Đối thoại trực tuyến về bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hút các dự án đầu tư ở Vĩnh Phúc

Ba vị khách mời ông Nguyễn Văn Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc; ông Chu Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Tuấn Hải, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, sáng 21/8, chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng kiến mới cũng như thuận lợi, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...
Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tham gia chương trình trực tuyến, giao lưu với khách mời
Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tham gia chương trình trực tuyến, giao lưu với khách mời

Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc có thể cho biết trong thời gian qua Sở Tư pháp đã thực hiện hoạt động gì trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm hoặc những dự án, công trình có yếu tố nhạy cảm, phức tạp và những điểm nóng dư luận quan tâm? Phạm Thư Hoàn (Vĩnh Phúc)

Phó Tổng Biên tập Trần Đức Vinh tặng hoa các vị khách mời
Phó Tổng Biên tập Trần Đức Vinh tặng hoa các vị khách mời

Ông Nguyễn Văn Bắc: Thưa quý độc giả, Vĩnh Phúc là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là tỉnh đang trong thời kỳ phát triển mạnh về công nghiệp, du lịch, đô thị hóa. Tỉnh có diện tích tự nhiên 1.235,15 km2 với dân số 1.079.500 người. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính: 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 137 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia. Năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 30, 59 nghìn tỷ đồng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, cơ cấu kinh tế năm 2018 của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có sự chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa. Tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng 62,15%, ngành dịch vụ chiếm 29,57%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8, 28%. Năm 2018, Tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số dự án đang triển khai là: 323 dự án với diện tích cần thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng là: 1.757,93 ha. Trong đó, diện tích đã thực hiện bồi thường GPMB xong là 1.120,98 ha, diện tích chưa thực hiện bồi thường GPMB xong là 592,51 ha.

Phó Tổng Biên tập Trần Đức Vinh phát biểu khai mạc Đối thoại trực tuyến
Phó Tổng Biên tập Trần Đức Vinh phát biểu khai mạc Đối thoại trực tuyến

Tỉnh có 18 Khu công nghiệp với quy hoạch 5.228 ha, đã bồi thường 1.392, 6 ha thu hút 324 dự án, gồm 61 dự án DDI, 263 dự án FDI, trong đó 243 dự án đang hoạt động. Như vậy, công tác giải phóng mặt bằng bàn giao đất và tạo điều kiện cho các dự án được triển khai mở rộng để phát triển kinh tế là rất cần thiết. Để người dân hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất và thực hiện các quy định pháp luật trong công tác giải phóng mặt bằng góp phần ổn định xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua Sở Tư pháp đã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ phục vụ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm hoặc những dự án, công trình có yếu tố nhạy cảm, phức tạp và những điểm nóng dư luận quan tâm.

Ngay từ đầu năm 2019, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PBGDPL trong đó có chỉ đạo tuyên truyền nội dung pháp luật về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và những điểm nóng dư luận quan tâm. Tham mưu cho Hội đồng PBGDPL tỉnh, Ban chỉ đạo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND tổ chức hội nghị triển khai công tác PBGDPL năm 2019 và hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016-2020.


Tại hội nghị Chủ tịch Hội đồng PBGDPL đã yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm phối hợp tăng cường công tác PBGDPL tại những nơi tập trung khiếu kiện đông người, những điểm nóng về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tại các hội các hội nghị giao ban quý của Sở Tư pháp, Lãnh đạo Sở yêu cầu Trưởng phòng tư pháp các huyện, thành phố tích cực tham mưu cho UBND cùng cấp tăng cường tuyên truyền mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở tại nơi thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh và những điểm nóng vi phạm pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp về thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật”, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh. 

Phổ biến kịp thời cho cán bộ, nhân dân các quy định pháp luật mới ban hành trong các lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, môi trường, an toàn giao thông, hình sự, xử phạt vi phạm hành chính và các nội dung pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”… nhằm từng bước giảm số vụ việc và người vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn trọng điểm của tỉnh.


Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc xây dựng nhiều chuyên mục giới thiệu văn bản, hỏi đáp pháp luật về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức 79 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho trên 10.000 lượt người, tổ chức 16 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tuyên truyền nội dung cơ bản của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở in và phát hành 34.756 cuốn tài liệu tuyên truyền về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng PBGDPL tỉnh ban hành văn bản rà soát các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh; những dự án, công trình có yếu tố nhạy cảm, phức tạp và những điểm nóng dư luận quan tâm. Qua đó tổng hợp và tham mưu tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại nơi thực hiện các dự án, công trình có vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đang giao lưu trực tuyến với độc giả
Ông Nguyễn Văn Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đang giao lưu trực tuyến với độc giả
Vậy xin Ông cho biết vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giải phóng mặt bằng? (Nguyễn Thị Huyền, An Khê, Gia Lai)

- Thực tiễn, công tác phổ biển giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng, là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, công tác phổ biến pháp luật cho người dân trong vùng quy hoạch là một trong những yếu tố quan trọng, tiên quyết. Nếu làm tốt công tác này sẽ góp phần triển khai tốt tiến độ các dự án, công trình và người dân tại vùng quy hoạch cũng đảm bảo được quyền, lợi ích chính đáng của mình, an ninh trật tự được đảm bảo.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người dân cũng hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về đất đai để sớm bàn giao mặt bằng. Thực hiện tốt vấn đề này thường phải có một quá trình tuyên truyền, vận động, thuyết phục của các cơ quan chức năng để người dân nắm rõ và chấp hành nghiêm. Vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân trong việc thực thi các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng có một vai trò hết sức quan trọng:

- Thứ nhất, công tác PBGDPL được triển khai trước tiên nhằm “đả thông” tư tưởng cho người dân, trong đó tập trung vào những hộ có quyền lợi liên quan trực tiếp đến dự án; giúp người dân nắm bắt được chủ trương của Nhà nước về đầu tư phát kiển kinh tế xã hội cho địa phương và nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư xây dựng công trình.

- Thứ hai, làm tốt công tác PBGDPL về giải phóng mặt bằng sẽ khơi dậy ý thức tự giác và sự đồng thuận của người dân trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giúp cho việc thực hiện các dự án, công trình được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

- Thứ ba, làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp, phản đối các quyết định của nhà nước ngay cả khi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đã thỏa đáng và chính xác.


Thưa ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc, tôi nghe nói nhà tôi có đất thuộc diện tích bị thu hồi để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế. Nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được thông báo thu hồi đất nào. Xin ông cho biết việc thông báo thu hồi đất theo quy định pháp luật về đất đai được thực hiện như thế nào? Thông báo thu hồi đất gồm những nội dung nào? (Nguyễn Văn Hòa ở Hùng An, Kim Động, Hưng Yên)
Ông Nguyễn Văn Bắc: Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật, trước khi thu hồi đất có thông báo thu hồi đất. Trong thông báo có nêu rõ lý do mục đích thu hồi đất, thời gian thu hồi, xác định giá bồi thường GPMB. Quyết định thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện đối với hộ gia đình, cá nhân. Nội dung bạn hỏi, bạn có thể liên hệ với UBND huyện nơi bạn có đất thuộc diện bị thu hồi.

Xin được hỏi ông Chu Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, xin Ông cho biết, Sở Tài nguyên Môi trường đã làm gì để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ này? (Hữu Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội)

 Ông Chu Quốc Hải: Trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, dưới sự Lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TNMT luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với 15 nội dung QLNN về đất đai được quy định tại Điều 22 Luật đất đai năm 2013, toàn thể cán bộ, CC, VC, NLĐ trong ngành TNMT từ cấp tỉnh đến các xã, phường, thị trấn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được pháp luật quy định. Cụ thể, các nội dung chính đã triển khai như sau:

Đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 23 văn bản Quy phạm PL và hàng trăm văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền để thực hiện các nội dung QLNN về đất đai(Trong đó có các VB quan trọng như: Hạn mức giao đất, hạn mức công nhận QSD đất; Bảng giá đất; Quyết định Bảng giá đất, Quyết định về đơn giá BT, GPMB, tái định cư khi NN thu hồi đất,.. và các VB QPPL này vẫn tiếp tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế công tác QLNN về đất đai trên địa bàn tỉnh).

Đã hoàn thành việc đo đạc lập BĐ ĐC chính quy cho 9/9 đơn vị cấp huyện và đang tích cực chỉ đạo triển khai việc lập HSĐC xây dựng CSDL địa chính tại 02 huyện điểm là Lập Thạch, Sông Lô;

Hoàn thành việc lập, điều chỉnh QHSD đất tỉnh VP giai đoạn 2010 - 2020 và Kế hoạch SDĐ các kỳ trong giai đoạn cũng như QH, KHSDĐ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh;

Chỉ đạo việc đăng ký đất đai, lập HSĐC, cấp GCN và hoàn thành chỉ tiêu cơ bản cấp xong GCN cho các loại đất chính trên địa bàn toàn tỉnh;

Đối với các công tác định kỳ, thường xuyên như Thống kê, Kiểm kê; giao, cho thuê, thu hồi đất; phổ biến GD PL đất đai cũng được Sở TNMT thường xuyên, quan tâm chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định.

