Doanh nghiệp và vấn nạn bị "nói xấu" trên mạng

Blog, mạng xã hội, cơ chế diễn đàn trên internet là phát minh của nhân loại cho phép người dân có một kênh chia sẻ thông tin cá nhân của mình. Bản chất nguyên bản của diễn đàn là chỗ để mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm. Tiếc thay một số diễn đàn chuyên kinh doanh thì lại có xu hướng bóp méo sự thật để tập trung ưu thế cho lợi ích của một nhóm cá nhân hoặc bị đối thủ cạnh tranh này “lợi dụng” để nói xấu sản phẩm, dịch vụ của DN đối thủ cạnh tranh khác trên thương trường. Mạng Internet đang trở thành một mục tiêu cho những chiến dịch tung tin đồn nhằm ám hại đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Vậy pháp luật Việt Nam xử lý về lĩnh vực này ra sao?


Blog, mạng xã hội, cơ chế diễn đàn trên internet là phát minh của nhân loại cho phép người dân có một kênh chia sẻ thông tin cá nhân của mình. Bản chất nguyên bản của diễn đàn là chỗ để mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm. Tiếc thay một số diễn đàn chuyên kinh doanh thì lại có xu hướng bóp méo sự thật để tập trung ưu thế cho lợi ích của một nhóm cá nhân hoặc bị đối thủ cạnh tranh này “lợi dụng” để nói xấu sản phẩm, dịch vụ của DN đối thủ cạnh tranh khác trên thương trường. Mạng Internet đang trở thành một mục tiêu cho những chiến dịch tung tin đồn nhằm ám hại đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Vậy pháp luật Việt Nam xử lý về lĩnh vực này ra sao?


4 năm bị bêu xấu, gièm pha  trên diễn đàn !

Otosaigon.com là một trang web thuộc Cty cổ phần ô tô Xuyên Việt (778/1D Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, TP.HCM) chuyên đưa tin về xe hơi, quảng cáo bán xe, trong đó còn có một diễn đàn (forum) dành cho các thành viên tranh luận về tất cả những chuyện liên quan đến xe hơi. Còn Cty TNHH cơ khí ô tô Phạm Gia (216B Nguyễn Thái Bình, P.12, Q. Tân Bình, TP. HCM) là một công ty có tầm cỡ chuyên kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và buôn bán xe hơi, được chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001:2000. Thành lập từ 7 năm nay với gần 200 nhân viên, Cty Phạm Gia đã sửa chữa trên 20.000 xe ô tô các loại.  Phạm Gia cũng đã ký quỹ 2 triệu USD để trở thành nhà phân phối cấp 1 đạt chuẩn 3S cho hạng xe hơi Chrysler của Mỹ tại VN và đầu tư 20 tỷ đồng cho việc xây dựng Showroom trang thiết bị nhà xưởng với diện tích hơn 7.000m2 ở huyện Bình Chánh, TPHCM.

Thế nhưng theo ông Phạm Trường Hổ, Giám đốc Cty Phạm Gia thì otosaigon.com đã xây dựng diễn đàn “Bó toàn thân với Phạm Gia- kinh nghiệm cho các bác sửa xe” để các thành viên của diễn đàn bêu xấu Phạm Gia. Vì vậy ông Hổ đã gửi đơn đến Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tố cáo Cty cổ phần ô tô Xuyên Việt  là đơn vị chủ quản của website otosaigon.com, “đã có hành vi đê hèn suốt 4 năm nay đã tạo diễn đàn nói xấu công ty chúng tôi về chất lượng và dịch vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, hình ảnh, uy tín, tinh thần làm việc của nhân viên, đe doạ đến công ăn việc làm và cuộc sống của gần 200 nhân viên”.

