Ai tiếp tay cho “đại gia” vàng nợ hàng trăm tỷ đồng thuế?

(PLO) - Trong khi Cục Thuế tỉnh Quảng Nam tìm mọi cách để buộc Cty Vàng Phước Sơn và Cty Khai thác vàng Bồng Miêu (thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam) phải trả gần 300 tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước thì UBND tỉnh lại có công văn yêu cầu ngành Thuế tạm thời chưa thực hiện lệnh phong tỏa tài khoản 2 công ty này.
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn “sung sướng” khi lấy được hàng tấn vàng đem bán ra nước ngoài
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn “sung sướng” khi lấy được hàng tấn vàng đem bán ra nước ngoài
Liên quan đến việc Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Cty Vàng Phước Sơn) nợ 225 tỷ đồng và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Cty Khai thác vàng Bồng Miêu) nợ hơn 51 tỷ đồng tiền thuế các loại chây ỳ mấy năm liền không chịu trả, trong các số báo trước, Pháp luật Việt Nam đã đề cập đến nghi vấn lợi ích nhóm. Với những diễn biến mới đây, nghi vấn này xem ra càng rõ nét.
Xuất bán 4 tấn vàng, nợ thuế không chịu nộp
Ông Lê Mai Khắc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 4/8, Cục Thuế làm việc với đại diện 2 Cty vàng. Cục Thuế tỉnh viện dẫn quy định của Luật Quản lý thuế, theo đó đưa ra 3 điều kiện mà 2 Cty vàng phải đáp ứng nếu muốn được cho phép tạm dừng cưỡng chế thuế. Thứ nhất, phải cam kết nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn 12 tháng; Thứ hai, phải có bảo lãnh của ngân hàng; Thứ ba, phải nộp đều trong các tháng. Trước các điều kiện này, 2 Cty vàng cam kết nộp dần nhưng số tiền nộp hàng tháng ít và yêu cầu được trả dần trong vòng 24 tháng. Ngoài ra, 2 Cty vàng sẽ không có sự bảo lãnh của ngân hàng. 
“Phía Cty nói rằng khả năng tài chính của họ không thể cam kết hơn được. Vì không thể thống nhất nên chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Thuế để xin ý kiến” - ông Hưng cho biết thêm.
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, tổng số tiền thuế các loại mà 2 Cty vàng nộp vào ngân sách là hơn 650 tỷ đồng, sau khi đưa ra nước ngoài tiêu thụ hơn 4,430 tấn vàng thành phẩm. Tuy nhiên, số nợ thuế phát sinh các loại tính từ năm 2004 đến tháng 7/2014 đã lên tới hơn 1.033 tỷ đồng. 
Theo tính toán của Cục Thuế tỉnh này, nếu trừ khoản hoàn thuế giá trị gia tăng 105 tỷ đồng cho 2 Cty, cộng với khoản thuế đã nộp vào ngân sách 650 tỷ đồng thì đến nay, khoản nợ thuế các loại chưa nộp vào ngân sách là 278 tỷ đồng. 
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam khẳng định số tiền thuế 2 Cty vàng phải nộp vào ngân sách được cơ quan này căn cứ trên tổng sản lượng vàng đã xuất bán ra nước ngoài. “Vậy tổng số tiền thu được sau khi xuất bán hơn 4,430 tấn vàng ra nước ngoài là bao nhiêu, và tại sao Tập đoàn Besra Việt Nam cố tình chây ỳ, không nộp các khoản nghĩa vụ? Đã vậy, lại còn đổ thừa cho thiên tai, rồi đóng cửa 2 nhà máy để gây sức ép với chính quyền phải dỡ bỏ lệnh cưỡng chế thuế?” - vị lãnh đạo này bức xúc.
“Uẩn khúc” công văn của UBND tỉnh Quảng Nam
Trong lúc Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đang áp dụng đúng Luật Quản lý thuế để buộc 2 Cty vàng phải trả gần 300 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước thì bất ngờ, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Cục Thuế tỉnh yêu cầu tháo gỡ “khó khăn” cho 2 “đương sự”. 
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Cục Thuế làm việc với 2 Cty vàng theo “phương án” dừng cưỡng chế và cho phép gia hạn trả nợ dần trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu muốn thực hiện theo công văn của UBND tỉnh cũng không được, vì luật chỉ cho phép gia hạn trả nợ trong vòng 12 tháng.
