Khởi nghiệp nơi đất khách
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh sang thành phố České Budějovice (Cộng hòa Séc) khởi nghiệp bằng việc kinh doanh các mặt hàng tổng hợp với một cửa hàng có diện tích khoảng 500m2.
Sau hai năm, Quỳnh Anh chuyển sang mở một cửa hàng tại thị trấn Strakonice (Cộng hòa Séc) và bắt đầu “nhìn” thấy nguồn cảm hứng khởi nghiệp thực sự, bởi tiêu chuẩn bảo hành hàng hóa tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) thường là 2 năm, trong khi các sản phẩm hàng hóa của cô sinh viên vừa mới ra trường chủ yếu là nhập hàng từ Trung Quốc, thời gian bảo hành ngắn.
Những khó khăn cũng xuất hiện liên tục khi tất cả số vốn khởi nghiệp đều được Quỳnh Anh đổ hết vào việc mở cửa hàng và mua hàng sỉ để kinh doanh trước đó. Không chán nản, bằng kinh nghiệm những năm sống cùng thị trường quốc tế và cách nhìn nhận đúng hướng về các sản phẩm thời trang xuất xứ từ Việt Nam đang hiện diện tại thị trường quốc tế, năm 2014 Quỳnh Anh về nước và bắt đầu hành trình lại chèo lái con thuyền ‘chở’ giày mang thương hiệu Xưa đến với thị trường quốc tế theo “đúng quy trình” của những người trẻ khởi nghiệp, đi từ thất bại đến cảm hứng thành công.
Sau khi về nước, Quỳnh Anh phải mất khoảng thời gian gần 3 năm để có thể định hình được bản thân mình đang muốn làm cái gì và bắt đầu như thế nào: “Lúc mới về nước, trong đầu mình chỉ nghĩ đơn giản là phải làm một sản phẩm gì đó có thể bán ra được ở thị trường nước ngoài mà lại có thể phô diễn hết tay nghề, văn hóa của người Việt chứ chưa nghĩ cụ thể mình sẽ làm và sản xuất ra cái gì.
Trong khoảng thời gian đó, mình mới bắt đầu về các làng nghề ở Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu xem mình muốn làm cái gì. Sau đó, mình bắt đầu nghĩ đến sản phẩm giày, một sản phẩm giày có thể “đứng” được tại thị trường quốc tế”, Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Thương mại Xưa, cảm xúc chia sẻ.
Nữ Giám đốc thương hiệu giày Xưa xuất sắc dành hai giải Nhất tại hai cuộc thi khởi nghiệp |
Đúng như Lê-nin từng nói, “Học – Học nữa – Học mãi”, việc học với Quỳnh Anh chưa bao giờ là dừng lại, nhất là khi cô đã tìm được ý tưởng và nguồn cảm hứng cho sản phẩm giày của mình. Xuất thân là cô sinh viên ngoại ngữ nhưng lại khởi nghiệp với một sản phẩm đòi hỏi nhiều công đoạn thiết kế và bản vẽ, đã thôi thúc Quỳnh Anh theo học vẽ với người thầy đặc biệt đó là một cậu sinh viên năm cuối Trường Đại học Nghệ thuật Huế để có thể chi tiết hóa sản phẩm giày của mình trước khi đưa đến tay người thợ chạm khắc.
“Lúc đầu, mình rất vất vả để tìm kiếm những người thợ ưng ý, bởi vì việc chạm khắc những chi tiết lên phôi giày đòi hỏi người thợ phải có năng lực chuyên môn thực sự và sự tâm huyết đối với mỗi sản phẩm. Tôi đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm về cho mình những người thợ đó và đến năm 2017, tôi cùng các thành viên trong đội ngũ sản xuất cho ra đôi giày đầu tiên”, nữ Giám đốc cho biết.
Sau khi cho ra thị trường sản phẩm giày mà bản thân Quỳnh Anh đã ấp ủ bao lâu nay, nữ doanh nhân đăng kí tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và liên tiếp “ẵm” hai giải Nhất Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018” và “Khởi nghiệp Đổi mới – Sáng tạo vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên”.
Đó dường như trở thành động lực thôi thúc nguồn cảm hứng và sự nhiệt huyết của nữ doanh nhân 34 tuổi này trong việc phát triển và hoàn thiện sản phẩm giày của mình ngày một lớn hơn.
