đề xuất đề nghị dùng quỹ bình ổn giá để bù cho chi phí premium, ông Đông khẳng định phải xác định bản chất quỹ bình ổn giá, việc trích sử dụng quỹ bình ổn giá đã có Thông tư quy định trong Nghị định và phải chi đúng mục đích.

“Do đó, việc kiến nghị dùng quỹ bình ổn giá để chi cho chi phí tạo nguồn, Bộ Công Thương sẽ ghi nhận và trao đổi lại với Bộ Tài chính để thực thi đúng quy định”, ông nói.

Ông Đông cũng chỉ rõ một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Cty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát; TCty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Cty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Cty TNHH Xăng dầu Giang Nam; Cty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Cty CP Phúc Lộc Ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các DN sản xuất và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh. Phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các DN nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước.

“Các DN sản xuất cần phải chuyên nghiệp và áp dụng kỷ luật khắt khe hơn với DN đầu mối để kế hoạch sản xuất và kế hoạch phân phối phải ăn khớp với nhau, tránh tình trạng ký hợp đồng xong để đấy”, ông Diên lưu ý.

Bên cạnh đó, ông Diên yêu cầu các DN đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao, nhất là thời điểm cuối năm.

Vì vậy, các DN phải phấn đấu đạt mức tối thiểu theo kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương. Ngoài ra, các DN đầu mối, kể cả các thương nhân phân phối phải bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định, bảo đảm lượng nhưng phải đúng quy trình.

Đồng thời, ông yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm quan tâm và kịp thời hơn trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn.

Đọc thêm