Đời bất hạnh đến phút cuối của "bố bò nuôi con nghé"

Câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Trọng Êm đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi, khiến tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về sự mong manh, hữu hạn của số phận con người giữa vụ trụ bao la vô thủy vô chung này. “Con tôi đến tận lúc chết đi vẫn chưa được biết bản thân nó đã phải chịu tội oan thay cho ai?. Trách nhiệm này thuộc về ai?”, cha của Êm nói.

Trong số hàng ngàn thân chủ mà tôi từng tham gia bảo vệ quyền lợi, anh Nguyễn Trọng Êm (SN 1969, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng) để lại trong tôi một ấn tượng không thể nào quên, vừa đau xót, vừa thương cảm. Đó là nỗi day dứt, ám ảnh về số phận một người đàn ông hiền lành, chất phác nhưng suốt cuộc đời chỉ toàn gặp những oan trái, đắng cay, sóng gió...  

Cha con anh Êm trong ngày minh oan
Cha con anh Êm trong ngày minh oan
Án oan vì... máu ngan
Nguyễn Trọng Êm là công dân đầu tiên được các cơ quan tiến hành tố tụng Hải Phòng xin lỗi, bồi thường oan sai.
Xuất thân trong một gia đình thuần nông, thời trẻ, Êm từng có một tổ ấm nhỏ trên sườn đồi bao la cây cỏ cùng chim muông, với cô vợ xuân sắc mặn mà và hai đứa con trai. Cuộc sống của Êm và gia đình đạm bạc nhưng đầm ấm.
Ngoài mấy công (sào) ruộng khoán, vào tiết nông nhàn, vợ chồng Êm thường làm thuê cho vợ chồng anh Phạm Văn Luân và chị Nguyễn Thị Chín là chủ thầu nhiều ao, hồ, đầm trên cánh đồng Chín Mẫu bao la bát ngát ở địa phương.
Thấy Êm thật thà, chịu khó làm ăn nên anh Luân nhận làm em kết nghĩa, trong cuộc sống anh này luôn tỏ ra ưu ái với vợ chồng Êm. Lòng tốt của ông chủ Luân, mãi sau này Êm mới ngộ ra rằng không phải là không có mục đích.
Tuy hai vợ chồng Êm đã phải đi làm thuê làm mướn vất vả cật lực nhưng cũng vẫn phải “giật đầu cá, vá đầu tôm” mới đủ nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Do quá nghèo, anh Êm tự nguyện đi đình sản để nhận bồi dưỡng vài chục cân thóc “cứu đói” cho gia đình. Không ngờ, “kế hoạch hoá” xong thì bất hạnh ập xuống gia đình anh khi đứa con trai lớn trong một lần ra chơi ngoài đầm cá đã bị sảy chân chết đuối.
Vợ Êm trong phút đau buồn tuyệt vọng đã phản bội chồng và “kiếm” thêm một đứa con riêng với chính “ông chủ” Luân. Đau đớn, căm hận vì bị vợ và ông anh kết nghĩa “cắm sừng” nhưng vì bản tính hiền lành nhẫn nhịn, lại vẫn nặng lòng yêu thương vợ nên anh Êm chấp nhận tha thứ cho vợ. Người đàn ông tự an ủi mình rằng “thôi, cá vào ao ta thì ta được” và nuôi con riêng của vợ như con đẻ. 
Tuy vậy, trong sâu thẳm trái tim mình, Êm vẫn vô cùng đau đớn. Một vài lần uống rượu say không kiềm chế được, Êm ghen tuông đánh vợ và đến tận nhà “tình địch” gây sự, dọa sẽ “dắt con sang trả”. Nhưng rốt cục, Êm đã bị anh Luân mắng nhiếc cho một trận rồi đánh đuổi về. Để rồi, Êm lại tiếp tục nuôi con riêng của vợ trong cảnh sống trớ trêu mà người dân quê nơi đây gọi là “bố bò nuôi con nghé”.
Đêm 20/1/2006, bất ngờ xảy ra sự việc vợ chồng anh Phạm Văn Luân bị sát hại trên cánh đồng Chín Mẫu. Mặc dù trước đó rất hận anh Luân, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận nên Êm đến phúng viếng vợ chồng người anh kết nghĩa của mình rất chu đáo.
Chiều hôm đó, Êm vào bếp giết ngan làm cơm cỗ phục vụ đám ma khiến chiếc áo đang mặc bị “dính” tiết ngan. Thậm chí, Êm vẫn mặc nguyên cả chiếc áo đó thức trắng đêm lo tang ma cho vợ chồng người xấu số, sau đó ngồi vào chiếu với đám thợ kèn. Êm hoàn toàn không hay rằng, trong con mắt Cơ quan Điều tra thì Êm được xếp vào diện đối tượng bị “tình nghi số một” nên lập tức bị triệu tập lên công an xã làm việc. 
Tại đây, công an thu giữ “tang vật vụ án” là một chiếc áo có dính máu, sau này kết luận giám định xác định là máu... ngan. Ngày 27/1/2006, Êm bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Giết người”.
Cha già và hành trình cứu con
Do nhận thức hạn chế, lại quá sợ hãi nên lúc đầu Êm đã thuận theo “gợi ý” của Điều tra viên nhận mình là hung thủ giết người. Đến khi thấm thía cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, Êm mới khai ra sự thật là anh hoàn toàn không biết gì về vụ án giết người hôm đó, anh không phải là người thực hiện hành vi giết người. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng thì vẫn loay hoay trong việc tìm chứng cứ kết tội Êm.
Trong thời gian Êm bị bắt oan, bố đẻ của Êm là ông Nguyễn Trọng Nhật (74 tuổi) đã lặn lội gõ cửa khắp các cơ quan, ban ngành chức năng để kêu oan cho con. Thậm chí ông lão Nhật còn phải lang thang ăn xin để có tiền cầm cự qua ngày, đơn từ kêu cứu.
Trong những ngày như thế, ông đã tìm đến Văn phòng Luật sư Tràng Thi, cảm thương trước cảnh ngộ trớ trêu oan trái của cha con ông, tôi đã tình nguyện trợ giúp pháp lý miễn phí trong hành trình kêu oan và đòi bồi thường oan sai cho anh Nguyễn trọng Êm.
Sau 672 ngày giam oan vẫn không đủ chứng cứ kết tội, với sự trợ giúp tích cực của Luật sư, Nguyễn Trọng Êm đã được tại ngoại để tiếp tục điều tra. Và phải chờ đến 232 ngày sau, anh Êm mới nhận được quyết định đình chỉ điều tra, thoát cái án “Giết người” treo lơ lửng trên đầu suốt gần ba năm ròng. 
Vậy là sau 6 năm trôi qua, vụ án trên cánh đồng Chín Mẫu năm nào đã được “đào sâu chôn chặt” theo đúng nghĩa đen của từ này; khi cả ba nạn nhân gồm vợ chồng anh Luân bị sát hại và nạn nhân Êm bị oan sai vì sự nóng vội, tắc trách của cơ quan tố tụng đều đã khuất núi. Nhưng điều đau đớn xót xa nhất là đến nay sự thật vụ án đặc biệt nghiêm trọng ấy thì vẫn chưa được các cơ quan tố tụng Hải Phòng làm sáng tỏ.  