Nâng tầm giày Việt
Bắt đầu từ ý tưởng đôi guốc mộc truyền thống của Việt Nam và nhận thấy chưa có ai cách tân đôi giày gỗ mộc như cách tân các sản phẩm áo dài, Quỳnh Anh đã hình thành ý tưởng rồi bắt tay vào sản xuất giày từ những mảnh gỗ đầu tiên. Những chiếc đế giày được tận dụng từ khúc gỗ ở những công trình nhà rường, công trình tượng gỗ bỏ phí hay gỗ cây mít để sản xuất.
Từ những khúc gỗ tưởng chừng như bỏ đi, theo bản vẽ của Quỳnh Anh, những người thợ sẽ cho ra các phôi giày phù hợp với kích cỡ, rồi khoác lên nó những tinh hoa từ bàn tay của người nghệ nhân chạm khắc, sơn mài với nhiều ý tưởng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt như: Trống đồng, hoa sen, rồng, phượng, các họa tiết thổ cẩm trên vải của dân tộc…
Ngoài ra, trên mỗi đôi giày của Xưa đều có một con ấn, xuất phát từ việc lấy ý tưởng và cách tân theo ngọc tỷ của vua quan thời phong kiến.
Một số đế giày lấy ý tưởng từ trống đồng, hoa sen, lá đác hoa sim, sơn mài, con ấn |
Sự cách tân với những ý tưởng chạm khắc, sơn mài trên mỗi đế giày đó giúp giày mang thương hiệu Xưa trở nên khác biệt và cực kì có sức thu hút người mua tại thị trường quốc tế. Tất nhiên, bên cạnh sự đặc biệt của mẫu giày cách tân này thì giá thành sản phẩm giày Xưa cũng là yếu tố giúp sản phẩm công ty nhanh chóng có mặt khắp thị trường trong nước và lên cả sàn diễn quốc tế như Séc, Pháp, Ý, Mỹ…
“Tại thị trường Việt Nam, một đôi giày được bán ra có giá cao nhất là 6 triệu đồng, nhưng tại thị trường quốc tế, mỗi đôi giày của Xưa có giá thấp nhất khoảng 10 triệu đồng. Việc giá thành rẻ nhưng lại có những ưu thế vượt trội đã giúp giày Xưa nhanh chóng có mặt tại một số sàn diễn lớn tại Mỹ, Pháp”, Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty Xưa chia sẻ.
Sau kì Festival nghề truyền thống Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế được tổ chức vừa qua, sản phẩm giày Xưa cũng nhanh chóng kết nối được với các thị trường khác ở Pháp, Nhật nhờ sự cách tân sáng tạo về mẫu mã, kiểu dáng cũng như những chi tiết thể hiện nét văn hóa của dân tộc Việt trên từng sản phẩm.
Sản phẩm giày Xưa với ý tưởng hoa sen và hoa sim 3D |
Với sự đón nhận và đánh giá tích cực của người tiêu dùng trong và ngoài nước như hiện tại, giày Xưa đã và đang phấn đấu trở thành một thương hiệu nhánh của một thương hiệu nước ngoài. Đồng thời qua đó góp phần đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ và bản sắc văn hóa tốt đẹp của Việt Nam quảng bá và khẳng định trên trường quốc tế.
Hướng đến thị trường xuất khẩu, ngay từ đầu Xưa đã “gò” chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí châu Âu. Kinh nghiệm bán hàng bao nhiêu năm ở Séc luôn nhắc Quỳnh Anh chú trọng về chất lượng sản phẩm. Đó vừa tuân thủ luật chơi ở xứ người, vừa tạo dựng uy tín cho chính mình.
Vì vậy, sản phẩm của Xưa luôn phải đảm bảo có chất lượng sử dụng tối thiểu hai năm mới được “ra ngoài” với khách hàng. Và trước khi ra “biển lớn”, Xưa xác định phải xây dựng được thương hiệu ngay trên đất Huế, sau đó mở rộng ra các thành phố lớn trong nước. Nhiệm vụ này được Xưa xác định như “tấm vé” uy tín để qua các cửa xuất khẩu.
Nữ doanh nhân chia sẻ tiếp: “Xưa đưa sản phẩm ra thị trường với tâm thế rất tự tin. Đó không phải là sản phẩm của riêng cá nhân nào, mà là sự cộng hưởng từ những tay thợ giỏi, từ những con người có cùng đam mê, cùng chí hướng.
Do đặc thù hình khối của gót giày, có rất nhiều chi tiết tỉ mỉ mà máy móc không thể làm thay con người. Vì vậy, nếu có ai đó muốn nhái hàng của Xưa, chắc chắn họ phải có đội ngũ như Xưa. Còn nếu ở nước ngoài, nơi có rất nhiều thợ giỏi thì chắc chắn họ không thể có giá thành cạnh tranh như của Xưa”.