Chúng tôi đã cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp.
Lần đầu tiên triển khai trên phạm vi toàn quốc
Được biết Bộ Tư pháp vừa có Quyết định ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè. Đây có phải là cách làm mới không và tại sao lại chọn lĩnh vực liên ngành này để theo dõi, thưa ông?
- Năm 2014, Bộ Tư pháp chọn lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên ngành là an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè để theo dõi vì đây đang là lĩnh vực có nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng vi phạm pháp luật và mức độ tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này đã kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó nguy hại nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và môi trường sống. Vì vậy, theo dõi, đánh giá để có thể đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, đảm bảo sự tuân thủ và nghiêm minh của pháp luật là mục tiêu quan trọng nhất của Kế hoạch này.
Đúng đây là cách làm mới trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật vì lần đầu tiên một kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý liên ngành được ban hành sau khi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đây cũng là lần đầu tiên, một lĩnh vực pháp luật liên ngành được triển khai theo dõi trên phạm vi toàn quốc với mục đích quan trọng là có thể đưa ra được bức tranh đầy đủ, sâu, rộng về tình hình thi hành pháp luật trong một lĩnh vực có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, để từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị cho việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Chúng tôi hy vọng cách làm mới này sẽ tạo ra bước đột phá cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm tháo gỡ những lúng túng, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác này.
Lâu nay người dân vẫn phàn nàn rằng chất lượng bữa ăn của người dân có tới 3 Bộ cùng quản nên không biết quy trách nhiệm cho ai khi ăn phải rau, của quả kém chất lượng, thậm chí là độc hại. Qua đợt theo dõi này, Bộ Tư pháp có tính tới giải pháp gì tháo gỡ bất cập này không, thưa ông?
- Một trong những mục đích của việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè là kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật đối với các loại thực phẩm này, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong phối, kết hợp giữa các ngành, những khoảng trống hoặc chồng chéo trách nhiệm giữa các ngành liên quan trong quá trình triển khai; kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện pháp luật trong, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của con người.
Theo kế hoạch, trên cơ sở kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các bộ và UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè trước ngày 30/11/2014.
Tất nhiên, để có những kiến nghị xác thực và chất lượng, việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè phải được tiến hành một cách bài bản, nghiêm túc, huy động tối đa sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, như là Hội bảo vệ người tiêu dùng, VCCI, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối thực phẩm
Đã phát hiện những bất cập của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm
Ngoài việc ban hành kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý liên ngành, được biết, Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều hoạt động đổi mới khác, trong đó có việc Bộ Tư pháp thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật?
- Đúng là thời gian quan, Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều đổi mới trong công tác thi hành pháp luật. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tập trung thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật. Từ kết quả thu được, chúng tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm, chuẩn hóa quy trình, tiến tới đẩy mạnh, biến hoạt động này trở thành thường xuyên. Chúng tôi cho rằng, yêu cầu rất quan trọng của hoạt động xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật là phải nhanh chóng, kịp thời đưa ra những phản ứng chính sách để để xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyển sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Điển hình là chúng tôi đã tiếp nhận thông tin phản ánh của cộng tác viên theo dõi thi hành pháp luật về những mâu thuẫn, bất cập của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Chúng tôi đã tiến hành đối chiếu, kiểm tra tông tin, tổ chức buổi làm việc giữa các đơn vị trong Bộ với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, đại điện VCCI, Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm và một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Từ kết quả xử lý thông tin đó, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Vụ chuyên môn vào cuộc để nghiên cứu, rà soát các quy định về hợp đồng bảo hiểm trong Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Luật kinh doanh bảo hiểm; nghiên cứu, tổ chức kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; có văn bản gửi Bộ Tài chính để kiến nghị xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật theo đúng quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
Gần đây nhất, chúng tôi đã tiếp nhận, xử lý thông tin và đang báo cáo Lãnh đạo Bộ về một số mâu thuẫn, bất cập trong một số nghị định liên quan về xử phạt vi phạm hành chính.
Tình trạng nợ đọng văn bản vẫn chưa được khắc phục triệt để
Cũng liên quan tới công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, người dân rất quan tâm tới tình hình nợ đọng văn bản trong thời gian gần đây. Ông có thể cho biết tới thời điểm này số lượng các văn bản mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, các cơ quan ngang Bộ còn nợ đọng là bao nhiêu không?
- Theo số liệu mà Bộ Tư pháp có được qua công tác theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thì tới nay số văn bản còn nợ đọng là 50 văn bản, trong đó có 17 nghị định, 5 quyết định, 23 thông tư, 5 thông tư liên tịch, chiếm 19,9%. So với thời điểm trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì có thể nói đã có sự chuyển biến tốt trong công tác này. Trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 67, số văn bản còn nợ đọng là 45/192 văn bản, chiếm 23,44%.
Tuy nhiên, nhìn chung, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn chưa được khắc phục triệt để, trong một số trường hợp đã có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Tại sao lại có việc nợ đọng nhiều văn bản như vậy, thưa ông?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản phải kể tới là số lượng luật, pháp lệnh được ban hành hàng năm tương đối lớn. Bên cạnh đó, một số Bộ, cơ quan ngang Bộ vừa phải soạn thảo số lượng lớn văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, vừa phải chủ trì soạn thảo các dự án Luật, pháp lệnh để trình theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội…Đặc biệt, là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra một số vấn đề phức tạp liên quan đến tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản. Do Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 trong khi đó một số quy định của luật, pháp lệnh đã được ban hành từ trước, nay cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp nhưng chưa kịp sửa đổi, bổ sung nên khi xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có vấn đề hợp hiến nhưng không hợp pháp hoặc hợp pháp nhưng không hợp hiến.
Cần đổi mới căn bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản
Đã nhìn rõ những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ đọng văn bản như vậy, Bộ Tư pháp có kiến nghị giải pháp gì tháo gỡ không, thưa ông?
- Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tham mưu, giúp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhiều giải pháp để khắc phục. Chẳng hạn như: đối với trường hợp chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ, chính sách thì văn bản quy định chi tiết thi hành vẫn quy định cho áp dụng “hồi tố” theo thời điểm được quy định trong luật, pháp lệnh. Để khắc phục những “khoảng trống” pháp luật được tạo ra do việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thì báo cáo cấp có thầm quyền xem xét, cho phép tiếp tục áp dụng quy định của văn bản cũ không trái với quy định của luật, pháp lệnh cho đến khi có văn bản quy định chi tiết mới có hiệu lực.
Hiện Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó có đề ra những giải pháp đổi mới căn bản về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy trình xem xét, phân tích, đánh giá chính sách là một quy trình riêng và được phê duyệt trước. Tin rằng đây cũng sẽ là một giải pháp hữu hiệu góp phần làm giảm tình trạng nợ đọng văn bản hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!