Trao đổi với DN&PL, ông Phạm Trường Hổ bức xúc nói : “Tôi thắc mắc tại sao diễn đàn này chửi Phạm Gia ròng rã 4 năm qua mà không chửi ai? Có phải vì Phạm Gia không quảng cáo trên website của họ?  Theo tôi việc otosaigon.com mở diễn đàn về Phạm Gia là có một chiến lược  nhằm diệt Phạm Gia. Tôi thừa nhận Phạm Gia không thể làm hài lòng 100% khách hàng. Tuy nhiên điều bức xúc của chúng tôi là diễn đàn otosaigon có những ý kiến mang tính dẫn dắt dư luận, mất đi tính khách quan. Diễn đàn này không có giấy phép, vì vậy tôi đề nghị cơ quan chức năng dẹp bỏ nó. Tôi cũng yêu cầu Cty Xuyên Việt phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại cho Phạm Gia. Tôi sẽ đi đến tận cùng chân lý trong vụ kiện này”.

Cạnh tranh không lành mạnh

Tương tự, tháng 4.2011 Cty Kymdan phát hiện trên diễn đàn của website www.yeutretho.com xuất hiện bài viết với chủ đề “Chất lượng đệm Kymdan không tốt như quảng cáo”, trong đó thành viên đăng tải chủ đề với nickname duongthuy đã nhân danh khách hàng của Cty Kymdan đưa ra những thông tin nói xấu rằng khách hàng khiếu nại về sản phẩm nhưng trong 6 tháng công ty Kymdan không giải quyết,  rằng nệm Kymdan chỉ cần thay áo nệm là bị rách, rằng nệm Kymdan cái nào chất lượng cũng kém, v.v…  Đại diện Cty Kymdan cho biết những thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật về chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi của Cty Kymdan.

Doanh nghiệp và vấn nạn bị "nói xấu" trên mạng ảnh 1
 

Ngày 29/4/2011, Cty Kymdan đã có văn bản gửi Cty Cổ phần truyền thông trực tuyến Netlink là chủ sở hữu website ww.yeutretho.com đề nghị gỡ bỏ nội dung đăng không đúng sự thật nói trên trong vòng 3 ngày, nếu không Kymdan buộc lòng phải áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  3 ngày sau thì thông tin bêu xấu đã được  chủ sở hữu website gỡ bõ, tuy nhiên điều tai hại là thông tin mang tính nói xấu đó vẫn còn lưu trong bộ nhớ cache của Google. Vì vậy khi người tiêu dùng muốn tìm hiểu về chất lượng nệm Kymdan mà vô Google gõ cụm từ “chất lượng đệm Kymdan” thì thông tin “bêu xấu” nói trên vẫn còn xuất hiện. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho thương hiệu nệm Kymdan, một thương hiệu Việt ra đời từ năm 1954 và đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Thực tế trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, có rất nhiều đối thủ đã sử dụng các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh, tung tin đồn thất thiệt nhằm hạ thấp uy tín nhãn hiệu của Kymdan.  Trong đó, việc lợi dụng các diễn đàn trên các website là một kênh thường được sử dụng”- ông Nguyễn Trường Ngân, Phó Tổng giám đốc công ty Kymdan bức xúc nói.

Năm 2009, hãng sữa Mead Johnson cũng đã từng bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng diễn đàn trên website www.webtretho.com để nói xấu.  Thủ đoạn của họ là giả danh phụ nữ mang bầu hoặc có con nhỏ  đưa lên diễn đàn hàng trăm lời bình luận để phao tin rằng chất lượng sản phẩm sữa  Enfagrow A+ của Mead Johnson “có vấn đề”.  Hậu quả là trong suốt một thời gian dài, sản phẩm của hãng này bị mất uy tín, sản lượng bán và thị phần bị giảm rõ rệt, thiệt hại rất lớn.

Một cuộc điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương gần đây cũng khẳng định rằng thị trường sữa tại Việt nam hiện đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc lợi dụng diễn đàn trên mạng để nói xấu đối thủ cạnh tranh.

