Hôm qua (10-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính, do Tòa án Nhân dân Tối cao trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, khai mạc ngày 20-5 tới.
Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính, một bên là cá nhân, tổ chức, một bên là cơ quan hành chính nhà nước, việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính thay thế cho Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 là nhằm đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 49/NQ-TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính cho thấy các quy định của Pháp lệnh hiện hành còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mâu thuẫn với những quy định pháp luật khác... Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng chưa có quy định cụ thể về thi hành bản án hành chính dẫn đến quyết định, bản án của Tòa án không được thi hành hoặc thi hành không đầy đủ”, Chánh án Trương Hòa Bình nêu thực trạng.
Mở rộng quyền cho người dân
Một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều đại biểu quan tâm là việc khởi kiện vụ án hành chính. Ủy ban Tư pháp cũng đồng ý với quan điểm cho rằng khi cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện ra Tòa án, không đặt ra yêu cầu về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần thứ hai.
“Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng quyền khởi kiện tại Tòa án của tổ chức, cá nhân, bảo đảm quyền được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân, phù hợp với xu hướng mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh.
TS. Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhấn mạnh, Viện Kiểm sát cần xác định rõ việc khiếu kiện giữa người dân và cơ quan nhà nước khi không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước là vụ án hành chính, do đó phải kiểm sát quá trình tố tụng và tuân theo pháp luật của vụ án. Chẳng hạn, khi Tòa án không thụ lý vụ án thì Viện Kiểm sát phải xem việc không thụ lý đó đúng hay sai.
Quy định rõ để bảo đảm việc sửa sai
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, không nên đặt ra một cơ quan thi hành án hành chính mà nên quy định rõ cơ quan hoặc thủ trưởng cơ quan hành chính phải “sửa sai” khi có phán quyết của Tòa rằng quyết định hoặc hành vi hành chính đó là không đúng. Người đứng đầu phải thi hành vì trách nhiệm công vụ của mình, nếu không phải xử lý.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ dự án Luật Tố tụng hành chính có đặc thù gì so với các luật khác, đối chiếu với những quy định pháp luật khác để xác định những điểm “vênh” giữa các bộ luật khiến các cơ quan tố tụng đang vướng hiện nay. Bởi đây là khiếu kiện giữa người dân và cơ quan nhà nước khi không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho hay sẽ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh dự án Luật khi trình Quốc hội. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất sửa một số luật có liên quan như Luật đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo... cho tương thích với dự án Luật này.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Với những góp ý của các cơ quan liên quan, Tòa án Nhân dân Tối cao cần tiếp thu, hoàn chỉnh để dự án Luật bảo đảm chất lượng, tiến độ.
(Theo Chinhphu.vn)