Đợi gì từ Bài hát Việt 2010?

Liệu có thể mong chờ gì từ diện mạo mới Bài hát Việt 2010 khi mà tỷ lệ người xem chương trình phát vào giờ vàng này giảm sút và sức hấp dẫn không còn được như thủa mới ra đời?

Cho tới nay, Bài hát Việt có thể coi là một trong những chương trình Âm nhạc có uy tín lớn đối với giới sáng tác, mặc dù chưa thể quy tụ được hết những người cầm bút viết nhạc.

Cánh cửa của Bài hát Việt trong 5 năm qua đã chào đón được rất nhiều những sáng tác hay và có chất lượng, phần nào trong số những sáng tác được công diễn đã đi vào đời sống âm nhạc đương đại, trở thành những bài hát nằm lòng của nhiều bạn trẻ. Liệu có thể mong chờ gì từ diện mạo mới Bài hát Việt 2010 khi mà tỷ lệ người xem chương trình phát vào giờ vàng này giảm sút và sức hấp dẫn không còn được như thủa mới ra đời?

Là một chương trình mang tính đột phá

Sáng tạo là cốt lõi sự phát triển của nghệ thuật, trong nó mang những hơi thở, ý nghĩa, giá trị với cuộc sống, với công chúng. Điều này giải thích vì sao mỗi thời kì luôn có sự lên ngôi của những ca khúc hay, ở đủ mọi đề tài và thể loại. Nhưng cái hay của ngày hôm qua và cái hay của ngày hôm nay mang nhiều sự khác biệt dù có thể cùng khai thác ở một khía cạnh, đề tài, chất liệu âm nhạc. Chính sự phát triển tiếp nối này trở thành một con đường dài của các sáng tác. Bài hát Việt ra đời năm 2005 đã trở thành một dấu mốc có tính đột phá, là sân chơi của giới sáng tác định kỳ theo tháng, thể hiện khả năng sáng tạo của bản thân, học hỏi chuyên môn từ các đồng nghiệp ....


Lê Minh Sơn và Trọng Tấn thể hiện rất thành công "À í a"
 


Những ca khúc nhạc dân gian hiện đại như Bà tôi, Giọt sương bay lên
(Ngọc Khuê thể hiện) tôn vinh nét đẹp truyền thống Việt
 

Năm 2005, Nhạc sỹ Lê Minh Sơn chiến thắng giải thưởng quan trọng nhất của Bài hát Việt với ca khúc À í a (Trọng Tấn thể hiện), ca khúc tôn vinh những nét truyền thống, tâm hồn và tư tưởng Việt. Đây cũng có thể coi là năm mà các ca khúc dân gian đương đại giành được sự yêu mến và khích lệ, quan tâm nhiệt tình của cả giới phê bình và khán giả, không thể không nhắc đến các ca khúc như dân gian đương đại nổi bật như Bà tôi, Giọt sương bay lên của Nguyễn Vĩnh Tiến. Đây cũng là năm người ta thấy có sự góp mặt của không chỉ những cây viết trẻ có tài năng và sự hứng khởi tham gia, mà cả những nhạc sĩ có tên tuổi cũng giành sự hưởng ứng của mình với các sáng tác riêng như Trần Tiến, Hồng Đăng, Lê Tịnh.
Thành công của Bài hát Việt năm đầu đã đưa chương trình phát vào mỗi tối chủ nhật này thành đề tài được báo chí và người hâm mộ bàn tán, bình luận. Nhiều khán giả đã giành những quan tâm sâu sắc của mình với chương trình bằng những cách khác nhau, với chung một mong muốn sân chơi trí tuệ, học thuật này sẽ luôn là nơi để các khuynh hướng sáng tạo âm nhạc mới được trình diễn trước công chúng cả nước.

