Một góc trung tâm xã An Nhơn. |
Đảng bộ xã An Nhơn được chính thức thành lập năm 1994. Lúc mới thành lập Đảng bộ mới chỉ có 33 đảng viên, sinh hoạt ở 5 chi bộ trong xã. Trong thời gian sau khi mới được thành lập, các đảng viên trong Đảng bộ đã gặp không ít khó khăn trong hoạt động, sinh hoạt và tổ chức lãnh đạo, vì địa bàn phức tạp, các đảng viên lại được chuyển sinh hoạt từ nhiều địa phương khác đến, nên công tác đoàn kết, tập hợp không mấy thuận lợi. Những năm gần đây, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các đảng viên trong toàn Đảng bộ đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách, đoàn kết xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cơ sở. Hiện nay, toàn Đảng bộ có 122 đảng viên đang sinh hoạt ở 13 chi bộ trong xã.
Trong những năm qua, các đảng viên trong Đảng bộ đã không quản ngại khó khăn, cần cù, chịu thương chịu khó “kề vai sát cánh” với bà con nhân dân trong xã, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ, tăng năng suất giúp nhân dân có cuộc sống ổn định. An Nhơn là một xã có đông đồng bào các dân tộc trên cả nước quần tụ cùng sinh sống. Cuộc sống của họ gắn liền với nghề nông. Lâu nay, người dân nơi đây vẫn trồng cây lúa nước truyền thống, mùa vụ bấp bênh, năng suất thấp. Chính vì vậy, Đảng bộ xã đã tìm tòi nghiên cứu đưa giống lúa chất lượng cao vào trồng thí điểm thành công và áp dụng rộng rãi cho bà con trong xã. Đến nay, toàn xã có hơn 400ha lúa chất lượng cao được bà con gieo trồng phát triển tốt. Trồng cây lúa chất lượng cao, người dân có thu nhập từ 65 – 70 triệu đồng mỗi héc ta một năm. So với cây lúa thường của bà con vẫn trồng lâu nay, thì lúa chất lượng cao cho thu nhập cao hơn khoảng 8 – 10 triệu đồng trên một héc ta mỗi năm. Mặt khác, Đảng bộ xã cũng đã chỉ đạo bà con nông dân trong xã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thực hiện “hai lúa một màu” trên đồng ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Xưa nay, người dân nơi đây vẫn thường trồng 3 vụ lúa mỗi năm và năng suất hiệu quả không cao do thiếu nước tưới, sâu bệnh hoành hành. Nay Đảng bộ xã có chủ trương hướng dẫn bà con trồng “hai lúa một màu” (hai vụ lúa một vụ màu) và bà con nhân dân đã thực hiện rất thành công. Cụ thể từ ba vụ lúa mỗi năm, nay người dân chỉ trồng hai vụ lúa và vụ còn lại để trồng ngô (bắp). Như vậy, sẽ giảm thiểu được lượng nước tưới, mà cây ngô lại ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư trồng trọt cũng thấp mà năng suất thì không thua gì cây lúa.
Ngoài cây lúa chất lượng cao, hiện nay Đảng bộ xã cũng đang đưa giống nếp quýt vào cho bà con gieo trồng để từng bước sản xuất đại trà tại địa phương. Một số giống cây trồng khác cũng đang được Đảng bộ xã đưa vào trồng khảo nghiệm, nếu thành công sẽ áp dụng cho bà con. Ngoài trồng trọt, thì vấn đề phát triển chăn nuôi cũng luôn được Đảng bộ xã quan tâm. Những năm gần đây, đàn gia súc, gia cầm trong xã luôn phát triển và không ngừng gia tăng. Đến nay, tổng đàn gia súc của xã có hơn 3.400 con, đàn gia cầm là hơn 23 ngàn con và hơn 100ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Các nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân cũng đã được Đảng bộ xã triển khai một cách minh bạch đến bà con nhân dân. Nhờ đó hiện nay bà con đã tận dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư, phát triển sản xuất mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp. Đảng bộ xã cũng đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân trong xã.
Để tạo điều kiện cho bà con nhân dân trong xã nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định sản xuất, Đảng bộ xã cũng đã thường xuyên lập dự án, xin kế hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương. Do đó, hiện nay cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh của xã An Nhơn tương đối phát triển so với các xã khác trong huyện. Hiện nay, trong xã đã có hệ thống giao thông tương đối thuận tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con nhân dân. Hệ thống điện đã về tới tất cả các thôn, xóm trong xã. Hệ thống thủy lợi cũng đã được xây dựng để phục vụ tưới, tiêu cho bà con nông dân phát triển sản xuất. Các trường học trong xã cũng đã được đầu tư xây dựng từ bậc mầm non đến bậc trung học cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em trong xã. Trạm y tế của xã cũng đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Nói về những thành tựu mà Đảng bộ xã An Nhơn đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Trần Mạnh Nhuần – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Nhờ thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, các đảng viên trong toàn Đảng bộ đã đoàn kết một lòng, “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” hết lòng phụng sự nhân dân. Đảng ủy đã chỉ đạo chấn chỉnh lề lối tác phong công tác, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc. Chính vì vậy mà tình hình kinh tế – xã hội của địa phương không ngừng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt năm 2010, xã An Nhơn được chọn là xã xây dựng nông thôn mới, gắn với xã văn hóa vào năm 2015”. Đồng chí Đỗ Phú Quới – Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh, nhận xét đánh giá về Đảng bộ xã An Nhơn như sau: “Đảng bộ xã An Nhơn là một Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nội bộ thống nhất đoàn kết tốt. Đảng bộ xã An Nhơn đã hết mực chăm lo cho đời sống của nhân dân, biết dựa vào sức dân là chính để xây dựng phát triển địa phương cơ sở”.
Duy Danh