Tín dụng ngân hàng bơm "bong bóng" bất động sản?

Từ nửa đầu năm trở lại đây, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có khuyến cáo với các ngân hàng thương mại về việc đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, bất động sản

Từ nửa đầu năm trở lại đây, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có khuyến cáo với các ngân hàng thương mại về việc đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, bất động sản, nhưng một số ngân hàng, trong đó có cả những ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước vẫn tiếp tục đổ tiền tài trợ vào các dự án bất động sản cao cấp dưới hình thức hợp tác đầu tư. Đã có không ít ý kiến lo ngại về luồng tín dụng tiếp tục chảy vào bất động sản theo những hình thức mới này, liệu hiện tượng này có thể dẫn đến nguy cơ “bong bóng” bất động sản ngoài mong muốn?

Bảo Việt là một ngân hàng còn rất trẻ nhưng cũng lựa chọn lĩnh vực bất động sản như một kênh đầu tư. Vào đầu tháng 7 năm nay, cùng với 3 ngân hàng lớn khác, Bảo Việt Bank thực hiện hợp đồng đồng tài trợ vốn cho dự án trung tâm mua sắm Hồ Bán Nguyệt của Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng, với số tiền vay tới 1200 tỷ đồng. Là một nhà đầu tư tài chính, đích ngắm đến đầu tiên của Bảo Việt chính là khả năng sinh lời của dự án.

Ông Phan Đào Vũ - Tổng giám đốc Bảo Việt Bank cho biết: “Đúng là thời điểm này không phải là thời điểm tốt cho đầu tư bất động sản, tại sao các Ngân hàng vẫn quan tâm tài trợ cho các dự án? Phải nói thành thật rằng các Ngân hàng khi đầu tư vào bất kỳ dự án gì như bất động sản, sản xuất hay hạ tầng đều rất thận trọng, khảo sát kỹ lưỡng và quan tâm đến tính khả thi của dự án. Thị trường chung là một vấn đề nhưng còn tùy thuộc vào từng dự án cụ thể”.

Có lẽ cùng chia sẻ một quan điểm đầu tư như vậy nên không ít ngân hàng thương mại đã quyết định tài trợ cho các dự án bất động sản, ví dụ như hợp đồng được ký kết giữa Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Agribank với Bitexco (chủ đầu tư dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh), hay dự án Him Lam - Tân Hưng ở quận 7 cũng nhận được khoản tài trợ 950 tỷ đồng của Vietcombank. Theo ông Phan Đào Vũ, thực chất của hoạt động tài trợ này là cho doanh nghiệp vay vốn để triển khai dự án. Bài toán về độ rủi ro trong đầu tư dự án bất động sản là tất yếu như bất cứ dự án nào.

Ông Phan Đào Vũ - Tổng giám đốc Bảo Việt Bank nói: “Trong tiếng Anh có câu “nothing adventure nothing have”, nếu cái gì cũng sợ rủi ro thì chả ai dám làm được gì, một doanh nghiệp kinh doanh nhỏ cũng như một ngân hàng lớn. Từng ngân hàng sẽ cân nhắc về rủi ro và cơ hội, tùy vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng mà quyết định đầu tư”.

Nhưng điểm đáng nói là các hợp đồng cho vay nặng ký nhất lại chảy vào những dự án cao cấp như khu thương mại hay khu nhà phức hợp đa chức năng tại trung tâm các thành phố lớn. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng đó là một hiện tượng chứa đựng không ít rủi ro.

Giáo sư, TSKH Đặng Hùng Võ - Chủ nhiệm bộ môn Địa chính, trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: ”Đầu cơ tập trung chủ yếu vào khu vực cao cấp, cung rất nhiều mà chỉ đáp ứng cho cầu giả, cầu chuyển từ người có tiền này sang người có tiền khác, đáp ứng rất ít nhu cầu của thị trường. Thị trường nó sẽ làm theo cái lợi nhuận dự báo của nó mà là dự báo sai, tập trung vào lợi ích của từng nhóm người. Rủi ro đằng sau việc bơm vốn không có sự điều tiết của Nhà nước không phải chỉ là quan hệ giữa thị trường cao cấp với bình dân, mà là mối quan hệ là vốn bao nhiêu cho thị trường bất động sản là đủ và bao nhiêu là thừa vì nếu hút vốn vào bất động sản quá nhiều thì khu vực thị trường hàng hóa sẽ thiếu vốn, sự mất cân đối đó sẽ dẫn đến những lệch lạc nhất định về luồng đầu tư cho khu vực thị trường”.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khá trầm lắng như hiện nay, hiệu ứng bong bóng bất động sản chưa thể xảy ra, nhưng rủi ro về mất cân đối các luồng đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế là có thể. Vì vậy vào lúc này, vai trò quản lý điều tiết của Nhà nước là hết sức cần thiết để có thể hài hòa lợi ích từ phía các tổ chức đầu tư tài chính cũng như những lĩnh vực kinh doanh thực sự cần vốn đầu tư.

Theo VTV

Đọc thêm