Trước sự phát triển như vũ bão của Công nghệ thông tin, việc đọc sách truyền thống vì thế đang có chiều hướng ngày càng bị lấn át bởi “văn hóa nghe - nhìn”. Vậy hòa nhập hay hòa tan, thay đổi đầy thách thức hay thụt lùi vào dĩ vãng là câu hỏi sống còn dành cho Văn hóa đọc hiện nay - 1 câu hỏi mang tính thời đại!
Văn hóa đọc truyền thống trong chuyển động công nghệ
Chưa bao giờ việc đọc sách và văn hóa đọc sách được bàn luận nhiều như hiện nay. Thậm chí, đã có những cuộc hội thảo cấp quốc tế đưa ra nhiều con số và có những dự báo đáng lo ngại như: tính luôn cả sách giáo khoa thì người Việt vẫn đọc chưa hết 4 cuốn sách/năm, hay những thiết bị công nghệ số, những chiếc điện thoại thông minh sẽ “nuốt trọn” những trang sách truyền thống.
Ông Võ Trọng Nam - PGĐ Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh (giữa) cùng các đại biểu cắt băng khai mạc. |
“Làm thế nào để văn hóa đọc lên ngôi ?” đã trở thành bài toán khó và đầy tính hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Thiết nghĩ, để duy trì văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số, cần phải kết nối và phát triển 1 cách đồng bộ với các ngành phụ trợ khác như thư viện, xuất bản, phát hành sách in với sách điện tử…
Bên cạnh việc xuất bản sách truyền thống thì các nhà xuất bản cần nhạy bén, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất bản sách điện tử. Ông Bùi Xuân Đức - Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho biết: “Văn hóa đọc truyền thống những năm gần đây đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, đây không phải là cạnh tranh mà là xu thế chung, chúng ta cần dựa vào nhau để cùng phát triển.
Để đáp ứng nhu cầu về tri thức thông qua mô hình đọc, thư viện những năm gần đây đã đi đầu, tiên phong ứng dụng và số hóa gần như tòa bộ nguồn tư liệu, sách tham khảo có tại thư viện; để người dân có thể nhanh chóng, kịp thời tiếp cận nguồn tri thức vô giá của nhân loại 1 cách trực tuyến và gần như lập tức. Bên cạnh đó chúng tôi đã đồng loạt triển khai các chương trình sách đi tìm người qua các thiết bị thông minh, thiết bị lưu động đi khắp cả nước”.
Đọc sách trong thời đại số - Sự thách thức mang tính thời đại.
Nhằm cụ thể hóa đề án của Thủ tướng Chính phủ về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, triển khai kế hoạch số 580 của UBND quận Bình Tân, giúp lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng, giới thiệu những giải pháp phục vụ nhu cầu đọc sách trong thời đại số, mới đây, Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng UBND quận Bình Tân và các cơ quan ban ngành cùng Thư viện Khoa học tổng hợp TP tổ chức ngày hội Văn hóa đọc cho người dân và các em học sinh trên địa bàn quận.
Ngày hội “Văn hóa đọc” nhằm giới thiệu và tôn vinh giá trị cốt lõi của sách trong việc mang đến nguồn tri thức vô giá, từ đó khẳng định vị thế và vai trò không thể thay thế của sách thông qua các hoạt động như: Trưng bày và giới thiệu kho sách quý, giới thiệu không gian đọc đến người dân nói chung và cho người khiếm thị nói riêng. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng giới thiệu và cùng độc giả trải nghiệm các ứng dụng về xe công nghệ lưu động, quầy đọc sách lưu động, giúp việc đọc thuận tiện và hấp dẫn hơn.
Trẻ em tiếp cận với nhiều loại sách trong Ngày hội văn hóa đọc. |
Ngày hội được kỳ vọng sẽ giúp cho phong trào đọc sách trong cộng đồng ngày càng lan tỏa, nhất là trong bối cảnh mạng internet đang bùng nổ như hiện nay, thông qua các bước tiến và công nghệ mới phục vụ nhu cầu đọc đã và đang được áp dụng rộng rãi, bà Lê Thị Ngọc Dung – Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân chia sẻ: “Thông qua chương trình này, Quận Bình Tân mong muốn rằng người dân trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung, tất cả đều được tiếp cận với sách 1 cách thuận lợi và bình đẳng.
Chúng tôi đã thiết lặp và sắp đặt các không gian đọc sách riêng cho trẻ em, cho gia đình, không gian sách cổ với những nguồn tư liệu quý hiếm được trưng bày… để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đọc sách người dân. Ngoài ra, điểm nổi bật được chú trọng trong chương trình này là không gian đọc sách cho người mù, để khẳng định rằng việc tìm kiếm tri thức của mọi người là như nhau và chúng tôi đã và đang từng ngày thực hiện điều đó, thông qua nhiều hoạt động thiết thực được quận tổ chức liên tục nhiều năm qua”.
Ngày hội “Văn hóa đọc” Bình Tân sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/ 12, được kì vọng sẽ thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của người dân. Góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, xây dựng quận Bình Tân có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.