Vốn là chủ một doanh nghiệp, song ông Mỹ đón cái Tết Giáp Ngọ trong cảnh bị siết nợ. Dự án của ông thiếu vốn, đình trệ gần 3 năm, mời gọi nhà đầu tư cùng hợp tác nhưng bất thành vì thị trường địa ốc quá khó khăn. Hai năm qua ông ăn Tết trong cảnh chủ nợ bủa vây, đến cuối năm 2013 thì công ty bị siết đồ đạc.
Ông Mỹ nhớ lại thời còn làm nghề buôn xe, tuy chỉ kinh doanh thường thường bậc trung nhưng Tết đến vẫn có dư để trả lương nhân viên, trả thưởng, còn lo được cho gia đình đủ đầy và tận hưởng không khí mùa xuân. Từ khi chuyển qua làm bất động sản, rơi đúng vào giai đoạn ngành này khủng hoảng, trầm lắng, Tết với ông như một màn tra tấn.
"Những ngày cuối tháng chạp là muôn vàn kiểu đòi nợ khác nhau. Khách hàng từ ngọt nhạt đến mắng nhiếc đều có đủ. Còn chủ nợ cũng tùy người tùy lúc. Nếu gặp đầu gấu thì dù thiếu thốn đến đâu cũng phải vá víu bằng tài sản mới được yên thân", ông buồn bã.
Không khá hơn là bao, Tổng giám đốc một công ty đa ngành đang gánh khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng có trụ sở tại quận 3, TP HCM than thở: "Những ngày giáp Tết, doanh nghiệp không còn tiền mặt, tôi chạy vạy vay được đôi ba tỷ để thu xếp tạm bợ trong ngoài. Vất vả nhất là đi lo đối phó với các khoản nợ nhà băng".
Vị này tâm sự, đã 3 năm qua, khủng hoảng kinh tế tấn công doanh nghiệp từ mọi phía. Những ngày cuối năm phải chạy nợ như nhà thiếu gạo chạy ba bữa cơm. Vay được rồi cũng chẳng được yên thân vì ra Tết lại phải đối mặt với việc trả lãi và nợ gốc. Lãnh đạo doanh nghiệp này so sánh, người làm công ăn lương vậy mà nhẹ lòng vì còn có thời gian để thưởng thức không khí những ngày trước và trong Tết. "Làm chủ một doanh nghiệp thời khủng hoảng như tôi lại khổ sở và ngán Tết vô cùng", vị này than.
Với ông Hải, có thâm niên gần 20 năm trong ngành xây lắp, địa ốc, Tết Giáp Ngọ là mùa xuân yên ắng nhất trong 5 năm qua. "Tuy không đến mức phải vay mượn hay bị siết tài sản nhưng tôi vướng nợ khó đòi nên cuối năm tài chính ảm đạm", ông trải lòng. Theo ông Hải, suy thoái kinh tế, cộng thêm làm ăn bết bát khiến dịp Tết như một gánh nặng mà bất cứ doanh nghiệp nào đang khó khăn đều ngao ngán.
Là chủ tịch một tập đoàn đầu tư bất động sản có nhiều dự án tại TP HCM, Bình Định, Long An, bà Thanh nhớ lại cái Tết năm 2012: "Tôi mang bìa đỏ (chủ quyền đất) 2 dự án về tỉnh cầm cố nhưng bất động sản khủng hoảng nên người ta không nhận. Chủ tiệm hất cằm hỏi còn tài sản nào khác hay không, ví dụ như xe hơi chẳng hạn thì mang đến".
Năm đó bà mang hàng chục xe bốn bánh (xe hơi, xe tải, xe chuyên dụng) mà gia đình đang sở hữu chạy xuống tận nhà một chủ tiệm cầm đồ có tiếng để thế chấp. Bà Thanh thừa nhận, cái Tết Nhâm Thìn là nỗi ám ảnh trong đời bà vì ngân hàng hạn chế cho doanh nghiệp vay; nợ nhà thầu, đối tác đến hạn thanh toán vây bủa tứ phía, buộc phải tất toán, chưa kể hàng trăm nhân viên chờ lĩnh lương cuối năm. Lo xong tiền, giải quyết tạm thời những khoản nợ "nóng" đã là 30 Tết.
"Trước lúc giao thừa, tôi bảo tài xế khóa cửa ngoài rồi nằm trong nhà. Tết đó gia đình không có lấy một nồi thịt kho tàu, im thin thít. Thương trường là vậy, có vinh quang lúc thắng thì cũng phải cắn răng chịu đắng lúc thua. Phải cố mà vượt qua", bà Thanh kể lại.