Năm 2006, 2007 tiếp tục ghi nhận sự tham gia của lớp nhạc sĩ đã có tên tuổi, khẳng định phong cách sáng tác riêng và giàu tính sáng tạo như Lê Minh Sơn (Giếng làng), Võ Thiện Thanh (Chuông gió), Huy Tuấn (Chỉ một mình anh), Anh Quân (Giấc mơ của tôi),…và cũng đã bắt đầu xuất hiện nhưng cái tên đáng chú ý như Thanh Tâm, Văn Phong, Lưu Thiên Hương... Một số lượng khá lớn những sáng tác có chất lượng của các nhạc sĩ trên được công chiếu trong các chương trình Bài hát Việt hàng tháng đã định vị tốt cho tên tuổi và gu riêng của các nhạc sĩ, những cố gắng đầu tư cho các ca khúc đã nhận được những giải thưởng xứng đáng.
Hai năm tiếp theo của Bài hát Việt là sự trưởng thành của lớp tác giả 8x như Nguyễn Duy Hùng, Sa Huỳnh, Thành Vương, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Đức Cường , Lê Cát Trọng Lý,... Những làn gió mới đã đến với Bài hát Việt bằng những sáng tác trẻ, gần gũi và hấp dẫn, đôi chút khác biệt so với khuynh hướng sáng tác của những năm đầu. Và, cũng từ đây, người ta thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều những nhạc sĩ trẻ, họ không chỉ là người sáng tác mà bản thân họ đều có khả năng phối khí, là nhạc công cho chính ca khúc mình sáng tác. Sự ủng hộ của đông đảo khán giả với thế hệ nhạc sĩ trẻ này chính là niềm tự hào của Bài hát Việt, mang đến một sân chơi cho lớp nhạc sĩ khá toàn diện về tài năng này.

.... nhưng còn nhiều nỗ lo

Không lặp lại cái hay cũ và nói không với nhạc thị trường là 2 tiêu chí hàng đầu của Bài hát Việt. Chính điều này đã là một rào chắn lớn đẩy loại nhạc thị trường, vốn yếu về cả nội dung và thẩm mỹ để các sáng tác mới, có chất lượng có một môi trường thể hiện đúng chỗ. Và, cũng chính điều này đã đẩy chương trình lên một vị thế khá cao so với mặt bằng các sáng tác nói chung về chất lượng ca khúc. Nhưng, nếu chỉ đặt Bài hát Việt ở một tầm mà đến mà khán giả lại không có khả năng nắm bắt được hết cái hay, cái đẹp của ca khúc thì đó chưa phải là mục tiêu hướng đến đông đảo công chúng.

Công chúng muốn nghe gì, công chúng cần nghe gì và dung hòa với tính sáng tạo cá nhân của mỗi nhạc sĩ bằng các sáng tác liệu có phải là quá khó khăn (?). Dĩ nhiên là không, vì trong quá trình hình thành của mình, rất nhiều ca khúc được khán giả yêu thích có tính hàm súc, cô đọng, gần gũi với cuộc sống mà lồng trong đó vẫn thấy được sự hiện đại của những lối viết, nhận thức, tư duy sáng tác mới của nhạc sĩ. Như vậy, sự gần gũi với công chúng xem ra không phải là quá khó, bằng chứng là càng về sau này, Bài hát Việt đã trở thành sân chơi của những cây viết trẻ nhiều hơn so với thế hệ nhạc sĩ đi trước. Thế nhưng, trong nhiều sáng tác tham gia Bài hát Việt thì chỉ một phần khá nhỏ ấy đến được, tiệm cận được với gu của công chúng nghe nhạc.

Format cũ kĩ cũng là một điều đáng để nói đến khi có quá nhiều thứ rườm rà và thiếu tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức một show âm nhạc thực sự. Việc lấp cho đủ show bằng những sáng tác còn thiếu chất lượng, đưa vào chương trình nhưng ca khúc cũ để tôn vinh nhưng lại chưa phù hợp với tính chất hiện đại của nội dung chương trình, làm loãng hẳn sự tập trung khi xem. Một phần quan trọng là tính kết nối của chương trình với khán giả khá kém, những người dẫn chương trình không tạo được sự đặc sắc. Trong một chương trình giải trí mà MC đọc kịch bản từ đầu đến cuối chương trình, tính giao lưu, gần gũi của chính họ với khán giả chứ chưa nói đến việc truyền tải sức nặng về nội dung một cách hấp dẫn tới khán giả để họ chú ý và theo dõi.

