Doanh nghiệp tư nhân: Đã “ấm lòng”, nhưng vẫn “cô đơn”..

(PLO) -Theo ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phong Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với việc Ban chấp hành TW ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW các DN tư nhân đã “ấm lòng”, có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình, nhưng chúng ta cũng rất cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) để khu vực kinh tế này không còn “cô đơn”.
KTTN không lớn được hay không muốn lớn?

Thiếu trầm trọng doanh nghiệp cỡ vừa

Tại Diễn đàn“Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW - Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển KTTN ", dẫn số liệu của Tổng cục thống kê, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên HĐTV Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, khu vực KTTN hiện đang đóng vai trò vô cùng quan trọng cho nền kinh tế khi đã đóng góp 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, đóng góp 30% cho ngân sách nhà nước.

Diễn đàn“Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW - Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển KTTN ",

Vấn đề đặt ra là  vốn đầu tư cho kinh tế ngoài nước chiếm khoảng 39% gần tương đương vốn cho kinh tế nhà nước gần 38%, nhưng đóng góp cho GDP 43% trong khi khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 29% GDP.

"Kinh tế ngoài nhà nước ICOR luôn thấp hơn khu vực kinh tế nhà nước, đồng vốn bỏ ra mang lại hiệu quả hơn. Đáng buồn là chỉ số ICOR này trong suốt 15 năm không hề giảm, hệ số chung từ 4,3-5 lần....”- Chuyên gia phân tích. 

Về quy mô DN, theo VCCI, trong số các DN tư nhân đang hoạt động thì DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics, cho rằng nếu so sánh với các khu vực kinh tế khác thì khu vực KTTN chính thức vẫn còn rất nhỏ bé, dù quá trình cổ phần hóa DN nhà nước đang diễn ra. 

 “Điều này phản ánh câu hỏi cần phải trả lời, do khu vực tư nhân khóng  phát triển thành quy mô lớn hay, DN tư nhân không muốn lớn? “- ông Minh đặt vấn đề. Theo chuyên gia này, số DN tư nhân trong top đầu còn rất ít, đặc biệt là trong mảng công nghệ và sản xuất chế biến, vì những ngành này đòi hỏi DN đầu tư bài bản, đầu tư nghiên cứu thị trường, phát triển mạng lưới bên ngoài…

Để doanh nghiệp không “cô đơn”…

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, sự ra đời của Nghị quyết 10-NQ/TW đã trở thành một động lực vô cùng quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đã tạo ra sự phấn khởi cho cộng đồng DN và toàn xã hội.Đặc biệt hơn, Hội nghị TW 5 khóa XII (tháng 5/2017) một lần nữa khẳng định và ưu tiên phát triển KTTN "thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" với mục tiêu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN". Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đạt khoảng 50% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và khoảng 60 - 65% năm 2030.

“Các DN tư nhân đã ấm lòng, có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình. Nhưng chúng ta cũng rất cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao vai trò của khu vực KTTN…”- Phó Chủ tịch VCCI  khẳng định và nhấn mạnh, con đường để đảm bảo "DN tư nhân không cô đơn" cần có vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước để tạo lập môi trường bình đẳng, xã hội hoá dịch vụ công và giảm chi phí kinh doanh.

Một nghiên cứu gần đây về các rào cản đối với khu vực DN tư nhân của trường Đại học kinh tế quốc dân cho thấy khu vực KTTN vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản gia nhập ngành, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan.

Cụ thể, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm phần trăm nếu DN nộp hồ sơ thuộc DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm phần trăm nếu đó là DN thuộc sở hữu Nhà nước. Tính toán từ mẫu điều tra 699 DN của Báo cáo cho thấy khu vực tư nhân phải tiêu tốn nhiều thời gian cho các thủ tục này nhiều hơn so với khu vực DN nhà nước. Có tới 34,1% DN khu vực tư nhân phản ánh phải bỏ ra trên 20% thời gian trong một tháng để giải quyết các thủ tục thuế và hải quan, trong khi con số này ở khu vực DN nhà nước chỉ là 14,7%.

Ngoài những khó khăn đặc thù như trên, khu vực KTTN cũng gặp phải những thách thức tương tự như các DN khác trong nước như về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics lớn...

 “ Vốn, thuế, gia nhập ngành…,  là những cào cản của khu vực KTTN, nhưng đây không phải là rào cản quan trọng nhất. Điều quan trọng để khu vực KTTN phát triển là làm thế nào để DN tư nhân tin rằng nếu đầu tư bài bản thì họ vẫn có cơ hội phát triển và mang lại nhiều lợi ích hơn…”- Chuyên gia Đinh Tuấn Minh khẳng định./.

Rào cản nhận thức

TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, rào cản lớn nhất là nhận thức. Theo ông, từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt DN dựa trên hình thức sở hữu, dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối DN tư nhân.

Về phía DN, bản thân nhiều DN Việt chưa chủ động thay đổi đáp ứng được các yêu cầu về chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt các DN không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, chưa chú trọng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu . Do đó, bản thân các doanh nhân, DN phải tự làm mới mình để tạo ra những bước đột phá. 

Đồng thời, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ông Kiên cho biết, cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam cần có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.

Để làm được điều ngày, đội ngũ doanh nhân cần chú trọng cải thiện năng lực quản trị, tiếp thu được thành quả của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của DN, doanh nhân.

Đọc thêm