Bình luận về điều này, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, sự việc đang diễn ra tại tỉnh Quảng Nam là “không chấp nhận được”. 
Cần nhắc lại rằng, 2 Cty vàng trên từng được Bộ Tài chính hủy quyết định truy thu 250 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng, dường như vì thế họ càng được đà chây ỳ đóng góp các khoản thuế, phí khác cho ngân sách. Từ đầu tháng 4, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam buộc phải ra quyết định phong tỏa tài khoản và thông báo hóa đơn của Cty Vàng Phước Sơn không còn hiệu lực nhằm thu hồi các khoản thuế, phí quá hạn.
Bị làm căng, Besra Việt Nam liên tục “la làng” nhằm gây sức ép đối với Cục Thuế tỉnh. UBND tỉnh Quảng Nam thay vì phải có biện pháp đảm bảo kỷ cương pháp luật để chống thất thu ngân sách thì lại chỉ đạo dừng cưỡng chế một cách khó hiểu.
Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, nếu ưu đãi nhiều như vậy sẽ tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách, cứ kêu làm ăn thua lỗ là nợ thuế. Sự dễ dãi đối với 2 doanh nghiệp vàng này sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, kéo lùi những nỗ lực cải cách, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ.
Mỏ vàng Phước Sơn có công suất khai thác 1.000 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 92-95%. Mỏ vàng Bồng Miêu công suất 500 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 88%. Ngoài 4,430 tấn vàng mà Cục Thuế tỉnh Quảng Nam căn cứ để tính thuế sau khi đã xuất bán ra nước ngoài, khối lượng vàng đào được, theo chuyên gia là lớn hơn nhiều lần. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam cuối tháng 7 vừa qua. 
Phải trả lại tài nguyên cho quốc gia
Theo các chuyên gia khai thác vàng ở Quảng Nam, việc Besra Việt Nam tạm ngừng hoạt động khai thác ở Bồng Miêu và mỏ Phước Đức ở Phước Sơn chỉ là “trò hù dọa”. Đối với mỏ vàng Bồng Miêu, việc đóng cửa có thể chấp nhận được vì trữ lượng vàng mỏ này còn ít, hơn nữa Besra đã “ăn đủ” trong vòng hàng chục năm qua rồi. Riêng mỏ vàng Phước Đức không dễ gì Besra “nhả” ra. Vì theo giấy phép thăm dò, trữ lượng vàng tại mỏ này lên đến 7.000 tấn. Giá 1 tấn vàng hiện tại là hơn 800 tỷ đồng.
Ngoài nợ gần 300 tỷ đồng tiền thuế và hơn 9 tỷ đồng tiền bảo hiểm, theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Phước Sơn, 2 Cty vàng còn nợ hàng trăm tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện này. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm người kéo đến nhà máy vàng Phước Sơn đòi nợ. 
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Không nói đến các khoản nợ thuế đối với Nhà nước, riêng tại huyện, tính đến nay Cty Vàng Phước Sơn nợ 182 tỷ đồng. Do vậy huyện ủng hộ Cục Thuế tỉnh tiến hành các biện pháp cưỡng chế thuế đối với Cty Vàng Phước Sơn. Nếu Cty Vàng Phước Sơn không chủ động đóng cửa nhà máy thì chúng tôi cũng yêu cầu Cty này tạm dừng hoạt động trong thời gian bị cưỡng chế thuế để thực hiện các khoản nợ ở địa phương cũng như giải quyết các quyền lợi cho người lao động”.
Theo ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, vì không thu được ngân sách do Cty Vàng Phước Sơn chây ỳ nên các hoạt động của huyện gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, huyện đã làm tờ trình xin tỉnh Quảng Nam tạm ứng 25 tỷ đồng để chi thường xuyên. “Nằm trên mỏ vàng nhưng người dân không được hưởng lợi mà còn rước khổ vào thân là điều bất công. Khai thác vàng, xuất khẩu lấy tiền nhưng không thu được thuế cũng đồng nghĩa với việc lãng phí tài nguyên quốc gia. Vì vậy, đã đến lúc nên thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ vàng, tìm nhà đầu tư nào có năng lực và có nghĩa vụ thuế với địa phương” - ông Quyền nói.

Đọc thêm