Đặt doanh nghiệp là trung tâm của các giải pháp phục hồi

(PLVN) - “Đặt doanh nghiệp (DN) là trung tâm của tất cả các giải pháp phục hồi để có thể sớm chuyển trạng thái nền kinh tế của Việt Nam khi cuộc chiến phòng dịch Covid có thể bước sang giai đoạn mới” là chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương trong cuộc họp triển khai các giải pháp phục hồi nền kinh tế, được tổ chức chiều qua (24/4/2020).
Đặt DN là trung tâm của các giải pháp phục hồi kinh tế.
Đặt DN là trung tâm của các giải pháp phục hồi kinh tế.

Tìm các “bài toán” phù hợp

Thông tin về tình hình kinh tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhiều quốc gia khác đã tính đến việc mở cửa nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ để sớm phục hồi kinh tế.  Bộ trưởng nói: “10 trung tâm kinh tế thế giới đều chịu những tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, đang phải đối mặt với những bất ổn và dự báo về câu chuyện đỉnh dịch, kể cả các nước đã ổn định có nguy cơ bị tấn công trở lại cũng không thể lường trước được”.

Do đó, cần phải đưa ra những giải pháp thích ứng trong tình hình mới để phù hợp với trạng thái nền kinh tế hiện nay. Tất cả đều dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm. Bài toán kinh tế Việt Nam sẽ phát triển hậu Covid như thế nào phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu nhưng “2 vấn đề này vẫn đầy rủi ro” theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (XNK) Phan Văn Chinh cho biết, nửa đầu tháng 4, kim ngạch XNK đạt 83 tỷ, vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ nhưng tất cả các nước trên thế giới đều đang bước vào vòng xoáy khó khăn khi các thị trường mạnh bị ảnh hưởng rất lớn. Thời gian tới cần tổ chức sản xuất để tạo nguồn hàng, khai thông lại thị trường trong đó cần tính đến cả những thị trường khó khăn hơn do họ thực hiện các rào cản bảo hộ thương mại.

Trước mắt, cần tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu (XK) bằng việc bám sát các thị trường vẫn khai thác tốt như Nhật Bản, Trung Quốc. Riêng các ngành hàng dệt may, da giày và đồ gỗ nên sớm có chương trình nối lại giao thương bằng các hình thức trực tuyến; Đồng thời đề nghị hệ thống thương vụ phân tích cụ thể tình hình dịch bệnh và nhu cầu thị trường để DN có thể dựa vào, phân tích và đưa ra những biện pháp thích hợp nhất với thời điểm hậu Covid-19.

Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho biết, khó khăn nhất hiện nay là các ngành hàng dệt may da giày khi Mỹ và châu Âu chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu (XK). Với các mặt hàng này, thị trường trong nước chỉ chiếm 10% (tương đương 6 tỷUSD) mà khơi thông thị trường trong nước cũng là một vấn đề khó. Trong khi đó, các DN tiếp cận được các nguồn vốn để “cầm hơi” cũng là cả một vấn đề, chưa nói đến tiếp cận các dòng vốn phục hồi sản xuất, do đó, theo ông Hoài, cần phải gia hạn thêm thời gian chậm, dừng nộp thuế đến hết quý I/2021 mới có thể giúp DN vượt qua tình hình hiện nay.

Đặt doanh nghiệp vào trung tâm phục hồi

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, để khôi phục sản xuất kinh doanh phải có hướng dẫn cụ thể các DN thông qua gói hỗ trợ "đầu vào", "đầu ra". Nếu thời gian tới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được Quốc hội phê chuẩn thì Vụ Chính sách thương mại đa biên và 2 Vụ thị trường ngoài nước cần phối hợp, hỗ trợ DN tìm hiểu và khai thác tốt những cơ hội từ Hiệp định này. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Khoa học - công nghệ hỗ trợ DN đẩy mạnh các chương trình chuyển đổi số trong tình thế dịch Covid-19 lại là cú hích cho phát triển kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra các chỉ đạo cụ thể đối với từng Cục, Vụ với yêu cầu “phải có những bản kế hoạch cụ thể để có thể tạo điều kiện cho DN tiếp cận nhanh nhất những giải pháp phục hồi kinh tế”. Bộ trường yêu cầu: “Đối với các đơn vị phụ trách sản xuất, phải tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành trọng điểm như: dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất... để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ DN ổn định sản xuất và sẵn sàng đẩy mạnh XK khi tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến sự dịch chuyển đầu tư hậu Covid để tính toán đến việc DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu đối với ngành hàng ô tô và chế biến chế tạo”.  

Cuộc họp triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế khi cuộc phòng chống dịch Covid-19 bước sang giai đoạn mới
 Cuộc họp triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế khi cuộc phòng chống dịch Covid-19 bước sang giai đoạn mới

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Cục XNK, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) và các Vụ Thị trường ngoài nước phải có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy XK cho từng mặt hàng, từng thị trường có thể khai thác ngay trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn hậu dịch bệnh. Đối với hoạt động XTTM nửa cuối năm 2020, cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi, xây dựng kế hoạch và các hoạt động triển khai linh động bám sát vào tình hình hồi phục và nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch tại các thị trường để có thể triển khai ngay.

Bên cạnh đó, các Vụ Thị trường ngoài nước phối hợp với Cục XNK có đánh giá và đưa ra đối sách để kịp thời khai thác, phát triển các thị trường XK mới để kịp thời thay thế, bổ sung các thị trường XK đang gặp khó khăn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19; Tập trung vào các thị trường có sự kiểm soát tốt dịch bệnh để đẩy mạnh khai thác các khung khổ hợp tác thương mại song phương, đa phương, tạo thuận lợi cho DN sớm tiếp cận thị trường

Tính đến việc, hậu dịch bệnh, hàng hóa tồn đọng, tồn kho ở nhiều nước có thể XK ồ ạt, tràn vào thị trường trong nước với giá thấp, ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, nhằm đảm bảo cạnh tranh trong nước và năng lực sản xuất nội địa, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) phải bám sát diễn biến thị trường, hết sức lưu ý để có biện pháp PVTM phù hợp trước diễn biến phức tạp từ tình hình thế giới; Theo dõi sát tình hình và chủ động hướng dẫn các DN, hiệp hội, ngành hàng có phương án báo cáo, phối hợp để nghiên cứu và áp dụng ngay các biện pháp PVTM trong trường hợp cần thiết.

Đọc thêm