Đời đa đoan mà không bi luỵ của "người đàn bà đẹp hát"

Người chồng đã đến với chị khi chị như cánh chim sợ cành cây cong năm ấy, không chỉ là người chấp nhận và hàn gắn nỗi đau trong chị mà đã cùng chị vượt qua nhiều sóng gió, là động lực để chị vượt qua căn bệnh ung thư để lại được sống, được yêu, được hát… như một sự bù đắp của số phận cho người đàn bà đa đoan...

Tôi vẫn nhớ về ca sĩ Ái Vân của những ngày chị rực rỡ nhất, duyên dáng, nồng nàn với ca khúc Triệu bông hồng (nhạc Nga). Ái Vân diện chiếc váy màu trắng, tha thướt đến gót chân, trong tiếng nhạc đệm du dương, người ca sĩ mở khung cửa sổ, nhìn ra ngoài là bạt ngàn những bông hồng thắm.

Ái Vân hát trong niềm say mê, rạng ngời hạnh phúc. Sau gần 30 năm gặp lại, chị vẫn đẹp và đằm thắm dẫu bao sóng gió đã đến và đi như trò đùa của con tạo...

Ca sỹ Ái Vân và vẻ đẹp không tuổi
Ca sỹ Ái Vân và vẻ đẹp không tuổi

Triệu đóa hồng đầy gai

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên Ái Vân đến với âm nhạc tự nhiên như cá bơi về sông suối. Năm 1969, chị thi vào Nhạc viện Hà Nội và học cùng lứa với nhiều người mà sau đó đều trở thành những ngôi sao sáng giá như: Quang Huy, Doãn Tần, Dương Minh Đức, Quang Thọ, Lê Dung, Thanh Hoa…

Dù ít tuổi hơn và cũng tự nhận thấy mình không có chất giọng đẹp như đàn anh đàn chị nhưng Ái Vân lại thành công sớm hơn nhờ vẻ đẹp trời phú. Chị bảo, những nữ ca sĩ cùng lứa với chị nhiều người thành danh nhưng về đời sống riêng thì không mấy ai được như ý.

Tốt nghiệp được một năm, năm 1979, Ái Vân lên xe hoa. Khi đó Vân 25 tuổi. Chồng chị là một nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài nên cũng là “người trong mộng” của nhiều cô gái lúc bấy giờ. Đẹp đôi và đồng cảm với nhau trên con đường nghệ thuật đã nâng cánh cho Ái Vân phát huy nhiều hơn trong sự nghiệp và trở thành ngôi sao sáng giá nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ. Không chỉ nổi tiếng trong nước, chị còn đắt show ở nước ngoài với những lịch diễn triền miên.

Những năm 80, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì cuộc sống riêng của chị bắt đầu trục trặc. Điều đáng tiếc là không phải do tình cảm xa cách, nhạt đi mà bởi gánh nặng nợ nần của người chồng bỗng đặt lên vai chị.

Đó là biến cố đầu tiên trong phần đời trải đầy hoa hồng của Ái Vân. Thêm vào đó, những nghi kỵ về việc chị “biển thủ” công quĩ làm của riêng nên mới dẫn đến nợ nần càng khiến chị thêm tổn thương. Và chị đã đi đến quyết định chấm dứt biến cố ấy bằng một cuộc ly hôn.

Giữa lúc chông chênh, hụt hẫng đó, chị gặp nghệ sĩ Trần Bình. Anh đã giúp chị lấy lại nghị lực, niềm tin để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Tình yêu và ơn huệ giữa họ được kết thúc bằng một đám cưới. Những tưởng người đàn ông bản lĩnh và nhiều trải nghiệm ấy sẽ là bến đỗ bình yên cho chị nhưng định mệnh vẫn chưa dừng lại ở đó.

Trần Bình yêu chị nhưng dường như không còn thông cảm cho những lần đi biểu diễn của chị nữa. Ghen tuông là lưỡi hái tử thần định đoạt cuộc hôn nhân của họ.

Bến bờ bình yên

Ái Vân bảo, chị vốn là người mơ mộng nên khi xảy ra biến cố, chị không đủ bản lĩnh để xử trí, để vượt qua. Năm 1990, Ái Vân đột ngột sang Tây Đức...

