Đời là một vòng quay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Vừa mấy ngày Tết, lại đếm Rằm tháng Giêng”. Ai đó thốt lên tiếc nuối những ngày đầu Xuân trôi nhanh quá. Thời gian tháng Giêng quả là trôi nhanh, vội vã, như nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Xuân đang đến nghĩa là Xuân đang qua”.

Người xưa hay nói rằng “có ba ngày Tết”, quả đúng như vậy. Ngày 30 Tết vội vã làm mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, xong lại thức đêm 30 đón giao thừa. Anh em bên chén rượu nồng lâu ngày gặp nhau thế mà say sưa tận sáng, mệt quá rồi ngủ vùi.

Sáng mồng 1 Tết, ai cũng ngủ dậy muộn chút do đêm 30 thức đón năm mới. Cả gia đình xung xính áo mới thơm tho đi chúc Tết bà con khắp làng, từ nội sang ngoại… Đi khắp làng quê vậy, đi từ họ hàng cho đến láng giềng, thông gia… cũng hết cả ngày. Mồng 2, đã nhiều gia đình hoá vàng, để tiễn ông bà đi, coi như là hết ba ngày Tết vui vầy. Ai đó đã tính chuyện trở lại thành phố làm việc.

Anh em tụ họp, chuyện trò râm ran bên chén rượu Xuân mà ngày Xuân cạn từ bao giờ chả hay. Chắc cái tình lâu không gặp mà say sưa quá, nên không còn khái niệm thời gian.

Tháng Giêng đẹp nhưng trôi nhanh quá khiến người đời tiếc. Nó đẹp vì nó tình, cái tình gia đình, cái tình ước hẹn, cái tình gặp gỡ, cái tình chớm nụ… Ít khi có khoảng thời gian nào trong năm mà đẹp và vội vã như những ngày tháng Giêng.

Nhà văn Vũ Bằng xưa viết về tháng Giêng mơ mộng, sâu sắc lắm “cùng với mùa Xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy đường sá không còn lầy lội nữa, mà cái rét ngọt ngào, chớ không còn tê buốt căm căm nữa…, nhang trầm, đèn nến và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan…” (Vũ Bằng - Thương nhớ mười hai).

Những ngày tháng Giêng được coi là nhàn nhã, người ta xếp công việc lại lo ăn, lo chơi, thăm thú, du lịch… nên các cụ xưa có nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ít ai làm ăn, buôn bán, ký kết, xây dựng nhà cửa… trong tháng Giêng. Người Việt hay nói với nhau “việc đó ra Giêng hãy bàn” có nghĩa là hết tháng Giêng mới bàn tính công việc.

Cái thú nhàn nhã, rong chơi, hưởng thụ những ngày đầu Xuân cũng là một lối sống đẹp. Cả năm tất bật, vội vã, lo toan cuộc sống, bây giờ về quê ăn Tết thì cứ thong thả chuyện trò, thong thả đi du ngoạn sông núi, việc gì phải vội. Bởi vội đâu đã giải quyết được việc, đâu đã giàu hay thành công.

Trong cuốn “Một quan niệm về sống đẹp” Lâm Ngữ Đường do cụ Nguyễn Hiến Lê dịch có viết: “Mùa Xuân mưa nên đọc sách, mùa Hè mưa nên đánh cờ, mùa Thu mưa nên lục những đồ cất trong rương, mùa Đông mưa nên uống rượu”. Các bậc hiền nhân quả là tao nhã.

“Mùa Xuân mưa nên đọc sách…” đọc sách ngày tháng Giêng thì quả là phong phú. Cái thời tiết dịu ngọt, se lạnh, mặc đồ ấm, pha trà đọc sách thì đúng là quên đi thời gian trôi.

“Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết vậy thì sao ngày tháng không đi quá nhanh. Nó đẹp quá, gợi cảm, đong đưa, hứa hẹn… khiến con người vừa thoát khỏi ngày Đông u ám được bừng sáng, háo hức theo đuổi thời gian. Vậy thì rong chơi với ngày mới thôi. Và khi mãi say mê thì thời gian trôi đi mà chúng ta ngỡ ngàng.

Cụ Nguyễn Du viết: “Ngày Xuân con én thoi đưa”. Đó là một quan sát nhịp nhàng của sự luân chuyển, nó diễn ra đều đặn và cuốn đi, gặm nhấm ngày tháng của chúng ta.

Tháng Giêng đẹp quá rồi cũng qua đi. Chúng ta biết nó trôi đi mà bất lực níu kéo. Tiếc nuối rồi cũng phải bắt đầu chào đón những trải nghiệm mới của đời người, rồi chúng ta ngụp lặn trong công việc, mùa vụ, rồi lại đến một ngày bỗng lại thì thầm với nhau: Tết đến rồi…

Cuộc đời quả là một vòng quay. Bất biến. Vô thường…