Doanh nghiệp thiệt hại tài sản tại Bình Dương và Vũng Áng có được Bảo hiểm đền bù?

(PLO) - Trước những thiệt hại do một số đối tượng lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây ra với doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Hà Tĩnh, Hiệp hội các DN bảo hiểm cho biết “sẽ có những buổi làm việc chi tiết”. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo cho phép trừ thuế thu nhập DN khi có tổn thất bất khả kháng không được bồi thường. 
Công nhân các Khu công nghiệp đã quay trở lại làm việc. Ảnh: Báo Đồng Nai
Công nhân các Khu công nghiệp đã quay trở lại làm việc. Ảnh: Báo Đồng Nai
Bảo hiểm sẽ làm việc với khu công nghiệp bị ảnh hưởng
Ngay sau khi sự vụ xảy ra, những ngày qua, bằng các biện pháp đồng bộ, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh, trật tự. Tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm. Chính quyền các địa phương đã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ và hầu hết các DN đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. 
Chính phủ đồng thời đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc Việt Nam luôn làm hết sức mình tạo mọi thuận lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, DN và cơ quan nước ngoài tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Về việc liệu các DN có được Bảo hiểm đền bù tổn thất hay không, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trong thời gian sớm nhất, Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam sẽ làm việc với lãnh đạo các tỉnh và khu công nghiệp bị ảnh hưởng. 
Ông Lộc cho biết thêm, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định, tuy nhiên theo pháp luật quốc tế về tái bảo hiểm, cụ thể theo quy định mẫu đơn về bảo hiểm tài chính quốc tế, những trường hợp rủi ro do bạo động, bạo loạn, biểu tình vì lý do dân sự sẽ được hưởng bảo hiểm; còn những trường hợp rủi ro do bạo động, bạo loạn, biểu tình vì lý do quân sự thì không được hưởng bảo hiểm. DN sẽ được hưởng bảo hiểm (đền bù tổn thất) tùy thuộc vào giá trị tài sản (nhà xưởng, máy móc) đã mua bảo hiểm ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm.
“Đến nay, chúng tôi chỉ có thể tiết lộ, chúng tôi sẽ có những buổi làm việc chi tiết, cụ thể với lãnh đạo các tỉnh và khu công nghiệp bị ảnh hưởng, còn thời gian cụ thể và ngày kết thúc của đoàn công tác thì chưa thể nói trước” - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết.
Tổn thất không được bồi thường sẽ được trừ khi xác định thuế
Về phía cơ quan quản lý, trong công điện mới phát đi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của DN. Sở cũng phải tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp để DN sớm ổn định và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ người lao động trong thời gian DN ngừng hoạt động. 
Để không ảnh hưởng tới việc kê khai, quyết toán thuế cũng như làm thủ tục hải quan điện tử của DN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan khẩn trương triển khai các biện pháp giúp đỡ DN bị ảnh hưởng về hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu kế toán, chứng từ. Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chỉ đạo các DN bảo hiểm khẩn trương kiểm tra, xác định những thiệt hại cụ thể về tài sản đã được bảo hiểm để kịp thời giải quyết bồi thường theo hợp đồng, giúp DN nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; đồng thời có biện pháp phòng ngừa việc lợi dụng tình hình này để trục lợi bảo hiểm. 
Đối với những phần giá trị tổn thất bất khả kháng khác không được bồi thường, Bộ trưởng chỉ đạo cho phép DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN. Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu cơ quan Thuế, Hải quan và Sở Tài chính các địa phương kịp thời hỗ trợ DN bị thiệt hại sau đợt biểu tình kích động tại Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua.

Đọc thêm