Nhiều năm đã qua, mỗi người đều có cuộc sống riêng, chị với Trần Bình bây giờ vẫn là bạn bè nhưng nguồn cơn của câu chuyện vẫn khiến chị không thể nói ra một cách thẳng thắn. Ái Vân chỉ nói chung chung, ra đi là để tránh những xung đột, thậm chí là án mạng. Tuy nhiên, quyết định đột ngột ấy đã khiến chị phải trả giá không ít.

Ái Vân đến Đức khi chị đã bước sang tuổi 36. Cảm nhận rõ nhất về sự cô đơn của chị là khi Tết đến. “Lúc đó ở Đức, cộng đồng người Việt sống không tập trung và cũng không đông đúc như bây giờ. Một mình ở cái xứ lạnh lẽo đó, nếu là ở Việt Nam giờ này, tôi đang được đi diễn, đang có ai đó đợi mình trở về đón thời khắc thiêng liêng của năm mới.

Cái Tết đầu tiên ở Đức với tôi là sự khủng hoảng, buồn và hoang mang vô cùng. Lúc đó chỉ còn cách hướng về quê nhà mà hoài niệm. Tương lai mù mịt mà quá khứ thì không thể níu kéo được nữa. Cảm giác bao trùm là nỗi sợ hãi. Tự nhủ lòng phải biết chấp nhận thực tại để ổn định cuộc sống, làm cho hoàn cảnh trở nên dễ chịu nhất có thể để được đón đứa con trai mới 3 tuổi sang”.

Giữa đất khách quê người, cuối cùng chị cũng gặp được một người đàn ông của đời mình. “Tôi đã qua hai cuộc hôn nhân trong khi anh thì chưa lập gia đình bao giờ. Số phận run rủi thế nào lại cho tôi gặp anh đúng lúc anh vừa chia tay người yêu. Thất tình nên đến nghe tôi hát rồi “cảm” lúc nào không hay. Mọi người cứ bảo tôi lừa được “giai tân” nhưng quả thật lúc đó tôi không có ý định lập gia đình nữa. Hai lần tan vỡ rồi, sợ lắm chứ. Nhưng thật may, nhờ có anh mà tôi đã có cuộc sống thật bình yên và vượt qua nhiều sóng gió của cuộc đời”.

Mong manh sự sống và cái chết

Gặp Ái Vân bây giờ, vẫn giọng nói người Hà Nội gốc nhẹ nhàng, khuôn mặt xinh đẹp, chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. 

Sự yêu đời, yêu người lấp lánh qua ánh mắt nhìn của chị. Khó có ai biết rằng, con người ấy đã có thời gian phải đối mặt với căn bệnh ung thư. Một căn bệnh gây tâm lý nặng nề, khiến người mắc bệnh luôn nghĩ mình sẽ rời xa cuộc sống tươi đẹp này. Và Ái Vân, khi biết mình mắc bệnh ung thư ngực cũng đã nghĩ có lẽ mình... sắp chết.

Khái niệm về bệnh ung thư của chị chỉ  đơn giản là bệnh hiểm nghèo, đồng nghĩa với cái chết đang đến gần. Tinh thần của chị suy sụp, chị nghĩ cuộc sống của mình đang được đếm ngược. Rồi, trong lúc điều trị bệnh, chị cứ vẩn vơ với bao câu hỏi, bao ý nghĩ sắp đặt cuộc sống cho người thân ở lại. Chị cười cái sự quá lo xa của mình: “Vân nghĩ cuộc sống gia đình sau khi không có mình trong cuộc đời này nữa thì những người thân còn lại sẽ như thế nào?. Các con mình sẽ ra sao?. Làm sao để bố tôi nhận tin này mà không bị sốc quá?”...

Để những người thân được vui và dành tình cảm thật nhiều cho họ, chị đã cố gắng chu toàn công việc nhà như đi chợ, nấu cơm. Ăn cơm không ngon miệng nhưng chị cứ cố nhồi nhét miễn cho cả nhà vui và để mọi người nghĩ mọi việc vẫn bình thường và chị vẫn khoẻ mạnh. Chị cứ ăn, chẳng kiêng khem gì cả, cái gì ăn được chị ăn cả.

Nhưng có một điều sẽ không thể che giấu được, đó là hoá trị dẫn đến rụng tóc. Mỗi ngày, chị thấy tóc mình rụng đi một chút. Ái Vân nghĩ đến chuyện phải cạo tóc đi, nhưng làm sao để các con không sợ. Chị đã nghĩ ra trò chơi với con trẻ để đánh lừa chúng. Chị đưa cho con dao cạo và thi cắt tóc của mẹ.

