Thực trạng doanh nghiệp (DN), doanh nhân bị dính tin đồn đang ngày càng phổ biến khi mà môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, mặt bằng nhận thức không đồng đều, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Có một số DN cạnh tranh không lành mạnh nhằm tìm cách hạ bệ đối thủ nên đã lợi dụng một sự kiện gì đó tạo thành những xì căng dan thất thiệt việc để làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh…
Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề vì tin đồn thất thiệt
Mấy tháng trước đây bỗng rộ lên tin đồn thất thiệt về Công ty Bia Huế (Bia Huda). Các tin đồn này với nội dung nào là Tập đoàn Carlsberg đã chính thức thừa nhận bán Công ty Bia Huế cho đối tác Trung Quốc; toàn bộ cán bộ, công nhân viên người Việt của đơn vị này đã bị sa thải và thay thế bằng người Trung Quốc hay một xe chở men từ Trung Quốc của Bia Huda bị bắt tại Quảng Trị…
Tin đồn Tập đoàn Carlsberg bán Công ty Bia Huế cho đối tác Trung Quốc đã khiến sản lượng tiêu thụ bia Huda tại thị trường Quảng Trị sụt giảm đến hơn 70% |
Trước đó, khoảng đầu tháng 7.2012, tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình cũng xuất hiện tin đồn Bia Huda đã bán cho Trung Quốc và sản phẩm này có chất độc hại. Người tiêu dùng lập tức từ chối các sản phẩm của Huda làm sản lượng tại khu vực sụt giảm tới 30%. Không thể xác định chính xác được thủ phạm “tung tin đồn ác ý” này, nhưng nhiều khả năng là nó xuất phát từ yếu tố cạnh tranh giữa các thương hiệu.
Trao đổi với phóng viên Doanh nhân & Pháp luật, ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty Bia Huế cho biết: “Tác hại của các tin đồn thất thiệt mùa hè năm nay còn hơn cả đợt khủng hoảng năm trước mà chúng tôi đã từng đối mặt. Trong khoảng thời gian ảnh hưởng nặng nề nhất (tháng 6/2013 - PV), sản lượng tại thị trường Quảng Trị sụt giảm đến hơn 70%, nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với các sản phẩm của Cty Bia Huế. Các đại lý tiêu thụ khó khăn, kéo theo công ăn, việc làm của hàng nghìn người bị ảnh hưởng”.
Theo ông Nguyễn Mậu Chi, sự cố khủng hoảng này đã ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch đầu tư của Công ty Bia Huế tại thị trường Quảng Trị cũng như toàn chiến lược sản xuất kinh doanh của DN này.
“Có thể nói rằng chúng tôi đang phải xây dựng và củng cố lại thị trường từng bước một sau sự cố. Và tình hình đã trở nên lạc quan hơn rất rõ nét tại thị trường Quảng Trị, hiện nay Bia Huda đang từng bước phục hồi một cách tích cực, sản lượng bán ra tăng lên nhanh chóng”, ông Chi nói.
Cũng như Công ty Bia Huế, giữa tháng 6/2013 bỗng rộ tin đồn Công ty Thiên Thuận Tường ở Quảng Ninh khai thác than lậu giữa thanh thiên bạch nhật. Những thông tin trên đã gây bức xúc, hoang mang đối với DN và người lao động đang làm việc tại đây. Hàng trăm người lao động bất an, lo lắng về các thông tin trên.
“Dự án của Công ty Thiên Thuận Tường sau khi được các cấp có thẩm quyền thẩm định, được UBND tỉnh phê duyệt, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã đi vào hoạt động có hiệu quả nhiều năm nay. Việc xuất hiện những tin đồn ác ý đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty”, ông Trần Hòa, Giám đốc Công ty Thiên Thuận Tường cho biết.
Gần đây rộ lên thông tin một số DN tên tuổi trong nước "bị thâu tóm" dưới dạng mua bán, sáp nhập (M&A). Mới nhất là tin Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) bị một DN lớn về thực phẩm "mua đứt". Cách đây vài ba năm, Hanoimilk từng bị đồn thổi như vậy, nay chẳng hiểu vì sao chuyện cũ được khơi lại. Trao đổi với báo chí, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoimilk cho biết: "Tin đồn Hanoimilk bị thâu tóm đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý cán bộ nhân viên công ty, đối tác…
Quả thật, Hanoimilk đang "ôm" khoảng lỗ lũy kế hơn 60 tỉ đồng nhưng 3 năm trở lại đây, từ khi tôi giữ chức chủ tịch HĐQT, công ty đã từng bước vượt qua khủng hoảng, bắt đầu có thặng dư, dù ít. Chúng tôi cũng không có khoản nợ quá hạn nào nên vẫn đủ khả năng phát triển. Đến thời điểm này, tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện Hanoimilk tham gia mua bán, sáp nhập gì". Theo ông Tuấn, có thể đây là chiêu bài ác ý của đối thủ sau khi Hanoimilk vừa tung ra thị trường thành công sản phẩm sữa tươi iZZi.
