Năm 2017 vừa qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng giao, Tổng cục THADS đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Hệ thống THADS giai đoạn 2018 - 2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng cục cũng phối hợp với Học viện Tư pháp xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngạch thẩm tra viên THADS nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS.
Về tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, Tổng cục phối hợp với Học viện Tư pháp mở 2 lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án, 3 lớp bồi dưỡng ngạch thư ký thi hành án, 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chấp hành viên trung cấp, 3 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý và 3 lớp bồi dưỡng kỹ năng THADS cho hơn 1.500 học viên; chủ trì, phối hợp tổ chức 4 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho 1.500 lượt công chức theo vị trí việc làm; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan cử 3 công chức dự tuyển Chương trình học bổng Chính phủ Australia, cử 38 công chức thuộc Tổng cục và cơ quan THADS địa phương đi học tập, nghiên cứu kinh nghiệm tại các nước như Pháp, Đức, Nga, Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản...
Bên cạnh đó, năm 2017, Tổng cục và các Cục đã cử hàng trăm công chức tham gia các khóa đào tạo thạc sỹ, lý luận chính trị cao và trung cấp, ngoại ngữ, các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh.
Như vậy, với nguồn kinh phí được giao, Tổng cục đã tập trung chủ yếu vào bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch công chức, chuyên môn nghiệp vụ cho chấp hành viên và lý luận chính trị, tạo nguồn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý và ngạch công chức chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, nếu những năm trước đây kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng do ngân sách cấp được phân bổ bình quân trên tổng số biên chế được giao của từng đơn vị thì năm 2017, Tổng cục đã phân bổ theo nhu cầu của từng đơn vị với tổng kinh phí 2,630 tỷ đồng. Việc thay đổi phương thức phân bổ kinh phí đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Tuy nhiên, do kinh phí được cấp còn hạn hẹp nên một số nội dung đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hoạt động bồi dưỡng cập nhật kiến thức hàng năm, tập huấn các văn bản pháp luật mới và đào tạo tin học, ngoại ngữ...
Việc xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức đã dần đi vào nền nếp nhưng chưa được bài bản, còn thiếu tính chiến lược. Việc cử công chức đi học còn dựa trên cảm tính. Thậm chí có hiện tượng cử công chức chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không đúng đối tượng tham gia các khóa học, không bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Để khắc phục những tồn tại trên, Tổng cục cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Hệ thống, xây dựng chế độ, chính sách khuyến khích hoạt động tự đào tạo, bồi dưỡng tại Cục và Chi cục, hỗ trợ học viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo khi tham gia các khóa đào tạo tập trung tại các đô thị lớn. Tổng cục cũng chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Hệ thống và là đội ngũ giảng viên kiêm chức có chất lượng; phối hợp với các đơn vị kịp thời xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy đảm bảo tính khoa học, hợp lý, thiết thực và phù hợp với tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức trong Hệ thống.
Tổng cục yêu cầu Thủ trưởng cơ quan THADS các cấp cần làm tốt phổ biến, quán triệt công chức, viên chức nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích, tạo điều kiện để công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; rà soát chất lượng công chức và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hàng năm/giai đoạn, chủ động tạo nguồn cán bộ có phẩm chất đạo đức, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc Quy chế chọn, cử và quản lý công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức...