Doanh nghiệp Việt “xoay xở” tìm hướng đi mới ứng phó thuế quan Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rạng sáng 9/4 (khoảng 11h theo giờ Việt Nam), các khoản thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên hàng nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam chính thức có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đang “loay hoay vật lộn” tìm hướng đi mới.
Các doanh nghiệp điều lập tức điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu, trong đó quan tâm thị trường Trung Đông. (Ảnh minh họa)
Các doanh nghiệp điều lập tức điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu, trong đó quan tâm thị trường Trung Đông. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với Báo PLVN, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin: “Hiện Cục đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ những ảnh hưởng trực tiếp khi ngành gỗ và các nhóm ngành lâm nghiệp đang gặp phải. Ngoài ra, Cục cũng mong muốn Hiệp hội ngành gỗ, các đơn vị DN xuất khẩu cùng lĩnh vực tìm hướng đi, đối tác, thị trường mới trong thời gian tới.

Cục cũng sẽ lắng nghe ý kiến, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (đơn vị tham gia trực tiếp soạn thảo văn bản trình lãnh đạo) để tham mưu lãnh đạo Bộ có hướng xử lý sớm nhất, tránh những thiệt hại lớn cho người dân và DN trong lĩnh vực lâm nghiệp. Vì khi mức thuế đối ứng 46% áp dụng, rất nhiều nông dân sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài gỗ, các mặt hàng như cà phê, điều và tiêu đều sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm mặt hàng này. Thông tin tới báo chí ngày 9/4, ông Phùng Văn Sâm - đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, thị trường Mỹ chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam. Ngành hàng “vàng đen” hết sức bất ngờ. Nhiều hợp đồng đã ký với đối tác Mỹ phải dừng lại hoặc hủy, bởi họ lo sợ thuế tăng sẽ rất rủi ro.

Hiện DN tức tốc tỏa đi các thị trường tiềm năng để tìm kiếm khách hàng mới. Còn với những đơn hàng đã ký với phía đối tác Mỹ, DN cũng liên hệ đàm phán để tìm giải pháp hài hoà lợi ích của hai bên, vị này cho hay.

Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho hay, với những đơn hàng đã ký và hàng hoá đang trên tàu đến Mỹ vẫn giữ nguyên không thay đổi. Với những container hàng đang nằm trong kế hoạch xuống tàu sang Mỹ, họ đề nghị tạm hoãn, chờ xem chính sách của Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế cụ thể như thế nào. Bởi, mức thuế cao ngất ngưởng 46% cũng ảnh hưởng trực tiếp tới họ do giá sản phẩm sẽ biến động theo.

Song, trong nguy có cơ. Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam nhấn mạnh tới thị trường mới nổi và tiềm năng rất lớn là Trung Đông. Bây giờ, các DN điều lập tức điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu, trong đó quan tâm thị trường Trung Đông và quyết liệt hơn trong việc khai thác thị trường mới.

Bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, DN đang có sự chuẩn bị để hạn chế tác động tiêu cực từ biến động thương mại. Theo đó, May 10 phải tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển các thị trường mới.

Đồng thời phải kiểm soát chặt thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của nguyên phụ liệu. Bởi hiện nay, ngoài thuế thì Mỹ cũng rất quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm cũng như nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu. Hiện nay, các khách hàng đều quay lại làm việc với các nhà máy về vấn đề thuế. “Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ khách hàng để đàm phán, làm sao vẫn có thể giữ được đơn hàng. Một biện pháp nữa của May 10 là tăng cường phát triển thị trường nội địa, giảm tỷ lệ chênh lệch giữa xuất khẩu và nội địa” - bà Thảo nói.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng các lợi thế của các thị trường có FTA vẫn là một trong những ưu tiên của các DN. Đồng thời, với các thách thức như vậy cũng sẽ là một cơ hội để tái cấu trúc lại quá trình sản xuất, tiết giảm chi phí, đặc biệt là các chi phí đầu vào cho các DN.

Bà Xuân kiến nghị, mong muốn cơ quan nhà nước, Chính phủ có một chính sách tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là các chính sách ưu đãi và các chính sách cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giúp cho các DN hoàn thuế nhanh hơn, cũng như các thủ tục hải quan được thông thoáng hơn, giúp cho các DN có thể tiết kiệm được chi phí, hiệu quả hơn trong quá trình sản xuất.

Đọc thêm