Độc đáo đôi giếng cổ bên ngôi đình Bảo Đà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tọa lạc tại phường Dữu Lâu (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đình Bảo Đà là di tích đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1993. Đình thờ ba vị thánh Cao Sơn đại vương, Quý Minh đại vương và tướng quân Cương Trực - đây là tam vị đại vương thượng đẳng thần, có công trạng “bảo dân hộ quốc” của Đức Thánh Tản Viên.
Độc đáo đôi giếng cổ bên ngôi đình Bảo Đà

Đình thiêng thờ ba vị thần tướng

Theo lược sử ngôi đình, thời Hùng Vương thứ 18 đất nước thanh bình, vua Hùng cùng con rể là Sơn Tinh (sau này là Tản Viên Sơn thánh) đi kinh lý. Đến vùng đất này, nhà vua ngắm cảnh khen rằng nơi đây phong cảnh đẹp, có đất bồi, có lòng hồ bao quanh, Sơn Tinh liền cho dựng hành cung để nhà vua nghỉ chân và đặt tên là Bảo Quý cung, từ đó Bảo Quế cung được lấy tên để đặt cho Lan Bảo Quế trang. Đây là một vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hóa và trù phú của kinh đô Văn Lang xưa.

Tản Viên sai lưỡng kim thánh là Quý Minh và Cao Sơn, sau đó sai tướng quân Cương Trực về lập trại để bảo vệ kho quân lương của triều đình (Dữu Lâu ngày nay chính giữ phía Đông kinh thành Phong Châu), trông coi hành cung và dựng làng lập ấp dạy dân cấy lúa, trồng dâu tằm canh cửi, làm ăn sinh sống phát triển thành một vùng trù phú.

Đình Bảo Đà.

Đình Bảo Đà.

Trong hai cuộc xung đột Hùng - Thục, Quý Minh và Cao Sơn là lưỡng thần tướng văn võ toàn tài, đức độ lập nhiều công lớn, vua phong Quý Minh làm anh du hộ quốc Đại Vương và phong Cao Sơn làm ứng võ Đô quý đại vương.

Lưỡng thiên thần về nghỉ dưỡng già tại làng Đông Mạch, xã Sơn Đông. Sau những ngày chinh chiến, những vị tướng lại trở về trang Bảo Quế để khao binh thưởng tướng và sống cuộc sống bình dị cùng cư dân bản địa. Nhị vị đại vương về già hóa tại đất này, được nhân dân lập đình thờ, tôn là Thành hoàng làng Đông Mạch.

Các vị đại vương đều có công giúp vua Hùng thứ 18 xây dựng bảo vệ đất nước. Để tri ân công đức của các vị, các vương triều Nguyễn đã 08 lần kính cẩn sắc phong, tôn các Ngài là thượng đẳng thần.

Cổng tam quan đình Bảo Đà xây dựng từ năm 1918.

Cổng tam quan đình Bảo Đà xây dựng từ năm 1918.

Đình Bảo Đà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Đình Bảo Đà và các đình, đền, miếu trên địa phận phường Dữu Lâu là những di tích lịch sử văn hóa thuộc hệ thống các di tích lịch sử phụ trợ cho quần thể di tích văn hóa đặc biệt quốc gia Đền Hùng. Ngôi đình thiêng được coi là một kho báu có giá trị cao về lịch sử kiến trúc cuối thời Lê đầu Nguyễn, cũng là một bảo tàng cổ vật có giá trị về mĩ thuật cổ dân gian.

Độc đáo đôi giếng cổ mấy ngàn năm tuổi

Theo quan sát, đình Bảo Đà hiện tọa lạc trên nền đất bằng phẳng, rộng gần 3ha, được bao bọc bởi màu xanh trù phú của vườn cây trái quanh năm tươi tốt: này là vườn bưởi sai trĩu, này là rặng xoài lúc lỉu quả, kia rặng cây ngọc lan thơm ngọt ngào… Đình hướng mặt ra một vùng bát ngát, phía trước có một hồ nước trong xanh, mùa này sen nở ngát hương.