Càng tên tuổi càng "dính" tin đồn
Không những DN mà một số doanh nhân tên tuổi cũng bị kẻ xấu tung tin đồn thất thiệt…
Tin đồn Chủ tịch Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Trần Bắc Hà bị bắt rộ lên ngày 21/2/2013 khiến thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh nhất (hơn 18 điểm) trong vòng 6 tháng qua. Nhà đầu tư tranh nhau bán ra theo tâm lý vì liên tưởng tới những tác động xấu như vụ bắt bầu Kiên hồi tháng 8/2012. Nhiều biểu hiện lo lắng cũng xuất hiện trên thị trường vàng, ngoại tệ…
Tin đồn Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt rộ lên ngày 21/2/2013 đã khiến thị trường chứng khoán giảm 18 điểm |
Ngay lập tức, chiều cùng ngày, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho rằng "có một nhóm đầu cơ nào đó tung tin để trục lợi". Sau gần 4 tháng điều tra, Tổng cục An ninh II- Bộ Công an đã tìm ra 3 đối tượng tung tin đồn thất thiệt nói trên. 3 người này hiện đang công tác tại TP HCM và Hà Nội, trong đó có một người đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội. Kết quả điều tra cho thấy những kẻ tung tin đồn này có mục đích vụ lợi về kinh tế, do họ đều là nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia đầu tư chứng khoán.
Những ngày đầu tháng 8 vừa qua rộ lên tin đồn ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), viết đơn từ chức. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Phước khẳng định ông không viết đơn từ chức Tổng Giám đốc Eximbank. Một số luật sư cho rằng tin đồn này nhằm mục đích hạ uy tín của ông Phước và gây mất đoàn kết nội bộ Eximbank vì việc ông ở hay đi khỏi Eximbank thì phải công khai một cách rõ ràng chứ không thể đột ngột như vậy được. Được biết ông Phước đã làm văn bản đề nghị cơ quan an ninh kinh tế điều tra việc tung tin sai sự thật này.
Trong giới doanh nhân thì có vẻ như những nhân vật càng nổi tiếng càng bị “dính” tin đồn. Ông Nguyễn Quốc Cường, thành viên HĐQT, kiêm phó Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai, biệt danh Cường Dollar nổi tiếng trong giới chơi siêu xe và showbiz Việt là doanh nhân bị nhiều tin đồn nhất. Trong tháng 3/2013 liên tục xuất hiện tin đồn “ác ý” cho rằng doanh nhân Nguyễn Quốc Cường bị mất tại nhà riêng ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM. Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Cường Dollar dính phải tin đồn thất.
Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu tác động đến Việt Nam thì một số doanh nhân tên tuổi ở Việt Nam phải hứng chịu bởi những tin đồn thất thiệt. Đó là tin đồn ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bị quản thúc và cấm xuất ngoại vì nợ ngân hàng đã râm ran từ đầu tháng 12 và bùng phát mấy ngày cuối năm 2008.
Tháng 3/2008, Chủ tịch HĐQT Tổng giám đốc Cty chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng cũng “dính” đến tin đồn ông bị bắt vì tùy tiện nâng vốn của SSI, gian lận trong đấu giá cổ phần Nhiệt điện Phả Lại. Chủ tịch HĐQT Cty chứng khoán VNDirect - Phạm Minh Hương cũng dính tin đồn bị bắt. Còn ông Trương Gia Bình, chỉ mỗi việc thôi chức Chủ tịch HĐQT một công ty thành viên của tập đoàn FPT cũng bị kẻ xấu tung tin ông mất ghế nhằm “xọ chuyện nọ sang chuyện kia” để làm trầm trọng hóa vấn đề gây mất uy tín cho ông…
Doanh nghiệp cần chủ động xử lý khủng hoảng tin đồn
Chắc quý bạn đọc còn nhớ tin đồn ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) bỏ trốn xảy ra vào tháng 10/2003 đã làm chao đảo ngân hàng ACB cũng như cả hệ thống ngân hàng trong suốt mấy ngày. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ, tình hình dần ổn định lại vài ngày sau đó. Đại diện ACB đã từng treo giải thưởng 200 triệu đồng cho ai cung cấp nguồn tin cho cơ quan chức năng tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt. Tuy nhiên 10 năm qua “kẻ giấu mặt” vẫn còn là một ẩn số!.