Hai đứa trẻ ngây thơ, thi cắt tóc mẹ mà đâu hay lòng người mẹ đang quặn đau mỗi khi nhìn những lọn tóc rơi xuống. Khi nhát cạo cuối cùng đã dứt, tóc mình rụng hết xuống, Vân nhìn vào gương mới cảm thấy sự khủng khiếp. Đó cũng là lần Vân bị sốc nặng nhất trong quá trình điều trị.

Yêu thương hơn mỗi ngày

Mặc dù đang điều trị bệnh, nhưng chị vẫn tiếp tục đi hát. Chị hát như con chim cất tiếng hót lần cuối thể hiện tình yêu biết bao nhiêu với cuộc sống tươi đẹp đang diễn ra. Mười ngày sau khi mổ xong chị lại đứng lên sân khấu và hát.

Ngày đó, tâm niệm phải hát, vì không muốn thất hứa với khán giả nên dù dây rợ lằng nhằng trong người chị vẫn hát, vẫn nhảy. Khán giả xem chị không hay biết trong con người kia là cả một sự đau đớn khi rời sân khấu.

Tóc rụng, chị đội tóc giả hát bài Vỗ cái trống cơm, vẫn tập múa với đội múa 1-2 tuần. Nhiều người biết chuyện càng cảm phục nghị lực trong người đàn bà mảnh mai liễu yếu đào tơ. Lý giải về cái mà người đời cho rằng đó là nội lực bản thân thì chị lại... rất đơn giản: “Vân không nghĩ hát sẽ là cách để quên đi đau đớn, quên đi cái chết mà mình đếm từng giờ. Nhưng thật sự khi bước lên sân khấu thì Vân quên hết, quên đau, quên tất cả mọi thứ”.             

Cũng rất may, sau 4 tháng hóa trị tóc chị dần mọc lại, bệnh tật tiến triển ngày càng khá hơn. Và đến nay đã 10 năm trôi qua, cái thời khắc khủng khiếp ấy đã lùi vào quá khứ, chị đã chiến thắng lưỡi hái tử thần.

Sống xa quê, nhưng tận sâu tâm thức, Ái Vân luôn hướng về quê. Khi xao xác lá vàng rơi, giá lạnh ùa về thì nỗi nhớ Hà Nội càng da diết hơn. Nó là miền nhớ sâu thẳm chưa bao giờ thôi thao thức trong lòng người nghệ sĩ.

Mấy năm gần đây, chị đã về nước nhiều hơn, dành cho các sô diễn trong nước nhiều hơn. Với chị, Hà Nội vẫn là miền sâu thẳm của nỗi nhớ chưa bao giờ hết thôi thúc. Nhất là khi chị đã trải qua ranh giới của sự sống và cái chết. Giờ đây, chị càng hiểu hơn điều gì mình phải gác lại và điều gì phải được ưu tiên hơn.

Bằng giọng nhẹ nhàng của người Hà Nội gốc, Ái Vân tâm sự: “Riêng với Vân khi kết thúc hợp đồng với Trung tâm Thuý Nga, Vân vẫn có sinh hoạt văn nghệ tại Mỹ. Nhưng sau khi qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo thì mình tự nhìn lại, phải sống chậm hơn, sống cho gia đình, người thân yêu của mình nhiều hơn. Khi ấy mình biết được cái gì thực sự cần với mình, quan trọng nhất trong cuộc đời.

Trước đây, vì say mê nghệ thuật quá mình quan niệm nghề nghiệp là trên hết, gia đình là thứ yếu. Nhưng khi Vân bị bệnh, bỗng vang đến một hồi chuông nhắc nhở mình những điều phải tôn trọng, phải ưu tiên”.  

Và tới nay, sau 20 năm chung sống với nhau, người chồng đã đến với chị khi chị như cánh chim sợ cành cây cong năm ấy, không chỉ là người chấp nhận và hàn gắn nỗi đau trong chị mà đã cùng chị vượt qua nhiều sóng gió, là động lực để chị vượt qua căn bệnh ung thư để lại được sống, được yêu, được hát… như một sự bù đắp của số phận cho người đàn bà đa đoan...

Nguyệt Thương

Đọc thêm