Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 205,1 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh xuất khẩu của cả nước suy giảm và không tăng trưởng, đây là kết quả đáng ghi nhận. Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu của Hải Phòng cũng đang bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không dễ vượt qua.

Ít đơn hàng, giá gia công thấp

 

Bên cạnh một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao như sản phẩm plastic đạt 10,7 triệu USD, tăng 16%; hàng dệt may 26,4 triệu USD, tăng 80%; giày dép các loại 66,3 triệu USD, tăng 10%, máy tính và các linh kiện điện tử 14,9 triệu USD, tăng 55%, nhiều mặt hàng giảm sút về kim ngạch. Đó là hàng thủy sản chỉ đạt 5 triệu USD, bằng 87%; thực phẩm chế biến khác 650.000 USD, bằng 24%; hàng thủ công mỹ nghệ 1,5 triệu USD, bằng 51%; hàng điện tử 9,4 triệu USD, bằng 90%; dây điện và cáp điện 14,9%, bằng 62%...

   

Giám đốc Sở Công Thương Đỗ Quang Thịnh cho biết: ngành sản xuất máy móc thiết bị điện chuyên lắp ráp sản phẩm điện tử, sản xuất dây và cáp điện, chi tiết linh kiện điện tử ô tô… giảm rất mạnh do các đơn hàng xuất khẩu ít, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả chung của thành phố. Ngành đóng tàu tuy có các hợp đồng sản xuất năm 2009 tương đối ổn định, nhưng gặp khó khăn về vốn. Ngành sản xuất kim loại như phôi thép gặp khó khăn do tồn kho lớn, không có thị trường, không xuất khẩu được do giá thành cao hơn giá thị trường thế giới. Ngành chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu ít đơn hàng, nhiều dây chuyền chế biến phải nghỉ sản xuất.

   

Do không có đơn hàng, Công ty TNHH dệt may Hải Ninh chuyên xuất hàng cho Hoa Kỳ, với khoảng 300 lao động, đã phải giải thể. Phần lớn dây chuyền may của Công ty cổ phần dệt may xuất khẩu phải ngừng việc. Trong quý 1- 2009, các đơn hàng may ít và không ổn định, giá gia công giảm 20% so với năm 2008. Để duy trì việc làm, một số doanh nghiệp buộc phải nhận đơn hàng với giá gia công thấp, nhưng sản xuất cũng rất khó khăn bởi thường xuyên thiếu nhỡ nguyên vật liệu. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi Hoa Kỳ thì luôn lo lắng bởi đối tác nhập khẩu không muốn nhập hàng hoặc thanh toán chậm. Một số doanh nghiệp tích cực làm việc với đối tác để có xác nhận đơn hàng quý 2, nhưng chưa ký được hợp đồng cụ thể. Với ngành giày dép, tình trạng thiếu đơn hàng xảy ra khá phổ biến, phần lớn doanh nghiệp cho người lao động nghỉ tết kéo dài, đi làm muộn và làm ít giờ hơn trong ngày, bố trí sản xuất luân phiên. Đơn cử như Công ty TNHH Sao Vàng có 3569/ 12.000 lao động phải làm việc luân phiên trong quý 1- 2009, đồng thời phải bố trí lại lao động, chuyển hướng sản xuất thêm các mặt hàng giày vải, giày cấp thấp như Công ty Da giày Hải Phòng. Một số doanh nghiệp ký được hợp đồng sản xuất gia công năm 2009 (hợp đồng nguyên tắc) nhưng sản lượng chỉ bằng 65- 70% của năm 2008, giá gia công giảm, sản xuất cầm chừng, hoặc làm gia công cho các doanh nghiệp khác…

 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

    

Trước sự suy giảm và những khó khăn như vậy, thành phố và các ngành có nhiều biện pháp tháo gỡ, nhưng kết quả chưa nhiều. Cụ thể, gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng vẫn chưa tới được nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nhiều lao động đang bị khống chế về tiêu chuẩn. Tuy nhiên, theo giám đốc một số doanh nghiệp xuất khẩu, vốn chưa phải là vấn đề lớn. Nỗi lo lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là đơn hàng, khi đơn hàng không có, phía nước ngoài cắt giảm, hoặc không nhập hàng nữa thì dù có vốn, có lao động cũng không làm được gì.

   

Do đó, thị trường xuất khẩu mới là vấn đề cần có sự chung tay, giúp sức của thành phố, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Trong đó, chương trình xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm cần đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là đơn hàng cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng  thành phố nên đứng ra tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại của Trung ương để giành nhiều hợp đồng cho doanh nghiệp cùng một số sự trợ giúp khác, như cải cách thủ tục hành chính, giải phóng nhanh mặt bằng cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, xây dựng quỹ hỗ trợ xuất khẩu… Phía các doanh nghiệp cũng cần tích cực, chủ động hơn để giữ thị trường, bạn hàng, giữ vững kim ngạch xuất khẩu.

 

2 tháng đầu năm Hải Phòng chỉ tăng 6,6% kim ngạch xuất khẩu, nhưng vẫn là một trong những địa phương xuất siêu. Theo Giám đốc Sở Công Thương Đỗ Quang Thịnh, điều này chưa phải là đáng mừng, bởi hàng nhập khẩu giảm nhiều so với trước. Mặt khác, một phần lớn hàng nhập khẩu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, nên nhập khẩu giảm ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu. Những khía cạnh đó cũng cần được quan tâm chỉ đạo giải quyết để xuất khẩu Hải Phòng trong những tháng tới đạt kết quả toàn diện và thiết thực hơn.

 

                                                                                   Hồng Thanh

Đọc thêm