Đổi mới tư duy, giải quyết hài hòa mâu thuẫn, đưa giáo dục- đào tạo phát triển xứng tầm nhiệm vụ

Để tập hợp và phát huy trí tuệ tập thể trong xây dựng đường lối, chính sách của Đảng về giáo dục và đào tạo thời gian tới, vừa qua, Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11” tại Hải Phòng.

Để tập hợp và phát huy trí tuệ tập thể trong xây dựng đường lối, chính sách của Đảng về giáo dục và đào tạo thời gian tới, vừa qua, Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11” tại Hải Phòng. Các nhà khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam tham gia nhiều ý kiến tâm huyết để đưa nền giáo dục – đào tạo nước nhà phát triển trong giai đoạn mới.

 

Sinh viên trường Đại học  Hàng hải nghiên cứu tài liệu tại thư viện trường

Ảnh: Đỗ Hiền

Đổi mới tư duy giáo dục

 

Hầu hết  ý kiến đánh giá, nền giáo dục nước nhà thời gian qua tuy đạt  một số thành tựu nhưng tồn tại nhiều mâu thuẫn, bất cập. Đó là mâu thuẫn giữa mục tiêu  giáo dục, đào tạo với hoạt động thực tiễn của nhà trường và kết quả đạt được. Mục tiêu  nền giáo dục được xác định là đào tạo ra những con người phát triển toàn diện, năng động, sáng tạo, vừa hồng vừa chuyên. Tuy nhiên, khi đánh giá kết quả của quá trình dạy và học, chúng ta chủ yếu dựa vào tỷ lệ lên lớp, kết quả thi tốt nghiệp, thi đại học vốn chỉ dựa trên kết quả của một số môn thi nhất định. Mâu thuẫn này dẫn tới tình trạng học lệch, học tủ chỉ để lo thi, gian lận trong thi cử, gian lận trong công tác chấm bài, đánh giá chất lượng học sinh… Hoạt động của nhà trường bị biến dạng đáng kể. Những lớp cử nhân, tú tài sau khi đào tạo ra không đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc. Cơ quan, xí nghiệp lại mất công đào tạo lại từ đầu. Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam, còn chỉ ra mâu thuẫn giữa phát triển giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; giữa phổ cập giáo dục với điều kiện để thực hiện; giữa yêu cầu giáo dục toàn diện với số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên… trong nền giáo dục Việt Nam hiện đại.

 

Những mâu thuẫn đó làm nảy sinh các vấn đề cấp bách trong giáo dục, đòi hỏi phải được giải quyết. Đó là vấn đề trường công - trường tư; xã hội hóa giáo dục; thương mại hóa giáo dục; dạy thêm, học thêm; vấn đề phương pháp dạy học; nội dung chương trình học quá tải; vấn đề hướng nghiệp, dạy nghề và thị trường lao động… Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Thái Duy Tuyên,  Viện Chiến lược và Phát triển giáo dục Việt Nam, để giải quyết các vấn đề của giáo dục hiện nay, có nhiều việc phải làm, nhưng trước hết phải tập trung đổi mới tư duy về cơ chế hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân sao cho phù hợp với cơ chế vận hành chung của xã hội và đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá thi cử để điều chỉnh kết quả giáo dục theo mục tiêu đề ra.

 

Chúng ta cần xác định, nhà trường là “xưởng rèn luyện nhân cách”, vì thế cần phải chú ý tới tính nhân văn trong nhà trường. Việc quản lý nhà trường theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải được hiểu một cách linh hoạt và phù hợp. Phải làm rõ được sự vận động của nhà trường có tuân theo các quy luật giá trị, cung cầu, cạnh tranh và quy luật lợi nhuận không? Trường hợp nào tuân theo, trường hợp nào không? Làm rõ được vấn đề này sẽ giảm thiểu được những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đối với giáo dục, hướng giáo dục đi đến thỏa mãn nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự công bằng trong giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên là khâu then chốt

 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Quang Từ, Học viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng, dự thảo văn kiện trình Đại hội 11 của Đảng xác định phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt trong phát triển giáo dục là hoàn toàn chính xác. Vấn đề đặt ra là cần đặt nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong mối quan hệ với nhiều mặt hoạt động xã hội khác, từ đó mới có được các chủ trương và biện pháp hiệu quả. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp nhà giáo được đặt ra nhưng chưa có chủ trương và chính sách hiệu quả. Tiến sĩ Trịnh Quang Từ cũng cho rằng, cách diễn đạt như trong dự thảo: “Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng” sẽ khiến  quá trình thực hiện xem nhẹ mặt chất lượng. Hiện công tác đào tạo giảng viên  trong các trường sư phạm  chưa được chú trọng. Có thể lý giải điều này qua số liệu khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo: số giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư ở trường đại học sư phạm chiếm tỷ lệ 5,2% (tỷ lệ bình quân của các trường đại học 6,6%), số giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học ở trường đại học sư phạm chiếm tỷ lệ  15,5% (tỷ lệ bình quân chung  17,5%).Tiến sĩ Trịnh Quang Từ khẳng định, để khắc phục tình trạng này, cần thay đổi phương thức tuyển chọn và sử dụng cán bộ nói chung, giáo viên nói riêng. Việc tuyển chọn không chỉ căn cứ trên bằng cấp mà cần đánh giá năng lực thực sự của người dự tuyển có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Sau khi tuyển được người, cần có những chính sách phù hợp, chế độ đãi ngộ hợp lý và cơ chế có tính kích thích tinh thần sáng tạo, hăng say làm việc, tiếp tục học tập nâng cao trình độ của giáo viên và cán bộ quản lý. Từ đó sẽ tạo được những tác động tích cực tới tâm lý, làm thay đổi động cơ học tập của học sinh, sinh viên, đi học không chỉ vì tấm bằng mà còn để tích lũy kiến thức, phát triển tài năng vì ngày mai lập nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Hồng Châm lược ghi

Đọc thêm