Riêng đối với đặc thù tỉnh Vĩnh Phúc, việc thu hồi đất, GPMB trong những năm gần đây diễn ra rất mạnh mẽ, hàng năm thu hồi, GPMB hàng nghìn ha các loại đất để phát triển CN, DV, du lịch theo định hướng phát triển KTXH của tỉnh thì công tácBTGPMB, kéo theo việc Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai là một trong những công tác trọng tâm trong những năm qua. Hàng năm, công tác BT-GPMB, đặc biệt là các dự án lớn, có tính chất quan trọng được Sở TNMT tham mưu với UBND tỉnh thành lập các Tổ công tác của UBND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trực tiếp với UBND các huyện để đẩy nhanh tiến độ; công tác Thanh tra, kiểm tra đều được rà soát, xây dựng Kế hoạch chi tiết từ đầu năm và thực hiện nhiều cuộc thanh tra, đoàn thanh tra theo phản ánh hoặc nhiệm vụ chỉ đạo cấp trên...

Như vậy, có thể nói, công tác tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong lĩnh vực QLNN về đất đai luôn được Sở TNMT quan tâm, ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

 

Đất đai luôn là vấn đề “nóng” đối với mọi địa phương trong cả nước. Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay, Vĩnh Phúc đã tiến hành bao nhiêu cuộc thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh? (Hà Thu Trang, Hưng Yên)

Ông Chu Quốc Hải: Chỉ tính riêng công tác thanh tra chuyên ngành của Sở, trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, Sở đã tiến hành 113 cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực đất đai đối với 532 đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện một số tồn tại, vi phạm như: Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích; chậm đưa đất vào sử dụng; không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất theo quy định…

Từ đó, Giám đốc Sở ra Quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp số tiền 1,6 tỷ đồng, tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước theo quy định, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích 65.923,8 m2 đất của 05 đơn vị chậm đưa đất vào sử dụng; Chánh Thanh tra Sở ban hành 44 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền xử phạt là 829 triệu đồng.

Ông Chu Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Ông Chu Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Nhiều ý kiến cho rằng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai nói riêng ở nhiều nơi hiện rất hình thức, khô cứng? Vậy Vĩnh Phúc đã có những hình thức nào “mềm hóa”? (Bùi Đình Trúc, Ninh Xá, TP Bắc Ninh):

Ông Nguyễn Văn Bắc: Vĩnh Phúc luôn xác định một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện tốt giải phóng mặt bằng là công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cho người dân nắm rõ pháp luật, chính sách, quy định về giải phóng mặt bằng, từ đó tạo sự đồng thuận trong di dời, bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các hình thức như phổ biến, giáo dục pháp luật như: Tổ chức hội nghị; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên tập các loại tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật…

Vĩnh Phúc đã đa dạng và đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai như: thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm, các câu lạc bộ pháp luật, tổ tư vấn pháp luật, qua phiên tòa xét xử lưu động, các phong trào hoạt động của địa phương và qua triển khai thực hiện Ngày pháp luật... theo hướng tăng cường trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người được tuyên truyền, giúp họ hiểu sâu hơn vấn đề vướng mắc, cần giải đáp...

Qua đó tạo sự đồng thuận, chung sức, chung lòng, cùng vào cuộc của các tầng lớp nhân dân tham gia công tác giải phóng mặt bằng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đưa ra các chính sách mang tính đột phá, theo chúng tôi được biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thiện cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đền này? (Đặng Hoàng Thanh, Phú Thọ)

Ông Chu Quốc Hải: Ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định chung về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB theo quy định pháp luật; theo thẩm quyền, Sở TNMT đã tham mưu cho UBND tỉnh một số chính sách để hoàn thiện, hỗ trợ trong công tác GPMB như:

- Trước 01/7/2014: 

+Chính sách giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước thu hồi để chuyển sang mục đích khác. Đây là chính sách đúng đắn nhằm giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, xã hội đảm bảo quyền lợi cho người nông dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc giải quyết còn chậm và kéo dài cũng là những khó khăn cho tỉnh như đã nêu phần trên.