Phần âm thanh cũng là một điều đáng để phàn nàn về Bài hát Việt, rất khó để có thể hài lòng khi xem chương trình khi chính thành viên của Hội đồng thẩm định ngồi chấm cũng cảm thấy khó khăn đưa ra quyết định vì âm thanh cho các bài hát công diễn không được chuẩn. Chưa kể, nhiều ca sĩ chưa thật sự nhuyễn và "thấm" ca khúc họ thể hiện vì thời gian để hiểu và tập luyện quá ít khi nhận được ca khúc. Khán giả hẳn chưa quên việc một ca sĩ ra sân khấu đứng hát với phần lời hát ở trước mặt.
Sự lên ngôi của À í a (Lê Minh Sơn), Chuông gió (Võ Thiện Thanh),Chênh vênh(Lê Cát Trọng Lý) được xem là sự nổi bật tuyệt đối so với các ca khúc tranh cử Bài hát của năm những năm trước đây. Giới sáng tác cho rằng, chiến thắng của Đồng hồ treo tường (Nguyễn Xinh Xô) được xét theo kiểu "so bó đũa chọn cột cờ" vì chính cả 15 sáng tác lọt vào Chung kết năm 2009 cũng chưa có ca khúc nào có sức nặng thuyết phục. Mặc dù, không thể phủ nhận Đồng hồ treo tường chiến thắng cũng thấy được mở đầu trào lưu làm nhạc Electronics bằng một số album của các ca sĩ. Còn sau Đồng hồ treo tường thì sẽ ra sao?


Chênh Vênh (Lê Cát Trọng Lý) đại diện cho lớp nhạc sĩ 8x
 


Đồng hồ treo tường của Nguyễn Xinh Xô (Tùng Dương thể hiện)
mở đầu cho một trào lưu âm nhạc mới của Bài Hát Việt
 

Chờ đợi gì từ Bài hát Việt 2010?
 
Nhìn vào thành công của những Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), Chuông gió (Võ Thiện Thanh), Độc huyền cầm (Bảo Lan), Con cò (Lưu Hà An), Cơn mưa tình yêu, Thiên đường gọi tên ( Mạnh Quân), Mong anh về (Dương Cầm), Giấc mơ mang tên mình (Văn Phong), Đám cưới chuột ( Gạt tàn đầy), Thu tình yêu, Ngọn cỏ lau ( Lưu Thiên Hương), Giọt sương và chiếc lá ( Hồ Hoài Anh), ... thì hẳn ai cũng đặt nhiều hy vọng cho một cuộc thay máu mới của Bài hát Việt sau những tồn tại khiến chương trình giảm nhiều sức hút những năm gần đây.

Đã có những thông tin về việc sân chơi Bài hát Việt sẽ khép lại nhưng chính tính định hướng thẩm mỹ và giá trị cốt lõi của Bài hát Việt đã tiếp tục "giúp" cho chương trình này tiếp tục con đường chông gai của mình. Dù có tài trợ hay không có tài trợ, thì chương trình này vẫn sẽ tiếp tục như là một chương trình hiếm hoi người ta thấy những gương mặt âm nhạc có tài năng sáng tác quy tụ, phô diễn, học hỏi, tìm tòi và thử nghiệm.

Thay đổi lớn từ việc mời các tên tuổi ngôi sao thể hiện ca khúc của chương trình được nhìn nhận là sẽ cách thu hút thêm khán giả sau khi bị khán giả phàn nàn mời quá nhiều "gà" của nhà đài tham dự, điều này góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú thêm danh sách ca sĩ tham gia . Bên cạnh đó là việc rút số lượng công diễn các bài hát xuống và cấu trúc format thay đổi sẽ làm chương trình gọn nhẹ và bớt rườm rà.

Diện mạo của Bài hát Việt 2010 chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi khác nữa, hy vọng chiếc cầu nối mang nghệ thuật đến với khán giả này sẽ được nhiều khán giả ủng hộ và chấp nhận hơn.
 

Đọc thêm