Cty cổ phần may I (Tổng Cty cổ phần dệt may Nam Định) thường xuyên trích nộp BHXH cho 300 lao động.
Ảnh: Thu Hà
|
Tỉnh ta là một trong những địa phương phát triển mạnh về vận tải hành khách đường bộ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 600 đầu xe vận tải hành khách các loại. Chỉ tính tối thiểu thì phải có 600 lái xe, cộng với lái phụ, phụ xe thì số lao động trực tiếp trên ô tô vận tải hành khách lên tới hàng nghìn người. Tuy nhiên, số lượng lái, phụ xe tham gia BHXH còn ít, cho thấy các doanh nghiệp vận tải chưa quan tâm tới vấn đề này.
Theo thống kê của ngành BHXH, toàn tỉnh có 8 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách ô tô tham gia BHXH cho tổng số trên 300 lao động (không tính số lượng của Cty cổ phần ô tô Nam Định vì số lao động trên 300 người đã tham gia BHXH của đơn vị này chủ yếu ở các phân xưởng sửa chữa, lắp ráp, các đầu xe hầu hết đều cổ phần). Trong đó, chỉ có Cty TNHH 1 thành viên Mai Linh Nam Định tham gia đầy đủ cho 180 lao động với tổng số xe đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 120 chiếc; 7 doanh nghiệp còn lại chủ yếu chỉ tham gia BHXH đối với cán bộ quản lý, văn phòng, chưa có lái xe, phụ xe. Taxi Nam Định có 13 lao động tham gia BHXH, vận tải thương mại Nam Sơn có 9 lao động tham gia BHXH, vận tải ô tô 1-6 có 16 lao động tham gia BHXH, Cty Thành Đạt có 26 lao động tham gia BHXH… Để giải thích cho việc chưa tham gia BHXH, BHYT theo quy định bắt buộc của Nhà nước, các chủ doanh nghiệp này đều "đổ tội" cho người lao động "Tại họ không muốn tham gia!".
Trái ngược với ý kiến của chủ doanh nghiệp, hầu hết lái, phụ xe lại đều rất mong muốn được tham gia BHXH, BHYT. Anh P.V.Q, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) cho biết: "Tôi lái xe cho 1 doanh nghiệp đã gần 10 năm, từ lúc là lái thuê cho đến giờ có cổ phần ở xe đang lái. Nhiều lần tôi và anh em lái, phụ xe đề nghị được tham gia BHXH nhưng giám đốc cứ khất lần. Lúc thì đang tập trung mở đầu xe, đầu tuyến nên cần tập trung vốn, lúc khác thì tại xăng lên giá, kinh doanh đang thua lỗ… Mới đây chúng tôi bàn nhau bỏ tiền tham gia BHXH tự nguyện nhưng băn khoăn là số tiền đóng đó doanh nghiệp phải bỏ ra một phần theo quy định trách nhiệm…". Ông P.N.K, một lái xe có tuổi nghề gần 30 năm tâm sự: "Những người làm nghề lái xe chúng tôi đều hiểu lợi ích của việc tham gia BHXH, người nào cũng muốn có cái sổ hưu để yên tâm lúc tuổi già. Hơn nữa, nghề này cũng có nhiều bất trắc tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu không may vào viện thì lấy gì trả…".
Nhiều lái xe cho biết đúng là có một vài lái xe không muốn tham gia BHXH, số đó chỉ coi đây là nghề tạm bợ. Thực tế cho thấy nghề lái xe, phụ xe là nghề độc hại, suy tổn sức khoẻ đồng thời phải đối mặt với nhiều bất trắc, có thể thất nghiệp hoặc gặp tai nạn bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, đề nghị ngành BHXH, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của những lái xe, phụ xe với số lượng không nhỏ tại tỉnh ta. Thực hiện vận động, tuyên truyền cũng như các biện pháp hành chính để doanh nghiệp vận tải hành khách tuân thủ quy định của Luật BHXH trong sử dụng lao động tại đơn vị./.
Văn Đông