Quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quá cứng nhắc
Bộ Tư pháp cho biết, tính từ ngày 01/7/2016 đến ngày 31/12/2023, tổng số văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền là 7.759 văn bản. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành 90.610 VBQPPL.
Chất lượng VBQPPL do Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trình và ban hành theo thẩm quyền ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên cũng theo Bộ Tư pháp, quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản của Chính phủ, văn bản QPPL của địa phương có thủ tục rườm rà, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ ban hành văn bản; quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quá cứng, không linh hoạt, không quy định trình tự, thủ tục rút gọn trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nên chưa đáp ứng yêu cầu ban hành văn bản nhanh đúng với mục đích của thủ tục rút gọn, nhất là trong trường hợp cấp bách, đột xuất.
Do đó, đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ quy định hợp lý hơn quy trình xây dựng chính sách theo hướng: Đối với Luật sửa đổi (thay thế luật cũ), pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm chính sách thì quy định bắt buộc quy trình 2 giai đoạn.
Đối với một số luật, nghị quyết (luật sửa đổi, bổ sung một số điều, các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội) thì áp dụng quy trình vừa xây dựng chính sách, vừa soạn thảo. Đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết cần ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vê tính mạng, tài sản của Nhân dân và các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các văn bản mới được ban hành hoặc để thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Mở rộng các trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn
Đối với quy trình xây dựng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ quy định đơn giản hơn việc đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quy định hợp lý quy trình xây dựng, ban hành nghị định theo hướng bỏ quy trình hai giai đoạn, theo đó, Chính phủ đồng thời thông qua chính sách và thông qua dự thảo nghị định. Bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị định để thực hiện thí điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đối với quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương, sẽ không quy định quy trình 2 giai đoạn đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Quy định việc đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh theo hướng gọn hơn và thực hiện khi soạn thảo; bổ sung một số quy định còn thiếu về đánh giá tác động thủ tục hành chính đối với văn bản của chính quyền địa phương. Rút ngắn quy trình xây dựng ban hành nghị quyết: rút ngắn thời gian đăng tải, lấy ý kiến, không quy định bắt buộc lấy ý kiến của các cơ quan ở trung ương, thời gian thông qua và có hiệu lực sớm hơn,... Giao Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng nghị quyết, mở rộng các trường hợp được rút gọn.
Đồng thời, rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành văn bản của UBND cấp tỉnh. Đơn giản hóa hồ sơ xây dựng quyết định của UBND tỉnh như thủ tục đề nghị xây dựng quyết định đơn giản, không đánh giá tác động của chính sách… Quy trình thông qua quyết định của UBND tỉnh linh hoạt hơn bằng nhiều hình thức như qua các phiên họp, lấy ý kiến thành viên UBND… Ở cấp huyện, tiếp tục đơn giản hóa trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của cấp huyện; nghiên cứu bổ sung các trường hợp ban hành VBQPPL cấp huyện phải có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đối với trình tự, thủ tục rút gọn sẽ mở rộng các trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là trường hợp cần xử lý các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; trình tự, thủ tục rút gọn có thể được áp dụng ở bất kỳ khâu nào trong giai đoạn soạn thảo.