Chuyện vườn chim bồ câu ở Công viên biển Phạm Văn Đồng (thuộc Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) bị hàng chục kẻ gian tàn sát gây chấn động dư luận. Bởi đây không chỉ là chuyện thức khuya xem bóng đá đói bụng, bắt chim bán lấy tiền cá độ mà là hành vi vô văn hóa, độc ác và sự coi thường luật pháp không thể chấp nhận được.
Điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh là thời gian gần đây trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ việc phạm pháp hình sự liên quan đến tình trạng bạo lực của nhiều thanh, thiếu niên. Theo thống kê của Công an thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2010, có 274 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 6 người, bị thương 39 người, gây thiệt hại về tài sản lên đến 5 tỷ đồng. Những số liệu trên đây phản ánh rằng tình hình an ninh, trật tự đang có những biểu hiện đáng lo ngại. Đặc biệt, trong các vụ phạm pháp hình sự, có nhiều vụ chống người thi hành công vụ - có nghĩa là sự coi thường luật pháp, coi thường kỷ cương, phép nước đang là điều rất đáng báo động.
Trở lại vụ tàn sát chim bồ câu. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là một loại tội ác nghiêm trọng. Thứ nhất, cách thức tấn công hai chuồng chim bồ câu (cách xa nhau 500m) luân phiên, trong khi tổ bảo vệ chỉ có 3 người, là một dạng phạm tội có tổ chức, lên “kế hoạch” hẳn hoi. Thứ hai, nếu tính riêng về giá trị kinh tế thì số chim bồ câu bị giết, bắt không nhiều giá trị chỉ khoảng vài triệu đồng.
Do đó, không thể không nghi vấn rằng phải chăng có những kẻ đang muốn tìm mọi cách để phá hoại mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố sinh thái, đẹp, lành mạnh? Nếu không bắt được những kẻ côn đồ thì làm sao xóa được cái ấn tượng về sự hiện diện cái ác ở một thành phố thanh bình trong khi chỉ có vài kẻ táng tận lương tâm gây ra tội ác đó? Thứ ba, đàn chim bồ câu gần 1.000 con không chỉ là niềm tự hào, điều mới mẻ của một thành phố du lịch đang phát triển mà nó còn là biểu tượng của sự thân thiện, nhân ái, hiền hòa của một vùng đất đang mở rộng vòng tay với tất cả mọi người.
Do vậy, việc giết hại chim bồ câu phải được coi là một vụ trọng án vì đó là điều mà con người Đà Nẵng rộng lượng, bao dung không thể nào chấp nhận được. Thứ tư, cách đặt vấn đề của một số tờ báo cho rằng chỉ là do “đói bụng” hay do thua độ sau trận đấu bán kết Uruguay - Hà Lan là cách nhìn chưa thỏa đáng. Chuẩn bị cả bao tải, tấn công từng khu nuôi chim một không bao giờ là hành động bột phát và số lượng chim nhiều như thế không dễ gì tiêu thụ nếu không có những cơ sở thỏa thuận trước.
Cũng cần phải đặt câu hỏi rằng, mọi nguyên nhân dẫn đến tội ác thì một trong những nguyên nhân đầu tiên phải tìm đến là nếu luật pháp không nghiêm minh thì những kẻ đã và sẽ thủ ác cứ coi thường, khinh nhờn – dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc truy tìm, nghiêm trị những kẻ tàn sát chim bồ câu
Bài học từ những con chim bồ câu bị tàn sát thật đau xót. Đó không còn là chuyện của chim câu nữa mà là chuyện về vấn nạn xã hội, về sự coi thường luật pháp, về sự vô văn hóa của những kẻ thủ ác. Suy rộng ra, vấn đề mất nhân tính của một số côn đồ là đáng báo động. Một khi những kẻ đó bất chấp tính mạng của người khác, bất kể danh dự của thành phố quê hương thì nhất thiết phải bị nghiêm trị!
Đinh Thiện