Đời người - Đời Sen

 Ông đến với nhiếp ảnh như duyên nợ, rồi đến với sen như một mối "lương duyên" của tiền kiếp. Được lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời của sen với ông là một thứ báu vật, quý giá hơn bất cứ giải thưởng, danh hiệu nào...

Ông đến với nhiếp ảnh như duyên nợ, rồi đến với sen như một mối "lương duyên" của tiền kiếp. Được lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời của sen với ông là một thứ báu vật, quý giá hơn bất cứ giải thưởng, danh hiệu nào. Nhân dịp triển lãm "Đời Sen 3" được tổ chức bên Hồ Hoàn Kiếm, Pháp luật Việt Nam Chủ nhật đã trò chuyện cùng ông về sen, về những tác phẩm có một không hai của ông - nhà nhiếp ảnh nghiệp dư Trần Bích.

Đời người - Đời Sen ảnh 1
 

* Thưa ông, ông có tự ái khi tôi gọi ông là "nhà nhiếp ảnh nghiệp dư"?

- Sao lại có thể tự ái khi đó là sự thật? Tôi không sống bằng nghề chụp ảnh. Tôi cũng không phải là Hội viên Hội nhiếp ảnh. Tôi chẳng có danh hiệu gì trong giới nhiếp ảnh. Tôi là một doanh nhân, tôi đến với nhiếp ảnh để tìm một chốn yên bình sau những ồn ã của thương trường. Tôi cám ơn khi ai đó gọi tôi là "nhà nhiếp ảnh", dù có thêm vào đó là nghiệp dư, hay không chuyên thì tôi vẫn thấy vui lắm.

* Tôi cũng đã được chiêm ngưỡng một số tác phẩm của ông về đề tài cuộc sống. Thật khó khi nghĩ rằng những khuôn hình của sự ồn ào, hỗn tạp lại có thể đáp ứng mong muốn được thoát khỏi nhịp sống thương trường của một doanh nhân.

- Ma lực của ánh sáng, của đường nét đã hấp dẫn tôi. Cái động ở trong cái tĩnh. Cái ồn ã ở trong cái lặng im. Một bức ảnh tưởng chừng như câm lặng, nhưng trong đó là những thông điệp của xã hội, của cuộc sống, của kiếp nhân sinh.

Đời người - Đời Sen ảnh 2
 

* "Kiếp nhân sinh" - có lẽ đây là những thông điệp có mặt trong hầu hết những tác phẩm trong triển lãm "Đời Sen" của ông!

- Rất cám ơn nhà báo đã nhận ra điều đó.

* Những người yêu hoa, hầu hết đều muốn ghi lại được những khoảnh khắc viên mãn nhất của bông hoa. Trong các tác phẩm chụp Sen của ông, chỉ có duy nhất một tác phẩm chụp bông hoa ở khoảnh khắc vừa nở ở độ đẹp nhất. Không những thế, hầu hết các tác phẩm đều có sự xuất hiện của những tán lá già, của sự tàn tạ. Tôi chưa hiểu được những ẩn ý của ông!

- Chính là "kiếp nhân sinh" đấy! Tôi thấy trong các loài hoa, không có loài nào như hoa sen. Nó lớn lên mà không cần phải chăm sóc cầu kỳ. Nơi đầm hoang, ruộng lội nó vẫn sống tốt. Thậm chí sen có thể vươn lên được ở cả vùng nước phèn. Bông hoa sen đã chắt lọc từ hôi tanh để cho đời vẻ đẹp tinh khiết, hương thơm thanh tịnh. Đến khi sen tàn, vẫn còn lại gương sen, hạt sen để tiếp tục cống hiến... Cái quý nhất ở đời người là cái "hậu" để lại cho đời sau. Những hình ảnh hoa tàn, lá rụng trong các bức ảnh sen của tôi cũng chính là để nhấn mạnh điều đó. Sự tươi non, hương sắc chưa phải là đẹp. Phải trọn một đời cống hiến mới là vẻ đẹp đáng được tôn sùng.

* Ông đã có 3 cuộc triển lãm Đời sen ở 3 miền của đất nước. Ông thấy cảm nhận của khán giả ở 3 nơi đó có khác nhau?

- Tôi đã được động viên rất nhiều khi ở cả ba nơi, khán giả đều rất cổ vũ tôi. Ở cả ba nơi, chúng tôi đều tổ chức bán đấu giá để gây quỹ từ thiện. Và rất nhiều bức ảnh đã được mua về với giá rất cao.

 

* Ông có những kỷ niệm gì qua những lần triển lãm này?

- Tôi thấy thật xúc động, vì ở đâu, tôi cũng được nghe những câu chuyện kỷ niệm gắn bó với sen. Nó làm cho tôi thấy yêu sen hơn,thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn. Ở Huế, một nhóm cựu thanh niên xung phong đã gặp tôi, rơm rớm nước mắt kể rằng, họ đã từng phải sống trong đầm sen, ăn gương sen nhiều ngày, tán sen đã giúp họ ẩn náu. Họ đã cám ơn sen rất nhiều, nhưng chỉ đến khi nhìn những bức ảnh của tôi, họ mới thấy rằng sen đẹp quá.