+ Hỗ trợ thu nhập (tương đương 108 kg lúa/sào đất nông nghiệp) cho các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để sử dụng và mục đích phát triển khi tế - xã hội và an ninh quốc phòng (Nghị quyết số 20/2008/NQ-HĐND ngày 25/7/2008 của HĐND tỉnh).

- Sau 01/7/2014: 

+ Ban hành Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 27/9/2016 về việc ban hành một số biện pháp hỗ trợ đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các khu đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 -2021.

Ngoài ra, khi có phản ánh, đề nghị của các tổ chức, cá nhân và địa phương vềcác khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đơn giá BT, GPMB trong quá trình thực hiện, Sở TNMT đã kịp thời hướng dẫn, tham mưu, đề xuất, báo cáo các cấp, ngành để giải quyết cũng như hoàn thiện chính sách pháp luật về BT, GPMB.

Xin Phó Chủ tịch cho biết, huyện Bình Xuyên có những thuận lợi như thế nào trong phát triển kinh tế xã hội? (Hồ Thu Thủy, TP Vĩnh yên, Vĩnh Phúc)

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Huyện Bình Xuyên được tái lập năm 1998, có tổng diện tích đất tự nhiên: 148 km2; dân số 118.000 người. Huyện Bình Xuyên nằm phía Đông Nam tỉnh Vĩnh Phúc.

Là huyện kết nối giữa hai thành phố của tỉnh là thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên. Điều kiện tự nhiên: Có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nếu lấy đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai làm trục trung tâm thì toàn bộ dải phía Bắc là vùng đất bán sơn địa có hạ tầng, địa chất vững chắc, dân cư thưa thớt, thuận lợi cho quy hoạch và phát triển công nghiệp; phía Nam là vùng đất bằng phẳng có hệ thống sông hồ, thuận lợi cho phát triển du lịch dịch vụ và nông nghiệp thủy sản.

Trong những năm qua, trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Bình Xuyên được chọn là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh. - Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã được phê duyệt quy hoạch và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 06 Khu công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.440 ha. Hiện nay đã có 5/6 KCN đã và đang đi vào hoạt động. Trong đó có 3/5 KCN đã hoàn thành xong công tác bồi thường GPMB, còn 2 KCN đang tiếp tục thực hiện bồi thường GPMB phần diện tích còn lại, khoảng 200 ha.

Gia đình tôi trong diện giải phóng mặt bằng để mở đường, nhưng đất nhà tôi chưa có sổ đỏ, đất được cấp năm 1985. Từ đó đến nay gia đình tôi vẫn sử dụng và nộp thuế đất đầy đủ. Vậy gia đình tôi được hưởng mức bồi thường như thế nào? (Lê Thị Vân - Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội)

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Ông Chu Quốc Hải: Về nguyên tắc, người có đất sử dụng hợp pháp thì sẽ được bồi thường về đất và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất. Trường hợp của bà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nếu sử dụng đất ổn định từ năm 1985, không có tranh chấp, không có văn bản xử lý của chính quyền thể hiện sự sử dụng đất không hợp pháp thì đã đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên trường hợp của gia đình bà sẽ được xem xét bồi thường như trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của bà, khi kê khai bồi thường bà phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ theo quy định để hội đồng giải phóng mặt bằng xem xét, giải quyết mà không phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đã có thông báo thu hồi đất của Nhà nước.

Bạn đọc Nguyễn Thị Thuần, Cẩm Giàng, Hải Dương hỏi: Tôi được biết vừa qua Vĩnh Phúc tổ chức nhiều hội thi nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đó có tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai. Vậy tác dụng của các hội thi đó ra sao?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Tác dụng của các hội thi là đả thông tư tưởng cho người dân về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy định của pháp luật, đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, người dân chỉ được giao quyền quản lý, sử dụng. Khi Nhà nước quyết định thu hồi đất thì người dân có nghĩa vụ phải chấp hành giao đất cho Nhà nước.

Trước khi giao đất cho Nhà nước, người dân được hưởng chính sách bồi thường, GPMB theo quy định của Nhà nước và địa phương. Qua hội thi, kịp thời biểu dương khen thưởng những điển hình tiên tiến, những tấm gương trong việc giao đất cho Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp chống đối lợi dụng chính sách để trục lợi. Qua đó để giáo dục pháp luật để người dân hiểu biết, tôn trọng và thực hiện pháp luật.

