Đổi thay ở xóm 9

Cùng với các thôn xóm của xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng), xóm 9 thôn Trần Hải có lịch sử truyền thống hào hùng. Nơi đây, trong kháng chiến chống Mỹ là một phần đất của xã Nghĩa Đồng nổi danh với truyền thống chiến đấu, nuôi dưỡng thương bệnh binh, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.

Cùng với các thôn xóm của xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng), xóm 9 thôn Trần Hải có lịch sử truyền thống hào hùng. Nơi đây, trong kháng chiến chống Mỹ là một phần đất của xã Nghĩa Đồng nổi danh với truyền thống chiến đấu, nuôi dưỡng thương bệnh binh, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Xóm có 195 hộ với 820 khẩu thì có tới 80% gia đình được giấy khen của các cơ quan chức năng trong việc nuôi dưỡng thương bệnh binh khi trường y sỹ tỉnh đặt trụ sở tại đây; 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 11 liệt sỹ và hàng chục thương, bệnh binh… Trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, sự đồng thuận của người dân, xóm 9 là một trong 139 làng văn hoá cấp tỉnh được biểu dương năm 2009.

Học tập, giáo dục đạo đức cho trẻ em tại Làng văn hoá Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực).  Ảnh: Xuân Thu
Học tập, giáo dục đạo đức cho trẻ em tại Làng văn hoá Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực).
Ảnh: Xuân Thu

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh xóm trên những con đường bê tông, những ngôi nhà cao tầng san sát, trưởng xóm Phạm Văn Khanh cho biết: “Để đạt được kết quả to lớn trong phong trào xây dựng làng văn hoá, xóm 9 luôn bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã phát huy quyền dân chủ của người dân tập trung phát triển các mặt kinh tế - xã hội”. Xác định kinh tế đóng vai trò quan trọng, chi bộ Đảng xóm 9 đã ra nghị quyết lãnh đạo nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng ngày càng cao. Xóm tạo điều kiện để các hộ dân vay vốn từ các cấp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn để có vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Nhờ phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương và đi làm ăn xa, đời sống kinh tế của người dân nơi đây ngày càng ấm no, đầy đủ với 59% hộ giàu, khá giả, 30% trung bình và chỉ còn 11% hộ khó khăn. Hầu hết các gia đình trong xóm đều trang bị đầy đủ các phương tiện sinh hoạt, xây dựng nhà cửa khang trang, có nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày và bảo đảm vệ sinh môi trường. Kinh tế phát triển, người dân trong xóm có điều kiện hơn trong việc đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi như hệ thống đường dong, ngõ xóm, nhà văn hoá, tu sửa đình làng. Công tác khuyến học được 14 dòng họ trong xóm duy trì thường xuyên. Công tác an ninh trật tự được tăng cường, nhiều năm xóm không có người nghiện ma tuý và mắc các tệ nạn xã hội.

Nét đẹp của xóm 9 hôm nay là việc hiếu, hỷ được chấp hành nghiêm theo quy ước Nếp sống văn hoá, trong đó mỗi khi có việc hiếu, các gia đình trong xóm đều giúp đỡ nhau, sau đó ra về mà không tụ tập ăn uống. Nhiều năm nay, các đám cưới trong xóm đã không còn tình trạng ăn uống linh đình, mở nhạc ầm ĩ, đặc biệt là không hút thuốc lá. Vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm của đất nước, của dân tộc, các đoàn thể của xóm đều tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, các đối tượng nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, xóm 9 đều tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi, tạo thành một nét đẹp văn hoá truyền thống, động viên các cụ tiếp tục “sống vui, sống khoẻ, sống có ích”, làm gương sáng đi đầu, động viên con cháu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của địa phương. Ở xóm 9, cứ 3 năm một lần vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, người dân trong xóm dù ở bất cứ đâu đều tụ hội về tham dự hội làng. Trong 2 ngày, hội làng diễn ra với phần “lễ” và phần “hội”, trong đó phần hội có nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc như chơi đu, chọi gà, bơi chải, hát quan họ dưới thuyền, đêm văn nghệ quần chúng… đã trở thành ấn tượng khó quên với người tham dự.

  Kết quả đạt được trong phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở xóm 9 thời gian qua là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng và phát triển phong trào bền vững, trên cơ sở đó, phát huy những giá trị văn hóa để bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước./.

Đức Thiện

Đọc thêm