Đối mặt

Khi biết chồng ngoại tình, tâm lý chung của các bà vợ thường là muốn đối mặt với người tình của chồng để đe dọa, hỏi tội hoặc là để… năn nỉ nhằm tách cô ta ra khỏi chồng mình.
Khi biết chồng ngoại tình, tâm lý chung của các bà vợ thường là muốn đối mặt với người tình của chồng để đe dọa, hỏi tội hoặc là để… năn nỉ nhằm tách cô ta ra khỏi chồng mình. Thực tế, nhiều chị em đã thất bại cay đắng bởi sau lần đối mặt đó, người chồng càng trở nên xa cách hơn, thậm chí còn có thái độ coi thường vợ.

Thua cuộc

Bà Loan, vợ ông Nam - giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội giật mình khi đọc bản thông báo cước điện thoại của chồng. Có một số máy điện thoại liên tục xuất hiện trong các cuộc gọi trong ngày và gọi với thời lượng rất lâu. Bỏ công theo dõi, bà Loan mới biết đó là một cô gái làm nghề cắt tóc, là tình nhân của chồng bà lâu nay mà bà không hề biết.
Không chần chừ, bà tìm ngay đến cửa hiệu làm tóc để cảnh cáo cô gái tên Mai này. Tưởng rằng sau khi cảnh cáo, cả cô ta và chồng bà sẽ “chột dạ”, nhưng họ không những không chấm dứt mà ông Nam càng đi qua đêm nhiều hơn. Một lần, trước khi bốc mộ cho đứa con trai xấu số của ông bà một ngày, bà Loan đã thức cả đêm để chờ chồng nhưng ông lại không về. “Chắc là ở nhà con kia thôi”, bà Loan tự nhủ. Gần sáng, bà Loan gọi hai đứa con dậy, kéo nhau sang nhà cô Mai đập cửa, xông vào đánh chửi.

Không ngờ, ông Nam chặn bà lại, tát vợ một cái như trời giáng, gầm lên: “Bà xem lại mình đi, tôi đã hết yêu bà từ lâu rồi, vì con mà tôi mới phải sống với bà thôi. Tôi cấm bà không được động vào cô ấy nữa!”. Cái tát và câu nói của ông làm bà như chết điếng.
Biết chồng ngoại tình, chị Trang (TP. Đà Lạt) vô cùng đau khổ. Sau một tuần chiến tranh lạnh với chồng và nhiều đêm đấu tranh tư tưởng, chị quyết định gặp tình địch. Cô gái đó tên Linh, nhân viên của anh Hà, chồng chị. Nghe chị Trang mời đi cà phê, Linh giật mình, lấy cớ bận việc để từ chối. Chị Trang áp luôn: “Chị đã biết chuyện em và chồng chị, thậm chí cả chuyện em nạo thai ở đâu, bao giờ… Em yên tâm, chị không làm hại gì em đâu”. Trước tình thế đó, Linh không còn cách nào thoái thác.

Điểm hẹn là một quán cà phê kín đáo. Suốt buổi gặp gỡ này, dường như chỉ có mình chị Trang nói. “Em hy vọng gì khi chồng chị đã quan hệ với em suốt ba năm rồi mà không hề bỏ chị để lấy em? Nếu chồng chị yêu em, sao lại bắt em đi phá thai? Nếu yêu em thì phải cho em một danh phận, chứ không thể giam hãm đời em để em không thể lấy ai làm chồng được. Liệu có phải là tình yêu không, hay chỉ đơn thuần là nhục dục thôi? Hay em không có khả năng tìm được người đàn ông nào khác chưa có vợ? Nếu chỉ vì nhu cầu đó thì dễ thôi, em không tự giải quyết được thì cứ nói với chị một câu, chị sẽ giúp cho…”.

Hôm đó chị Trang nói rất nhiều. Ban đầu là phân tích thiệt hơn nhưng rồi cuối cùng chị lại xúc phạm, coi thường tình địch. Linh cố không nói gì, chỉ cúi đầu khóc. Thỉnh thoảng, cô nói lại vài câu là bị chị Trang mắng té tát. Chị Trang yêu cầu Linh nghỉ việc ngay lập tức và hứa sẽ kiếm việc khác cho Linh. Sau buổi gặp gỡ đó, thấy Linh nghỉ việc đột xuất không báo cáo, anh Hà đi tìm. Nghe Linh kể lại sự việc, trong lòng anh chỉ trào lên sự thương xót, càng yêu Linh hơn và rất giận cách xử sự của vợ mình. Kết cục, họ vẫn lén lút tìm đến nhau.