Bạn đọc Hoàng Lan Anh, Đại Từ, Thái Nguyên hỏi: Là địa phương có nhiều khu công nghiệp nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đầu tư các dự án luôn được tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, được biết hiện nay toàn tỉnh có gần 2.000 ha đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, xin ông cho biết các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này?  

Ông Chu Quốc Hải: Trước hết, về số liệu 2.000 ha đất cần xem xét lại vì diện tích giải phóng mặt bằng phải nằm trong kế hoạch sử dụng đất và đã có dự án được chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh. Hiện nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng tới tiến độ của nhiều dự án.

Nguyên nhân chủ yếu là: Người bị thu hồi đất chưa hiểu đầy đủ các quy định pháp luật về thu hồi, giải phóng mặt bằng, hay so bì với trường hợp mà nhà đầu tư nhận chuyển nhượng trực tiếp quyền sử dụng đất theo thỏa thuận (thường cao hơn giá bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất).

Giá đất bồi thường theo quy định của tỉnh đối với đất nông nghiệp còn thấp chưa kịp thời điều chỉnh phù hợp theo xu hướng tăng của giá thị trường.

Công tác đầu tư để xây dựng các khu tái định cư thường rất chậm vì phải trải qua nhiều thủ tục liên quan đến nguồn vốn cũng như các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng nên không kịp thời có quỹ đất để tái định cư trong trường hợp phải di chuyển chỗ ở.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chủ đầu tư trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đôi khi còn chưa kịp thời, chặt chẽ.

 
Bạn đọc Nguyenmaidabac…@gmail.com hỏi: Đạt nhiều kết quả trong công tác GPMB, tuy nhiên huyện cũng gặp nhiều khó khăn, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này, đâu là nguyên nhân?  

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Có thể đánh giá khái quát công tác bồi thường GPMB ở huyện Bình Xuyên trong những năm qua đạt kết quả khá tốt, thực hiện bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư theo tiến độ cam kết. Tuy vậy trong quá trình thực hiện công tác bồi thường GPMB gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tôi xin được tựu trung lại mấy nhóm vấn đề sau đây:

- Một là về đơn giá bồi thường: Theo quy định của tỉnh, Bộ đơn giá bồi thường được ban hành theo tiêu chuẩn xây dựng và một số loại cây cối chủ yếu. Tuy vậy, trong quá trình kê khai kiểm đếm thực tiễn bồi thường GPMB ở những dự án cho thấy còn nhiều hạng mục công trình tự làm của các hộ dân chưa được bao quát đầy đủ trong Bộ đơn giá bồi thường. Có một số đơn giá cho hạng mục công trình hoặc một số loại cây ăn quả, cây lấy gỗ đơn giá còn chưa sát giá thị trường tại thời điểm nên vẫn còn có một số ý kiến thắc mắc, kiến nghị. Mặt khác, theo quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai thì những dự án đầu tư sản xuất kinh doanh thì chủ đầu tư phải thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo đó, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận về đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng với chủ hộ có đất nằm trong phạm vi dự án. Qua thực tế cho thấy, đơn giá bồi thường ở những dự án này thường cao hơn so với đơn giá bồi thường của Nhà nước quy định hiện hành. Đây cũng là những nội dung còn nhiều ý kiến thắc mắc.

- Hai là công tác quản lý đất đai, quản lý lưu trữ hồ sơ đất đai ở một số địa phương còn chưa thật tốt nên quá trình xác định nguồn gốc sử dụng đất, xác định diện tích đất còn chưa được đầy đủ, chính xác, kịp thời nên vẫn còn xảy ra tình trạng xung đột giữa các hộ gia đình được bồi thường giải phóng mặt bằng và chưa đủ căn cứ pháp lý để lập phương án bồi thường.

- Ba là thực hiện tái định cư đòi hỏi phải thực hiện nhiều bước công việc từ quy hoạch vị trí, đến quy mô hạ tầng của dự án tái định cư, thời gian bàn giao đất để các hộ xây nhà ở mới trước khi bàn giao nhà ở nơi cũ cần phải được bàn bạc, trao đổi lấy ý kiến, thường nảy sinh nhiều ý kiến của các hộ dân.

- Bốn là việc di chuyển mồ mả: Ở những dự án lớn đều có những ngôi mộ nằm trong phạm vi đất phải thu hồi cần phải di chuyển nếu chúng ta làm không tốt công tác quy hoạch, vị trí chuyển đến, thời gian thực hiện di chuyển sẽ không tạo được sự hợp tác của nhân dân.