Ra Tòa

Thẩm phán Trần Đình Thu – Phó Chánh án TAND Quận Phú Nhuận, TPHCM cho rằng: Việc lợi dụng diễn đàn trên mạng để nói xấu DN không còn ở mức độ là sự gièm pha mà nó còn gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và gây thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho DN. Sự ảnh hưởng này không chỉ vi phạm Luật Cạnh tranh mà còn vi phạm cả luật Dân sự và Luật Hình sự. DN bị nói xấu có quyền khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại và cải chính thông tin theo quy định của các điều luật này. Khởi kiện là tất yếu để đưa vụ việc ra trước ánh sáng của pháp luật, minh bạch thông tin để DN hướng đến sự cạnh tranh lành mạnh để phát triển.

Thực tiễn cho thấy, đã từng xảy ra vụ tập đoàn X., trụ sở tại Singapore, có thương hiệu nổi tiếng về các sản phẩm nội thất bếp, bản lề… được bảo hộ trên toàn cầu, kiện một DN của Việt Nam về hành vi nói xấu, hạ uy tín tập đoàn X trên mạng… Nội tình vụ việc là từ năm 2003, tập đoàn X. bán nhiều sản phẩm, thiết bị cho công ty T của Việt Nam. Năm 2008, hai bên chấm dứt mọi quan hệ, giao dịch. Nhưng cũng từ lúc đó, công ty T. liên tục đưa ra thông tin không trung thực về X. trên một số trang thông tin điện tử, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Việc làm này gây hậu quả là không những đã gây nhầm lẫn và làm lệch lạc nhận thức của khách hàng đối với thương hiệu X. mà còn trực tiếp làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của nguyên đơn. Đồng thời ảnh hưởng xấu đối với hình ảnh thương hiệu và uy tín kinh doanh của X.  Tập đoàn X. đề nghị tòa buộc công ty T. phải chấm dứt các hành động trên ngay lập tức và vô điều kiện.

Một vụ khác cũng bị kiện ra tòa do việc Cty D lập website để gièm pha sản phẩm của tập đoàn B chuyên sản xuất khóa, tay kéo thanh trượt có trụ sở ở Áo là đối tác mà trước đây D từng phân phối, khi “cơm không lành, canh không ngọt”. Trang web được làm công phu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt bỗng dưng nổi tiếng, rất nhiều người thường xuyên truy cập xem diễn tiến vụ việc..

D còn chụp hình một nhóm nhân viên của mình để đưa lên website và chú thích đó là nhân viên “bức xúc phản đối quyết định” của B và kêu gọi khách hàng tẩy chay sản phẩm B. B đâm đơn kiện D ra TAND TP.HCM và Hà Nội vào tháng 9.2009, sau đó tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tháng 4.2010.

Nói xấu doanh nghiệp: chế tài chưa đủ sức răn đe

Theo LS Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu & Cộng sự ( TPHCM)  thì hành vi bôi xấu, làm giảm uy tín của DN khác được quy định rất rõ ràng trong Luật Cạnh tranh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm theo quy định tại Khoản 4 Điều 39 và Điều 44 của Luật Cạnh tranh, theo đó Luật Cạnh tranh cấm DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó.

LS Hậu cho biết DN làm ăn ở các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... nếu có hành vi nói xấu DN khác trên mạng có thể bị xử phạt nặng. Theo báo cáo của Hội đồng Cạnh tranh Hàn Quốc, riêng trong năm 2009, số tiền phạt thu được từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 400 tỉ won (tương đương 350 triệu USD). Đặc biệt ở Hoa Kỳ thì mức phạt và bồi thường cho hành vi tương tự rất nghiêm khắc. Như vụ Công ty CollegeNet, một DN cung cấp trực tuyến dịch vụ đăng ký cho các trường đại học tại Mỹ, khởi kiện Công ty Xap, một DN cũng hoạt động trong lĩnh vực này. Tòa án đã yêu cầu Xap phải bồi thường 4,5 triệu USD bao gồm cả phí luật sư cho CollegeNet vì hành vi “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh”. Ở Trung Quốc, với hành vi “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh”, bên vi phạm cũng có thể bị phạt đến 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,7 tỉ đồng Việt Nam).

