Độc đáo lệ làng ăn cháo bằng… đũa

(PLO) - Món cháo chẳng còn xa lạ với người Việt. Thế nhưng, món cháo nghìn năm tuổi của làng Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) lại có cách nấu vô cùng riêng biệt. Tên gọi “cháo thái”, cách ăn cháo bằng… đũa đã đủ gợi nét độc đáo của món ăn dân dã này, khiến nhiều người không nén nổi tò mò khi ghé chân tới đây.
“Nghè” lập nơi vị Trạng nguyên khai khoa hóa sau khi ăn cháo
“Nghè” lập nơi vị Trạng nguyên khai khoa hóa sau khi ăn cháo
Nguồn gốc món ăn độc đáo
Cháo Đình Tổ đã có hàng nghìn năm tuổi, gắn liền với câu chuyện về vị Thành hoàng của làng, cũng chính là Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Lê Văn Thịnh. Vào mỗi dịp giỗ, tế, lễ hội, người dân nơi đây không quên nấu món cháo độc đáo dâng lên Thành hoàng để tỏ lòng tôn kính. 
Theo sử sách, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh sinh năm 1050 tại trang Đông Cứu (nay là thôn Bảo Tháp,  Đông Cứu, Gia Lương, Bắc Ninh). Năm 1075, Nhà Lý mở khoa thi “Minh kinh bác học” đầu tiên để chọn hiền tài giúp nước. Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi này, trở thành vị tổ của nền khoa bảng nước nhà. Sau này, bằng tài đức của mình, Lê Văn Thịnh được nhà vua trọng dụng, làm đến chức Thái sư (Tể tướng) đầu tiên của nước phong kiến Việt Nam. Cụ cũng là sứ thần mở đầu nền ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, đạt thắng lợi vẻ vang trong việc giải quyết vấn đề biên giới với nhà Tống (1084). 
Tương truyền, sau khi từ quan, trên đường về thăm quê, cụ lâm bệnh nặng nên dừng chân, ngồi nghỉ ở cạnh hồ sen của làng Đình Tổ. Vừa mệt, vừa đói, cụ mong ước được ăn một bát cháo trắng. Dân làng bèn nấu bát cháo ninh thịt mời cụ. Ăn xong, cụ khen ngon rồi… tạ thế. 
Lúc tìm thấy 12 sắc phong vua ban trong tay nải của người xấu số, dân làng mới biết ông cụ xin cháo chính là Thái sư Lê Văn Thịnh. Họ đau xót đưa cụ về mai táng, quyết định chôn cất tại làng. Ngày cụ mất là một ngày tháng chạp, mưa to đen kịt trời, dân làng đành chờ sáng hôm sau, định đưa thi thể cụ đi an táng. Ai ngờ khi trời quang mây tạnh, người làng rất đỗi kinh ngạc khi nơi cụ hóa, mối đã đùn đất thành mộ tự lúc nào. Mọi người coi đó là điềm báo linh thiêng nên góp công góp của, lập nghè (miếu) thờ phụng cụ. 
Về sau, triều đình ban cấp sắc phong, phong cụ làm Thành hoàng làng Đình Tổ. Dân cư sống ở gần nghè được mang tên là xóm Nghè. Từ bao đời nay, vị Thành hoàng làng vẫn được người dân nơi đây tôn kính, thờ cúng cẩn trọng tại ngôi miếu cổ của làng. Hàng năm, vào ngày giỗ của cụ, dân làng lại tổ chức cúng tế trang trọng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Và món cháo cụ ăn trước lúc tạ thế trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp này.
Ăn cháo bằng... đũa
Cháo Đình Tổ không giống với bất cứ nơi đâu. Người ta dùng đũa… gắp cháo chứ không ăn cháo bằng thìa như cách thông thường. Sự lạ lùng trong cách ăn cháo Đình Tổ được bắt nguồn từ việc chế biến độc đáo mà dân làng vẫn quen gọi: “Cháo thái”.
Cách nấu cháo Đình Tổ khá kỳ công. Gạo nấu cháo phải chọn loại gạo tẻ ngon. Sau khi ngâm khoảng nửa ngày, gạo được vo kỹ, xay nhuyễn rồi dùng nước giếng làng, lọc thành tinh bột. Sau đó, cho phần bột lọc được vào mâm, cắt thành từng quả bột to bằng nắm tay, nhào nặn cho đến khi đạt được độ mịn và dẻo. Quả bột càng được nhào kỹ bao nhiêu, bát cháo càng ngon bấy nhiêu. 
Sau đó, người nấu dùng dao thái những quả bột vừa nặn thành những lát mỏng, gọi là thái cháo. Dao thái phải sắc thì khi thái, miếng cháo mới có độ mỏng hoàn hảo. Kỹ thuật thái cháo rất khó, đòi hỏi người thái phải có kinh nghiệm nhiều năm. 
Ngoài ra, nước nấu cháo là nước xương hoặc nước thịt được ninh kỹ trong nhiều giờ đồng hồ để lấy độ ngọt, thanh. Phần thịt gà hoặc thịt lợn, được băm nhỏ nấu chung với cháo. Thả từng miếng cháo mỏng vào nồi nước dùng, chờ cháo chín, thêm mắm, muối, hạt tiêu. 
Đặc biệt, cháo Đình Tổ không dùng hành hay rau xanh. Vị ngọt nước xương, vị đậm đà, béo ngậy của thịt lợn, thịt gà nấu nhuyễn với từng lát cháo hòa quyện vị cay cay của hạt tiêu khiến cháo Đình Tổ có hương vị rất đậm đà, khó trộn lẫn. 
Cách ăn cháo bằng đũa tăng sự thú vị, lạ lẫm đối với người thưởng thức, gây ấn tượng mạnh với thực khách khi thưởng thức món ăn này.
Kỹ thuật thái cháo, công thức, tỷ lệ gạo, nước xương, mắm, muối là bí quyết của riêng người làng Đình Tổ. Qua hàng nghìn năm, cháo Đình Tổ đã trở thành nét văn hóa ẩm thực rất đặc trưng, là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, tết.
Trong các dịp hội làng, có món “cháo thái”, cả làng lại háo hức, rộn ràng. Người chuẩn bị nồi gang đại, người chuẩn bị củi, người lo gạo, thịt… mỗi người một việc, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Khi quây quần quanh bếp lửa đượm hồng, các cao niên làng lại kể về công trạng của Thành hoàng làng và nguồn gốc ra đời món cháo thái. Khói bếp, mùi hương cháo sánh tỏa thơm ngào ngạt khiến lễ hội thêm thi vị.

Đọc thêm