- Năm là về đội ngũ làm công tác bồi thường GPMB hiện nay đang sát nhập cùng với ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Bình Xuyên phải thực hiện nhiều dự án lớn của tỉnh, đội ngũ này còn thiếu về số lượng, có trường hợp kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, chưa có tính chuyên nghiệp. Mặt khác, đây là công việc khó, vất vả lại liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đây cũng là những khó khăn vướng mắc thường xảy ra trong quá trình thực hiện bồi thường.

- Sáu là về việc làm và thu nhập của người dân: Huyện Bình Xuyên có truyền thống sản xuất nông nghiệp là chính nên khi thu hồi đất để thực hiện dự án, nhiều hộ dân không tránh khỏi băn khoăn thắc mắc về việc làm và ổn định thu nhập, đảm bảo đời sống thường ngày, nhất là những trường hợp ở tuổi 40 trở lên mà doanh nghiệp không tuyển dụng.

Xin ông cho biết công tác bồi thường GPMB ở Vĩnh Phúc gặp những khó khăn gì? (Đoàn Khánh, Biên Hòa, Đồng Nai)
Ông Chu Quốc Hải: Cũng như trên địa bàn cả nước, trong công tác bồi thường, GPMB tỉnh Vĩnh Phúc gặp các khó khăn chính như:
Cơ chế chính sách của Nhà nước: thường xuyên có sự thay đổi, một số nội dung quy định của pháp luật chưa rõ ràng, khó hiểu dẫn đến người thực hiện không thống nhất giữa các địa phương;
Đơn giá bồi thường, chính sách GPMB ở các loại dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và trường hợp thỏa thuận nhận chuyển nhượng thường chênh lệch khá lớn, dẫn đến việc khó GPMB tại các dự án Nhà nước thu hồi đất. Trong khi Nhà nước thu hồi đất, trung bình người dân Vĩnh Phúc nhận khoảng 83 triệu đồng/sào; dự án thỏa thuận thì tùy thuộc địa bàn và loại dự án nhưng trung bình cũng phải đạt khoảng 150 triệu đ/sào;
Công tác quản lý đất đai thời kỳ trước Luật Đất đai 2003 cũng như việc quản lý quỹ đất sau thu hồi còn nhiều hạn chế, còn có tình trạng tái chiếm đất đã giải phóng mặt bằng, các hộ dân tự ý xây dựng công trình trên đất sau khi có thông báo thu hồi đất nhằm trục lợi cá nhân; việc xác định nguồn gốc đất và tài sản trên đất gặp rất nhiều khó khăn do công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, xử lý vi phạm chưa thực hiện tốt, nhiều dự án phải tổ chức họp rà soát, xác minh nhiều lần ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ quy chủ, kiểm kê đất và tài sản trên đất lập phương án bồi thường, hỗ trợ...;
Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như việc so bì đơn giá đối với các khu vực tiếp giáp các đô thị, nhất là TP Hà Nội hay việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn chậm, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc áp dụng những biện pháp cưỡng chế đối với những hộ gia đình, cá nhân không chấp hành việc đo đạc đất đai, kiểm đếm tài sản và các khó khăn đặc thù riêng của Vĩnh Phúc như việc giải quyết chính sách đất dịch vụ khi Nhà nước thu hồi từ 01/01/1997 đến trước Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành còn chậm cũng ảnh hưởng đến việc bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh.

Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến những khó khăn đó? (vanbinhtphcm...@yahoo.com)

Ông Chu Quốc Hải: Có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân từ cơ chế, chính sách: + Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thực hiện còn có một số bất cập, chưa sát với tình hình thực tế khi thực hiện như: việc vướng kế hoạch sử dụng đất, Nghị quyết thu hồi, Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do chưa được HĐND tỉnh hoặc Chính phủ phê duyệt; việc quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường trong cùng một ngày…, dẫn đến kéo dài thủ tục hành chính làm chậm tiến độ thực hiện GPMB. 

+Nhân dân một số địa phương chưa đồng tình với mức bồi thường, hỗ trợ hiện nay của UBND tỉnh; người dân vẫn đề nghị tiếp tục nâng cao thêm, đặc biệt là ở các dự án Nhà nước thu hồi đất còn có sự so sánh mức bồi thường hỗ trợ đối với các dự án bồi thường, GPMB theo cơ chế thỏa thuận như đã nêu trên. 

