Doanh thu 70.000 tỷ đồng của PV GAS có khiêm tốn?

(PLVN) - Năm nay, đơn vị sản xuất và kinh doanh khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đặt mục tiêu doanh thu 70.000 tỷ đồng. Đây có thể coi là một mục tiêu khiêm tốn nếu so với tiềm năng và thực tiễn kinh doanh quý I/2021 của đơn vị này.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của PV GAS là đảm bảo vận hành an toàn, liên tục hệ thống các công trình khí.

Cung cấp khí để sản xuất 20% sản lượng điện

PV GAS vừa tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Ông Dương Mạnh Sơn – Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, mặc dù gặp nhiều bất lợi chưa từng có trong năm 2020, đặc biệt là tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm mạnh, nhưng PV GAS đã thực hiện thành công nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch trong năm đề ra.

Hệ thống công trình khí của PV GAS vận hành an toàn, hiệu quả, cấp khí, sản phẩm liên tục; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác kiểm định hiệu chuẩn công trình khí triển khai theo kế hoạch, đúng qui trình; thực hiện hiệu quả việc tăng lượng khí Thiên Ưng đưa vào bờ từ cuối tháng 3/2020, hoàn thành nâng công suất vận chuyển khí đường ống PM3 - Cà Mau lên 6,5 triệu m3 khí/ngày từ giữa tháng 4/2020, góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho PV GAS khoảng 200 tỷ đồng/tháng. 

Theo ông Dương Mạnh Sơn, năm qua, PV GAS đã đạt sản lượng thực hiện ở mức cao trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do sự cố phía thượng nguồn, từ việc huy động khí thấp của các hộ tiêu thụ, cạnh tranh gay gắt của thị trường kinh doanh LPG. Kết quả, năm 2020, PV GAS cung cấp gần 8,7 tỷ m3 khí khô; sản xuất và kinh doanh trên 1,9 triệu tấn LPG. Sản xuất và cung cấp trên 58 nghìn tấn condensate. PV GAS tiếp tục cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 20% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng trên 62% thị phần LPG cả nước.

Về chỉ tiêu tài chính, năm 2020, lợi nhuận và nộp ngân sách về đích trước kế hoạch 2-3 tháng, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và PVN (trên 4,3 nghìn tỷ đồng); là top đầu các đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong PVN. 

Đơn vị này cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành toàn bộ chuỗi dự án khí Nam Côn Sơn 2 trong tháng 12/2020; dự án kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải, với giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng gần 7.000 tỷ đồng.

Chia cổ tức bằng tiền mặt

Bước vào năm 2021, tình hình giá dầu thế giới khả quan nhưng năm 2021, đơn vị này đặt mục tiêu tổng doanh thu 70.169 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.795 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3.547 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh này được PV GAS xây dựng dựa trên phương án giá dầu 45 USD/thùng và tỷ giá USD là 23.500 đồng. 

Nhìn vào chỉ tiêu trên của PV GAS cho thấy đơn vị này đã đặt mục tiêu khá khiêm tốn so với khả năng thực tế. Riêng trong quý I/2021, do giá dầu thế giới tăng lên (trên dưới 60 USD/thùng) và giá LPG cũng tăng nên PV GAS đã đạt doanh thu gần 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng hơn 2.200 tỷ đồng... Theo dự đoán, nếu giá dầu thế giới tiếp tục ổn định hoặc cao hơn hiện nay thì PV GAS sẽ tiếp tục được hưởng lợi. Rất có thể doanh thu của PV GAS sẽ cao hơn con số 70.000 tỷ như kế hoạch đặt ra.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, lãnh đạo của PV GAS đã cùng các cổ đông thảo luận, trao đổi, phân tích kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, tiến độ và triển vọng các dự án đầu tư xây dựng, phương hướng phát triển kinh doanh LNG, kế hoạch duy trì và gia tăng lợi nhuận trong môi trường cạnh tranh ngày càng mở rộng. Đại hội cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận với việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 30%/vốn điều lệ; kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm 2021 với tỷ lệ 25%/vốn điều lệ.

Đọc thêm