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh và vấn đề kiểm soát hành vi cạnh tranh cũng như xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở chúng ta vẫn còn ở những bước khởi đầu. Chế tài áp dụng đối với hành vi “gièm pha DN khác” hoặc “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh” mức phạt tiền quá thấp (nhẹ nhất 500.000 đồng, nặng nhất 10 triệu đồng. Các hành vi khác nặng nhất cũng chỉ 100 triệu đồng) nên chưa đủ răn đe. Trong khi hành vi gièm pha, nói xấu sản phẩm, dịch vụ của DN khác trên các diễn đàn mạng thu hút sự quan tâm của nhiều người có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN “bị hại”.

Quản lý diễn đàn trên mạng: được không?

Mặc dù các diễn đàn thường có nội quy rằng “Không lợi dụng diễn đàn để nói xấu, bôi nhọ đối thủ cạnh tranh, cũng như thực hiện các hành vi cạnh tranh phi đạo đức hay trái với những điều pháp luật quy định”. Tuy nhiên để xảy ra vô số vụ việc lợi dụng diễn đàn để nói xấu sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh, cộng đồng thường quy ngay trách nhiệm cho các admin – người quản trị mạng. Thế nhưng hầu hết các diễn đàn đều đưa ra thông báo: Thành viên viết bài phải chịu trách nhiệm. Trong một lần trả lời báo chí, bà Mai Chi (phụ trách cộng đồng của website webtretho.com) cho biết: chỉ có webtretho.com là trang phát ngôn chính thức và Ban quản trị phải chịu trách nhiệm. Còn diễn đàn trên trang web này là diễn đàn mở, thì thành viên chịu trách nhiệm hoàn toàn.

LS Nguyễn Cường, Công ty Luật hợp danh Dân Luật (TPHCM) đặt câu hỏi: Vậy, trách nhiệm của đơn vị quản lý diễn đàn, website sẽ là gì trong khi các diễn đàn họ gọi là “mở” do chính họ lập ra đã gây ra nhiều thiệt hại về uy tín, danh dự và kinh doanh cho một số DN “bị hại”?  Nếu mở một diễn đàn để các thành viên tham gia mà không quản lý được thì sẽ dẫn tới tình trạng như thành viên nói xấu chính quyền, chế độ,  lúc đó không lẽ chủ sở hữu website  lại không chịu trách nhiệm?

“Thời gian qua có một số cá nhân bị khởi tố hình sự vì viết blog xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Thế nhưng những website có mở diễn đàn để kẻ xấu, đối thủ cạnh tranh lợi dụng để gièm pha, nói xấu sản phẩm, dịch vụ của DN gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN thì chưa hề bị xử lý. Điều đó là không công bằng”- LS Cường nói.

Theo ý kiến của một số luật sư, để bảo vệ uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các DN, nên đưa ra đạo luật buộc khai báo tên thật khi sử dụng internet, đặc biệt là khi viết comment tại các diễn đàn. Họ cho rằng quy định như vậy hết sức cần thiết bởi phê bình một sản phẩm, thương hiệu, DN và “nói xấu” đó là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Thẩm phán Trần Đình Thu cho rằng, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an cần có những biện pháp mạnh tay để truy tìm những đối tượng đưa những thông tin sai sự thật lên mạng internet nhằm hạ uy tín DN. Qua đó để xác định chính xác đối tượng đăng tải thông tin trên các mạng internet, và xác định xem liệu có sự đồng lõa giữa chủ sở hữu website và những thành viên tham gia diễn đàn hay không để làm rõ động cơ và mục đích tung tin nói xấu DN và để xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, có như thế mới hạn chế được tình trạng lợi dụng diễn đàn trên mạng nhằm mục đích hãm hại DN đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.. 

ĐĂNG BÌNH - THU HỒNG - ĐÀO THIỆN

Đọc thêm