+ Về chính sách đất dịch vụ (chính sách đặc thù của tỉnh): Trước đây, khi thu hồi đất nông nghiệp được giao theo NĐ 64/NĐ-CP, mỗi hộ gia đình, cá nhân được hưởng tiêu chuẩn 12m2 đất dịch vụ để kinh doanh dịch vụ, thương mại hoặc làm nhà ở. Khi Luật Đất đai 2013 ra đời, đơn giá bồi thường, GPMB được xác định cụ thể theo thị trường, do đó, chính sách đất dịch vụ này của tỉnh chấm dứt. Vì vậy, người dân bị thu hồi đất ở giai đoạn hiện nay có sự so bì chính sách giữa 2 giai đoạn, dẫn đến không chấp nhận phương án bồi thường, hỗ trợ theo chính sách mới. 

Nguyên nhân từ tổ chức, thực hiện công tác bồi thường, GPMB: + Lực lượng cán bộ làm công tác bồi thường, GPMB ở các cấp (chủ yếu là cấp huyện) còn thiếu, yếu về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế (một số cán bộ thực hiện công tác bồi thường, GPMB thiếu trách nhiệm, chưa tích cực, nhiệt tình có biểu hiện thông đồng với chủ sử dụng đất bị thu hồi nhằm trục lợi cá nhân...); 

+ Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ; một số địa phương chưa quyết liệt, chưa tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy chủ, kiểm kê đất đai, giải quyết chính sách đất dịch vụ còn chậm theo quy định...

 

Tôi muốn biết khi nào Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất? (Nguyễn Thị Mơ, thị trấn Mộc Châu, Sơn La)

Ông Nguyễn Văn Bắc: Các cơ quan chức năng thông báo công khai chính sách bồi thường của Nhà nước, những quyền lợi và nghĩa vụ mà người dân được hưởng khi bị thu hồi đất. Sau khi giải quyết các chính sách, nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người dân theo quy định của pháp luật mà người dân không chấp hành thì chính quyền địa phương cần tiếp tục vận động, giải thích.

Nếu họ vẫn cố tình không chấp hành, không bàn giao đất cho Nhà nước thì đến thời hạn theo quyết định thu hồi, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cần nghiên cứu xây dựng chế tài như thế nào để việc cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất đạt hiệu quả cao hơn? (Ngô Việt Long, Cà Mau)

Ông Chu Quốc Hải: Theo quy định của pháp luật, quyết định thu hồi đất của Nhà nước phải được thực hiện nên trong trường hợp hết thời hạn Nhà nước quy định phải bàn giao đất mà người sử dụng đất không chấp hành (sau khi đã được thông báo nhận tiền bồi thường hỗ trợ, giải quyết khiếu nại và tuyên truyền vận động) thì Nhà nước sẽ thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất. Để thực hiện công tác này hiệu quả, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết đầy đủ các nguyện vọng chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật.

Khi thực hiện cưỡng chế, cần đảm bảo chặt chẽ về mặt thủ tục, kế hoạch chu đáo và tổ chức lực lượng để đủ sức cưỡng chế và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình triển khai tổ chức cưỡng chế, vẫn tiếp tục cần làm tốt công tác vận động, thuyết phục đối với người bị cưỡng chế và người dân trong khu vực để tạo đồng thuận.

Tôi đang có công việc, muốn tìm hiểu chính sách pháp luật mới về đất đai, liệu tôi có thể đến cơ quan nhà nước nào để được hỗ trợ, tư vấn? Có phải trả phí không? (Trương Hồng Nhung, xã Mai Động, Kim Động, Hưng Yên) 

Ông Nguyễn Văn Bắc: Khi bạn muốn tìm hiểu chính sách pháp luật mới về đất đai, bạn có thể đến cơ quan nhà nước sau để được hỗ trợ, tư vấn:

- Ủy ban nhân dân các cấp

- Sở Tài Nguyên và Môi trường

- Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố

- Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) đối với các trường hợp thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Khi bạn được các cơ quan nhà nước trên hỗ trợ, tư vấn pháp luật về đất đai bạn sẽ không phải trả bất kỳ khoản phí nào.

Bạn đọc Nguyễn Bình Phương ở Lý Nhân, Hà Nam hỏi: Các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ để giao cho dân. Xin ông cho biết những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chi trả đất dịch vụ cho dân hiện nay? 