Tâm thế đúng, hành xử sai

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Lê - Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (TƯ Đoàn TNCS HCM), tâm lý chung của các bà vợ khi biết chồng ngoại tình là muốn gặp ngay tình địch để “xem cô ta thế nào”. Trong tâm thế của người chủ bị “kẻ gian” xâm phạm, các bà vợ thường trút sự hờn ghen lên tình địch. Nặng thì cấu xé, đánh chửi; nhẹ thì cũng mắng mỏ, nhắc nhở đối phương. Các bà vợ khi đối mặt thường đứng ở vị trí của người đúng, đối phương chỉ là “người trong bóng tối” nên các bà thường xoáy vào điểm yếu của tình địch, làm nhục họ, khiến họ bị tổn thương. Khi bị xúc phạm một cách quá đáng, đối phương sẽ phát sinh tâm lý “đã thế thì phá cho tan tành”.

Việc “đối mặt” lúc này chẳng khác gì châm ngòi nổ cuối cùng phá tung những gì còn lại của mối quan hệ vợ chồng. “Đối mặt” để tách tình địch khỏi chồng, là để chồng “toàn tâm toàn ý” với mình nhưng kết cục lại bị tình địch “phản đòn” ly tán. Điều này giải thích vì sao sau khi “tâm sự” với tình địch xong, không ít bà vợ lại rơi vào tình trạng bị chồng càng thêm hờ hững. Ngược lại, khi bị cấm cản, đôi tình nhân như nhận được chất xúc tác, càng bị ngăn cấm thì càng được kích thích, cứ lao vào nhau, mặc cho bà vợ sôi sục hờn ghen.

Chính vì không xác định và không chấp nhận được sự thật đó nên những hành xử kiểu “bề trên” của các bà vợ thường trở nên vô duyên và kệch cỡm. Họ tưởng mình có ưu thế nhưng thực ra, ít nhất trong thời điểm đó, tình cảm của người chồng đã dành cho người tình chứ không phải dành cho họ. Cũng vì thế bản chất việc “đối mặt” với tình địch đã là một việc sai lầm. Hơn nữa, đối mặt với tình địch khi chưa hiểu rõ đối phương, khi chưa xác định rõ mọi sự “được - mất” nên hành động đó càng là bột phát và sai lầm.

Sai lầm lớn nhất, thường thấy nhất là các bà vợ nổi cơn tam bành, xông vào cấu xé, chửi bới đối phương như dân chợ búa. Điều đó khiến cho đối phương tỏ ra coi thường họ, còn ông chồng thì cảm thấy bị mất mặt. Đây là nguy cơ khiến các bà vợ dễ mất chồng nhất. Có người muốn níu kéo chồng về với mình nhưng vì đối mặt trong tâm trạng hoang mang nên đã quỵ lụy, nài nỉ, van xin đối phương buông tha chồng mình. Đối mặt kiểu này cũng phản tác dụng vì đối phương sẽ được củng cố thêm niềm tin rằng người đàn ông đó yêu mình, bà vợ chỉ là một người đáng thương.

Chấp nhận “được - mất”

Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Hương Thảo - Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ (Tổng đài 1088 Hà Nội) cho rằng, các bà vợ chỉ nên “đối mặt” với tình địch khi hiểu rõ “vị thế” tình cảm thực sự của mình trong lòng chồng. Nếu mối quan hệ đó chỉ là sa ngã thì không cần phải “đối mặt” với tình địch, mà chỉ nên “nhắc khéo” chồng là được. Còn nếu thực sự thấy tình cảm của chồng không còn gì với mình nữa, các bà vợ nên xác định rõ việc “được - mất” cho mình trước khi đối mặt. Một khi đã sẵn sàng chấp nhận là “mất”, các bà vợ sẽ không rơi vào thế “đứng nhầm chỗ” để làm những việc vô nghĩa, phản tác dụng.

Chuyện của chị Thêu (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) là một ví dụ. Cô bồ của chồng chị là đối tác làm ăn. Họ cặp kè với nhau suốt ba năm và đã có với nhau một đứa con. Khi biết “tổ con tò vò”, chị Thêu gọi điện gặp người tình của chồng, nói chuyện như hai người phụ nữ bất hạnh với nhau. Chị Thêu nói: “Nếu chồng chị yêu em, anh ấy sẽ dứt khoát với chị để lấy em - như vậy em sẽ có một gia đình hợp thức, một người chồng đàng hoàng và con em có cha một cách công khai.
Tuy nhiên, nếu chuyện với em chỉ là một sự sa ngã, anh ấy thấy gia đình là quan trọng và anh ấy chọn chị thì em là người cần phải ra đi. Trước đây chị không biết, nhưng giờ chị đã biết thì chị không chấp nhận được chuyện chung chồng với người khác. Chúng ta cần phải dứt khoát và rõ ràng với nhau. Chị sẵn sàng nhường em nếu anh ấy chọn em!”.

Dù đã có con riêng với bồ nhưng khi rơi vào thế phải chọn một trong hai, sau nhiều đêm dằn vặt, chồng chị Thêu đã từ chối ký vào đơn ly hôn. Anh xin vợ cho anh con đường quay về, chỉ yêu cầu chị cho anh được có trách nhiệm với đứa bé về mặt tài chính. Cô bồ của anh, thấy rõ là không thể cậy trông được vào người đàn ông ấy, nên cũng đã tự động chia tay.

Theo PNO

Đọc thêm