Việc ngăn chặn tin đồn xuất hiện, phát tán gần như bất khả thi và việc cơ quan chức năng tìm ra “thủ phạm” chẳng khác nào “mò kim đáy biển”. Nhưng DN có thể chủ động tự vệ bằng cách minh bạch hóa thông tin. Quan trọng hơn, DN cần phản ứng nhanh khi tin đồn xảy ra thông qua chiến lược truyền thông rõ ràng để giảm thiểu thiệt hại.
Theo Ths Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch Công ty Tư vấn chiến lược Win-Win thì các DN, doanh nhân cần phải thật thận trọng và tỉnh táo trước những tin đồn để tối thiểu tác động xấu. Tùy theo mức độ và tầm ảnh hưởng mà có sự tham gia của cơ quan công quyền. Tin đồn liên quan đến lãnh đạo cấp cao, thì phải chính ban lãnh đạo cấp cao trực tiếp giải quyết trước công luận, phương tiện truyền thông mới hiệu quả; liên quan đến chất lượng sản phẩm, thì cần phải có cơ quan chức năng trung gian có đủ uy tín lên tiếng...
“Để giải quyết tận gốc vấn đề, DN xây dựng mô hình quản lý, đối phó tốt với tin đồn, đối phó với khủng hoảng. Việc công khai, minh bạch, sẵn sàng mổ sẻ tin đồn là điều các DN nên làm. Khi có tin đồn, bên cạnh việc khai thác tối đa sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, sự ủng hộ của các cơ quan công quyền, cơ quan chức năng, nội bộ DN cần phải thể hiện sự đồng lòng và thấu hiểu, để từ đó mỗi nhân viên sẽ tiếp tục là đại sứ đính chính tin, xử lý đồn trước công chúng. Ngoài ra, DN cần phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc sử dụng các luật để bảo vệ quyền hạn hợp pháp của mình”, ông Năm nói.
Một số chuyên gia truyền thông thì cho rằng đối phó với tin đồn thất thiệt là hình thức xử lý khủng hoảng truyền thông: Cần phải phân tích động cơ của người tung tin đồn và cường độ dư luận xã hội để chọn các hình thức truyền thông hợp lý.
“Báo chí là kênh thông tin quan trọng trong việc xử lý tin đồn, bởi dù truyền thông xã hội có mạnh đến đâu, người dân vẫn tin vào các kênh thông tin chính thống với những nguyên tắc nghiệp vụ, đạo đức trong xử lý nguồn tin. Trong một số trường hợp, DN cần phải biết đối diện với một số phần trăm sự thật trong lòng tin đồn để biết xử lý, ứng phó “chuyển bại thành thắng” bằng các giải pháp truyền thông thông minh”, Ths Phan Văn Tú, Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường ĐH Khoa học & xã hội và nhân văn TPHCM chia sẻ.
Thực tế cho thấy, trong năm 2012, giới đầu tư tài chính đã từng chao đảo khi dồn dập tin đồn về lãnh đạo Tập đoàn Masan... bị bắt giam. Những tin đồn này gây hoang mang lớn trong dư luận và nó đã thể hiện bằng những phiên giảm điểm mạnh của TTCK. Bản thân ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan - người rất hiếm khi xuất hiện trước báo giới, sau đó cũng đã lên tiếng phủ nhận tin đồn thông qua một tờ báo mạng. Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bán tin bán nghi về “tình trạng” của ông Quang cho đến khi báo chí đồng loạt đăng tải hình ảnh của ông này trong một sự kiện của Masan tại TP. HCM.
Ông Thái Vũ Hòe, Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân (Chi nhánh phía nam) thì cho rằng nếu hội viên của Trung tâm mà dính tin đồn thì nhất thiết Trung tâm sẽ có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho DN.
“Chúng tôi đã hợp tác với Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp của Bộ Tư pháp nhằm tư vấn và phòng chóng rủi ro cho doanh nghiệp và đặc biệt là rủi ro về pháp lý, rủi ro về những tin đồn thất thiệt gây ra nhằm tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện những tin đồn chết người trong chương trình “ nói lại cho rõ ”, ông Hòe cho biết.
Đăng Bình - Nguyễn Phú