Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật

(PLVN) - Sáng 8/6, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”, giai đoạn 2018 – 2022.
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) – Bộ Tư pháp; Cố vấn trưởng Dự án JICA, ông Kono Ryuzo; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành tại Trung ương; Lãnh đạo Sở Tư pháp các địa phương; ông Watanabe Yoshitaka - Chuyên gia pháp lý dài hạn Dự án JICA; đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, ngày 26/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022” kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg, nhằm từng bước cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác có liên quan, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) trong tình hình mới.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại Hội nghị.

Trong hơn 5 năm qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án nêu trên. Đề án được ban hành đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác tổ chức THPL trong việc quản lý nhà nước và xã hội, khẳng định vị trí, vai trò của công tác này trong hoạt động của bộ máy nhà nước ở cả Trung ương và địa phương, từng bước củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tổ chức THPL.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có một văn bản QPPL hay chế định chính thức nào điều chỉnh riêng về hoạt động tổ chức THPL. Vì vậy, về mặt pháp lý, hiện nay vấn đề trách nhiệm, mục tiêu, phương pháp, quy trình và cơ chế tổ chức THPL vẫn chưa được xác định rõ. Công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát việc tổ chức THPL thực tế chưa được chú trọng, chưa có các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hiệu quả THPL làm công cụ quản lý nhà nước.

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2018-2022 là dấu mốc quan trọng để nhìn lại những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trong thời gian 5 năm triển khai Đề án vừa qua kể từ khi Đề án được ban hành. Qua đó, việc tổng kết thực thi Đề án giai đoạn 2018-2022 làm cơ sở để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức THPL, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này trong giai đoạn 2025-2030.

Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2018 – 2022, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2020, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức THPL. Vào tháng 11/2020, Bộ Tư pháp đã tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và THPL. Sau Hội nghị, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả THPL.

Về hoàn thiện thể chế tổ chức thi hành và theo dõi THPL, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình THPL. Bộ Tư pháp đã tổ chức 2 Hội nghị quán triệt các nội dung của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP tại hai miền Bắc, Nam. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã tích cực chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện các hoạt động nghiên cứu đề xuất chính sách phục vụ xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh triển khai, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng nghiệp vụ trong các lĩnh vực: hộ tịch; lý lịch tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; thi hành án dân sự… Các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật được thực hiện hỗ trợ kết nối liên thông giữa Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ với Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được xây dựng, nâng cấp và áp dụng thống nhất, qua đó đáp ứng các yêu cầu, thực hiện tịch hợp chữ ký số với Hệ thống này phục vụ việc ký duyệt cũng như gửi-nhận văn bản trên môi trường mạng theo đúng quy định…/.

Đọc thêm