Đó là thông tin được lưu ý tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể về tình hình thẩm định dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương. Xin nhớ tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Trên cơ sở các nội dung thay đổi, rà soát, tính toán lại, dự án được điều chỉnh với tổng mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương với tổng mức đầu tư là 26.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cập nhật, tính toán lại, tại thời điểm tháng 8/2017, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 48.771 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; cơ bản hoàn thành toàn nhà văn phòng, các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương. Dự án đang trong giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư hai đại dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh đã tăng thêm ít nhất 52.000 tỷ đồng.
Cả hai dự án hiện nay đều chậm tiến độ và thiếu vốn. Theo chủ trương, quy định hiện hành, các dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Thế nhưng, đến nay, UBND TP Hồ Chí Minh chưa có tờ trình chính thức gửi Bộ GTVT liên quan đến việc điều chỉnh 2 dự án trên. Một số bộ chức năng chưa có ý kiến đóng góp để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng tình hình, kết quả thẩm định tổng mức đầu tư dự án; chứ chưa nói gì đến Quốc hội.
Việt Nam mình vẫn “làm ăn” thế đấy. Xin thưa, dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng không phải thành phố “trả nợ” mà đây chính là công nợ quốc gia.
Thứ nữa, điều cần nói, hiện nay đất nước đang rất, rất thiếu vốn cho đầu tư phát triển, trong đó có hạ tầng GTVT. Cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành…và nhiều dự án trọng điểm khác chưa nhìn đâu ra vốn đề đầu tư, trông cậy rất lớn vào “xã hội hóa”. Trong khi những “dư chấn” của các trạm thu phí BOT năm 2017 vẫn là bài học lớn, hiện tìm ra nhà đầu tư “mặn mà” với BOT đang quá khó.
Không có công trình nào là không “đội vốn”. Chính vì thế các dự án thường “đội sổ” về mức đầu tư, giá thành đầu tư. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho chi phí logistics của Việt Nam “đắt đỏ” nhất thế giới, hàng hóa Việt Nam khó để cạnh tranh với hàng hóa khu vực.
Bao giờ hết “đội vốn” và “đội sổ”? Câu trả lời ở chính trong đầu các quan chức nhiều quyền năng nhưng trách nhiệm không tròn.