Đặc biệt, phía trước đình có đôi giếng cổ gọi là giếng Cậu, giếng Cô; truyền rằng đôi giếng này tồn tại từ khi có ngôi đền, nghĩa là có từ hàng mấy ngàn năm trước.

Giếng Cậu.

Giếng Cậu.

Nằm phía bên trái ngay trước mặt đình, giếng Cậu có hình tròn, xưa kia giếng Cậu là nơi cung cấp nước ăn, nước sinh hoạt cho cả một vùng. Theo luật làng, chỉ có cánh đàn ông trai tráng trong vùng mới được đến giếng Cậu tắm gội; còn đàn bà con gái không được bén mảng.

Người già trong làng kể lại, từ xưa đến giờ, mạch nước ở giếng Cậu quanh năm đầy ắp, trong vắt, ngọt mát mà không hề bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hay hạn hán từ ngoại cảnh. Nhờ tam vị Thành hoàng làng bảo hộ, thanh niên trai tráng tắm nước giếng này tăng thêm sức khỏe, sức mạnh; nhân dân trong vùng ăn nước giếng này thêm bền gan, vững dạ. Bằng chứng là nhân dân trong vùng đã có công đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc xây dựng đất nước, chống ngoại xâm.

Xa xa phía bên phải ngôi đình, ẩn sau những rặng cây xanh ngút ngàn khuất hẳn tầm nhìn là giếng Cô, giếng này có hình dáng như một bàn chân khổng lồ. Giếng Cô là nơi dành riêng cho chị em phụ nữ. Sau mỗi ngày lao động vất vả, mỗi khi hoàng hôn buông xuống nơi đây lại rộn ràng tiếng nói cười, trò chuyện của các mẹ, các chị đến đây tắm gội, giặt giũ. Giếng Cô thời trước giống như một địa chỉ sinh hoạt cộng đồng, là nơi các bà, các chị tụ họp để tâm sự, chia sẻ với nhau cho vơi bớt những tâm tư, muộn phiền trong cuộc sống.

Giếng Cô mang dáng hình một bàn chân khổng lồ.

Giếng Cô mang dáng hình một bàn chân khổng lồ.

Nói về hình dáng của giếng Cô, một bậc cao niên trong vùng chia sẻ, hình dáng bàn chân người khổng lồ thường gợi cho người ta mường tượng đến những điều kỳ diệu, điều may mắn, phi thường. Dân gian từng có câu chuyện về một bà góa đi lạc vào rừng, gặp dấu chân người khổng lồ tò mò ướm thử mà về nhà mang thai, sinh ra một bậc vĩ nhân. Hay câu chuyện một người sắp chết khát bỗng gặp vũng nước đọng trong vết chân khổng lồ, uống vào bỗng được ban cho sức mạnh.

“Người xưa vô cùng ý nhị và thâm thúy, vậy nên không phải ngẫu nhiên mà giếng Cô- chiếc giếng sinh ra để dành riêng cho các mẹ, các chị lại có hình bàn chân khổng lồ kỳ diệu. “Người phụ nữ cũng được coi là khởi nguồn của sự sống, linh hồn của vạn vật, có lẽ người xưa mong muốn phụ nữ trong vùng tắm nước giếng Cô sẽ luôn được tiếp thêm sức mạnh, để duy trì mạch nguồn cuộc sống vĩnh cửu.”

Cũng giống như giếng Cậu, mạch nước giếng Cô quanh năm bốn mùa luôn đầy ắp nước trong xanh; dù hạn hán giếng vẫn không cạn, dù trời mưa lũ nước không bị ngầu đục.

Ngày nay người dân, du khách chiêm bái đình Bảo Đà không chỉ để tri ân các bậc tiền nhân, cầu mong các bậc thánh thần linh ứng ban cho quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt; mà còn là đến thăm một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh, giúp vơi bớt nỗi lo toan, nhọc nhằn thường nhật để tìm sự bình an, thư thái cho tâm hồn mình.

Đọc thêm