Đổi mới công tác quản lý tài chính công

Thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP ngày 17-10-2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ, 5 năm qua thành phố Đà Nẵng bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến lớn về tư duy và nhận thức trong việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính công, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc sử dụng biên chế và kinh phí.

Thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP ngày 17-10-2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ, 5 năm qua thành phố Đà Nẵng bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến lớn về tư duy và nhận thức trong việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính công, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc sử dụng biên chế và kinh phí.

Mô tả ảnh.
Kho bạc là một trong những đơn vị đã thực hiên tốt 2 nghị định trên.

Với mục tiêu xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, 5 năm qua (từ 2006-2010) thành phố Đà Nẵng đã xây dựng cụ thể chương trình hoạt động từng năm, tiến hành cải cách đồng bộ trên 5 nội dung cơ bản: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước. Sau 5 năm thực hiện, sự phù hợp và hiệu quả của cơ chế này đã được khẳng định. Đó là từng bước hạn chế tình trạng cơ quan chủ quản cấp trên can thiệp quá sâu vào công việc của cơ quan cấp dưới; tạo điều kiện để cơ quan hành chính chủ động điều hành kế hoạch chi tiêu; chấm dứt tình trạng “chạy” xin cấp kinh phí như thời gian trước đây, tiết kiệm được phần lớn kinh phí, lao động...

Giai đoạn 2006-2010 được xem là một bước đột phá trong quá trình áp dụng rộng rãi cơ chế quản lý tài chính mới ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu như năm 2006, năm đầu tiên thực hiện chỉ có 115/189 đơn vị hành chính thực hiện, đạt 60,8% thì đến nay 100% đơn vị đã triển khai thực hiện. Việc thực hiện tự chủ về kinh phí đã tạo ra nhiều kết quả tích cực, như: Tạo điều kiện cho cơ quan chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính (QLHC) một cách hợp lý nhất (5 năm, các cơ quan hành chính tiết kiệm được gần 95 tỷ đồng, các  đơn vị sự nghiệp công lập tiết kiệm chi thu nhập tăng thêm hơn 513 tỷ đồng); thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng lao động, nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả sử dụng kinh phí QLHC (5 năm tiết kiệm hơn 600 biên chế), tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), bình quân giai đoạn 2006-2010 mức phân phối thu nhập tăng thêm của tất cả các cơ quan hành chính là 380.000 đồng/người/tháng. Nhiều đơn vị thực hiện tốt như Sở Giao thông -Vận tải, Sở Ngoại vụ, Chi cục Quản lý thị trường, quận Hải Châu…

Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ tính riêng năm 2009, có 338 đơn vị thực hiện tự chủ, trong đó có 1 đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm từ 1 đến 3 lần lương, 327 đơn vị có hệ số thu nhập tăng thêm dưới 1 lần lương. Đến nay đã có 352/357 đơn vị thực hiện, trong đó 26 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí, 116 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí. Đặc biệt, như Viện Quy hoạch dự kiến năm 2010 là đơn vị có người thu nhập tăng thêm cao nhất là 10 triệu đồng/tháng. Trước đó, năm 2009 Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng là đơn vị có người có thu nhập tăng thêm cao nhất 10 triệu đồng/tháng.

Do tác động tích cực của cơ chế tự chủ nên việc quản lý sử dụng các nguồn kinh phí trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ hơn so với giai đoạn trước. Thông qua quy chế chi tiêu nội bộ, cán bộ, công chức, viên chức nâng cao được nhận thức và phát huy vai trò của mình trong việc kiểm tra, giám sát sử dụng kinh phí tại cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cơ chế mới này có tác dụng tích cực đến các đơn vị tiết kiệm chi để bổ sung hoạt động sự nghiệp, đầu tư thêm trang thiết bị và tăng thu nhập cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể như Bệnh viện Đà Nẵng năm 2006 chi thu nhập tăng thêm 0,5 lần lương; năm 2007 tăng thêm 1,5 lần lương  và năm 2010 tăng thêm 1 lần lương theo hệ số lương mới, trong đó mức tăng bình quân 2,352 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, việc sử dụng kinh phí khoán còn giúp khắc phục những hạn chế lâu nay trong sử dụng ngân sách, như giảm thiểu các tư tưởng phát sinh khi thực hiện cơ chế “xin - cho”, tình trạng “chạy” kinh phí còn dư cuối năm để chi tiêu cho hết, mặc dù việc chi tiêu đó chưa thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, thực hiện công khai dân chủ trong việc sử dụng kinh phí QLHC đã tạo sự đồng thuận cao trong đơn vị, nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện quyền giám sát của đội ngũ CB-CC-VC trong thực thi công vụ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể như quận Hải Châu trong 4 năm từ 2006-2009, tổng kinh phí tiết kiệm được 12,695 tỷ đồng, tăng bình quân 48,62%/năm. Xã Hòa Nhơn tiết kiệm được trong 3 năm từ 2007-2009 là gần 300 triệu đồng; qua đó tăng thêm thu nhập của cán bộ lên 400.000 đồng/người/tháng.

Đáng chú ý, với việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập có tổ chức hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, huy động vốn của CB-CC-VC trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp và đạt kết quả tốt như Trung tâm Y tế Hải Châu, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, Trường Dạy nghề Giao thông vận tải…

Nhìn chung, các đơn vị hành chính và các cơ quan hành chính sự nghiệp thực hiện cơ chế khoán theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, qua thực hiện khoán chi ngân sách đã tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, khai thác tốt năng lực phục vụ chuyên môn của cán bộ, công chức. Hầu hết các đơn vị đều tiết kiệm được kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Việc thực hiện cơ chế khoán đã góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng kinh phí, đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí trong chi tiêu, tạo sự công bằng trong việc hưởng thụ từ nguồn kinh phí ngân sách. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện vẫn còn có những khó khăn, bất cập.

Chính vì vậy, tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã nhấn mạnh: Trong thời gian tới, mục tiêu đầu tiên phải làm tốt công tác khoán chi, 100% các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện theo cơ chế này, phải hoàn chỉnh và bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng mọi CBCC đều tham gia, tích cực hơn, tiết kiệm hơn… Đồng chí cũng cho rằng, bên cạnh những vướng mắc về chính sách, cơ chế của Nhà nước gây khó khăn cho các đơn vị thì nhận thức của CBCC chưa đều. Một bộ phận không nhỏ cán bộ không nhận thức được ý nghĩa của việc thực hiện cơ chế tự chủ nên việc triển khai còn mang nặng tính hình thức.

Việc huy động vốn và xã hội hóa một số lĩnh vực như văn hóa, thể thao… chưa thực hiện tốt. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị hành chính và sự nghiệp cần phải xây dựng và hoàn thiện bổ sung đầy đủ chức năng, nhiệm vụ cũng như xây dựng tiêu chí để đánh giá tốt hơn. Tiếp tục hoàn chỉnh và bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ ở mỗi đơn vị. Rà soát các định mức chi tiêu ở các cấp, ngành, điều chỉnh những định mức không phù hợp để hoàn thiện. Đẩy mạnh công tác xây dựng biên chế, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC. Sở Nội vụ nghiên cứu chính sách cho các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, cũng như sinh viên khá giỏi... Đồng thời giao cho Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, trong 6 tháng đầu năm 2011 tiếp tục nghiên cứu kinh phí của một số đơn vị đang có khó khăn như các trường học… Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về kinh phí, về phương tiện cơ sở vất chất, về tổ chức bộ máy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

Đọc thêm