Tháng 11/2009, anh Nguyễn Trọng Êm được Viện kiểm sát Nhân dân TP.Hải Phòng công khai xin lỗi và minh oan. Đến tháng 2/2010, anh được nhận bồi thường khoản tiền gần 82 triệu đồng.

Anh Êm nói sẽ dùng số tiền ấy để xây lại nhà vì ngôi nhà một thời hạnh phúc bên sườn đồi đã tan nát kể từ ngày anh bị bắt. Còn người vợ, kể từ khi Êm bị bắt, đã gửi đứa con riêng cho nhà ngoại rồi bỏ nhà đi biệt tích...

Trong ngày Êm được minh oan, tôi đã nói với Êm rằng, với anh bây giờ một trang đời mới đã mở ra, việc cần làm ngay là anh phải xây dựng gia đình mới để ổn định cuộc sống. Khi đó, người đàn ông mang tên Êm mỉm cười trong nước mắt...

Dường như sóng gió đã lùi xa, nhưng trong tim anh nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Hôm đó, Êm trải lòng với Luật sư của mình rằng, anh sợ khó có người phụ nữ nào dám chấp nhận chung tay chia sẻ với một người có số phận long đong chìm nổi như anh, rồi lại lo bản thân mình không mang đến cho người ta hạnh phúc... Bởi vì, đến niềm hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng nhất là có một đứa con thì với Êm giờ đây, mãi mãi đã trở thành một giấc mơ. 

Ở tù oan cho ai?
Tôi luôn mong chờ hạnh phúc sẽ mỉm cười với Êm, sau tất cả những giông bão đắng cay. Tôi đã cảm thấy vui sướng khi được Êm điện thoại báo tin đã xây dựng được ngôi nhà nhỏ bằng chính khoản tiền bồi thường oan sai đó.
Nhưng số phận thật nghiệt ngã, chỉ ít ngày sau khi xây nhà mới, chưa kịp hưởng niềm vui thì Êm đã bị sát hại. Chuyện là, nhân dịp họ hàng có đám cưới tại tỉnh Đắk Lắk, bố mẹ già và anh em đã khuyên Êm nên vào đó chơi ít ngày cho khuây khỏa.
Ông Nguyễn Trọng Nhật kể lại trong nước mắt: “Ngày 24/4/2010, Êm vào nhà người quen ở xã Hoà Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dự đám cưới. Khoảng 1h ngày 25/4, Êm đi lang thang trên đường hóng mát thì bị hai thanh niên (bị cáo Phùng Văn Nhân và Cà Quang Thịnh ) vô cớ dùng khúc cây vụt tới tấp vào đầu, mặt, ngực cho đến chết.
Êm mất đi, khi vẫn chưa biết bản thân anh đã phải gánh chịu tội oan thay cho ai?”. Đến ngày 27/8/2010, tại UBND xã Hoà Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên toà sơ thẩm xét xử lưu động vụ án “Giết người” và tuyên phạt bị cáo Phùng Văn Nhân 18 năm tù, Cà Quang Thịnh 16 năm tù cộng mức bồi thường dân sự. 
Câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Trọng Êm đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi, khiến tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về sự mong manh, hữu hạn của số phận con người giữa vụ trụ bao la vô thủy vô chung này. “Con tôi đến tận lúc chết đi vẫn chưa được biết bản thân nó đã phải chịu tội oan thay cho ai?. Trách nhiệm này thuộc về ai?”, cha của Êm nói.
Tôi chỉ biết nắm bàn tay khô gầy của lão nông, và hứa rằng sẽ chuyển câu hỏi mang nỗi trăn trở thắt lòng này đến các cơ quan tố tụng TP.Hải Phòng chờ lời giải đáp... 
 Luật sư Nguyễn Đình Khỏe – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Đọc thêm