Hay như một vị doanh nhân thành đạt ở TP. HCM, ông ấy đã trả giá rất cao cho một tác phẩm của tôi. Tác phẩm chụp cận cảnh một gương sen đã già, với màu nâu bao phủ toàn bộ bức ảnh. Sau này tìm hiểu, tôi được biết, ông ấy vốn có một tuổi thơ rất cơ hàn. Ông ấy đã sống được nhờ ăn hạt sen, và tiền bán hạt sen của mẹ. Sau này, khi đã thành đạt, trong nhà vị doanh nhân đó, chỗ nào trồng được sen là có sen, chỗ nào treo được tranh thì chỉ là tranh, ảnh sen...

* Có phải vì loài hoa này có ý nghĩa cao đẹp quá nên ông đã đến với nó?

- Tôi đến với sen như duyên nợ. Mà là duyên nợ thì không thể có chủ ý. Ngày xưa, tại sao tôi lại rung động trước bà xã của tôi, tôi không biết được. Với sen cũng vậy, đột nhiên tôi thấy tôi rung động, tôi không thể dứt ra được. Vậy là ống kính tôi chỉ có thể hướng vào sen. Đâu có sen là tôi đi. Đi mải miết, đi không mệt mỏi.

* Tại sao trong những tác phẩm của ông trưng bày tại triển lãm, chỉ ghi số thứ tự, không có tên?

- Tôi không muốn hoa "diễn" theo ý đồ của mình. Tôi cũng không muốn áp đặt người xem theo suy nghĩ của tôi. "Đời sen" - một cái tên chung cho tất cả các tác phẩm, tôi chỉ dám làm đến vậy.

* Nhiếp ảnh là một thú chơi khá tao nhã, chụp hoa lại càng nhẹ nhàng. Ông có thấy vậy?

"Nghề chơi cũng lắm công phu". Nhà báo biết câu này chứ. Chỉ là nín thở, chỉ là phải tập trung cao độ để có một góc ảnh đẹp, khoảnh khắc đẹp thì cũng chẳng dám nói là công phu. Nhưng có lội nước ngập đến ngực, bùn ngập đến ngang lưng, có nằm ngửa trên bùn lầy để có một góc máy đẹp, một bức hình ưng ý, thì mới biết nó "tao nhã" đến cỡ nào. (cười)

* Tôi thấy ông đã ghi lại hết thảy những khoảnh khắc, những góc nhìn về sen. Liệu thời gian tới, ông có tiếp tục đề tài này?

Sen cũng như con người vậy, mỗi bông hoa mỗi vẻ đẹp, mỗi thời điểm lại có ý nghĩa riêng. Cảm hứng của tôi chưa thể cạn kiệt khi đứng trước sen.

* Chắc ông biết Thủ đô của mình có loại sen Tây Hồ đặc biệt nổi tiếng. Ông đã chụp loài sen này chưa?

- Tôi đã đến đây. Nhưng rất tiếc là 3, 4 giờ sáng thì người ta đã hái hết sen rồi. Vậy nên tôi chỉ có một vài tấm chụp lá sen và những chiếc nụ còn rất bé. Cũng bởi vì chỉ có sen Hồ Tây mới có thể ướp trà, nên người ta phải hái chứ không như những hồ sen khác, cứ để cho sen nở, sen tàn tự nhiên. Đành vậy, tôi cũng chẳng dám tiếc. Đời sen vốn là để dâng hiến.

* Vậy nên kể cả khi đã đi vào trong những bức ảnh của mình, ông vẫn tiếp tục để sen dâng hiến bằng việc tham gia hoạt động từ thiện?

- Tôi đã chụp được những bức ảnh đẹp, đó là tôi đã được ban tặng những báu vật. Mà sen vốn là bông hoa của cõi thiện. Báu vật mà tôi có được, tôi đâu dám giữ cho riêng mình. Tôi muốn sen mãi mãi được toả hương.

* Xin cám ơn ông!

"Hoa sen trong Phật giáo biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hoá hồn nhiên. Theo đó, phần tâm linh của con người thi vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn.Còn theo phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đoá sen hàm tiếu, khi phật tính phát triển bên trong thì đoá sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên toà sen. Người ta tin rằng những linh hồn kém đức hạnh thì được tái sinh vào những đoá sen còn khép và phải đợi cho đến khi hoa nở mới nhận được sự giúp đỡ của A - di - đà.

Với sự thuần khiết và thiêng liêng như vậy của hoa sen, chúng tôi đã quyết định đồng tài chợ cho triển lãm Đời sen của tác giả Trần Bích, tổ chức bán đấu giá hai tác phẩm đẹp nhất của ông trong triển lãm này để gây quỹ từ thiện cho hai đơn vị là trường tiểu học, trung học Vàng Ma Chải (Phong Thổ - Lai Châu) và chùa Lôi Âm (xã Đức Chính - Cẩm Giàng - Hải Dương)."
Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội
Vân Tùng

Đọc thêm