Ông Chu Quốc Hải: Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết được 104,36 ha/127,59 ha đất dịch vụ của tỉnh; đạt tỷ lệ 81,79%. Có thể nói, từ khi thực hiện chính sách năm 2004 đến nay, việc giải quyết chính sách như trên còn rất chậm. Trong đó, việc GPMB, xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ để chi trả cho nhân dân là nguyên nhân chính và chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết đất dịch vụ của tỉnh. 

Nguyên nhân chính của tồn tại nêu trên do các khó khăn cụ thể sau: 

- Nguồn vốn/kinh phí Nhà nước để GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu đất dịch vụ. Theo chính sách, trước khi giao đất Nhà nước phải hoàn thành GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu các khu vực đất dịch vụ trả cho nhân dân để đảm bảo điều kiện có thể kinh doanh dịch vụ hoặc làm đất ở cho nhân dân. Trong điều kiện nguồn vốn của các cấp xã, huyện bị hạn chế do chính sách đầu tư công trung và dài hạn; nguồn thu từ đấu giá đất thấp; các xã phải thực hiện đồng thời các mục tiêu Chương trình quốc gia về nông thôn mới, đầu tư công dẫn đến kinh phí trong các năm trước đây thiếu, nhiều khu vực đã có quy hoạch để giải quyết đất dịch vụ nhưng không GPMB và đầu tư cơ sở hạ tầng được. 

- Chính sách đất dịch vụ của tỉnh được ban hành và hoàn thiện qua 7 Nghị quyết HĐND, 7 Quyết định của UBND tỉnh để giải quyết cơ chế qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Do đó, việc tính toán tiêu chuẩn, xen ghép các ô quy hoạch, xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính khá phức tạp, dẫn đến việc khó khăn cho ngay chính người dân được hưởng tiêu chuẩn cũng như cán bộ thực hiện ở các cấp. 

- Sự chỉ đạo còn chậm trễ, thiếu quyết liệt, thiếu linh hoạt của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương (nhất là cấp xã) trong việc tập trung tổng hợp, xác định tiêu chuẩn, hướng dẫn xen ghép, GPMB, quy hoạch, thủ tục đầu tư xây dựng..., dẫn đến việc chậm giải quyết việc chi trả đất dịch vụ cho nhân dân.


Bạn đọc Vương Thành Trung ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc hỏi: Cả gia đình tôi chỉ có tài sản duy nhất là nhà và đất trên diện tích đất gần 100 m2, đây là phần đất gia đình tôi vừa để ở vừa kinh doanh buôn bán, nhưng gần đây tỉnh có chủ trương thu hồi. Vậy ngoài việc áp giá đền bù theo quy định, gia đình tôi còn được hỗ trợ gì nữa không? 

Ông Chu Quốc Hải: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài việc áp giá đền bù theo quy định gia đình ông (bà), nếu đủ điều kiện sau thì được hưởng các khoản hỗ trợ: 

(1) Hỗ trợ ổn định sản xuất: Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức hỗ trợ bằng ( = ) 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của ba (03) năm liền kề trước đó. 

(2)Hỗ trợ trợ cấp ngừng việc: Người lao động do (của) hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất, kinh doanh (có thuê lao động theo hợp đồng lao động) thì được hỗ trợ trợ cấp ngừng việc tương đương 30 kg gạo trong thời gian sáu (06) tháng.

Độc giả đến từ Hoàng Mai, Hà Nội có câu hỏi: Nhà tôi có diện tích đất là 120m2 đã xây nhà và công trình phụ, trong đó có 70m2 đã có sổ đỏ. Vậy khi giải phóng mặt bằng, nhà tôi có được đền bù số diện tích chưa có sổ đỏ và công trình gắn liền trên đất không?

Ông Chu Quốc Hải: Việc đền bù diện tích đất không có sổ đỏ trong cùng thửa đất phụ thuộc vào nguồn gốc phần diện tích đất chưa có sổ đỏ.

Trường hợp này bạn chưa cung cấp thông tin về nguồn gốc đất nên chưa trả lời rõ được. Tuy nhiên, về nguyên tắc, nếu phần đất đó đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được bồi thường như phần đất đã có sổ đỏ. Nếu không đủ điều kiện thì sẽ được xem xét hỗ trợ tùy từng trường hợp cụ thể. Về phần nhà và các công trình phụ, nếu quá trình xây dựng và sử dụng không bị cơ quan nhà nước có văn bản thể hiện việc xây dựng là trái phép, đã bị ngăn chặn thì cơ bản sẽ được bồi thường đầy đủ theo quy định pháp luật.


Bạn đọc Khánh Vy, TP Nha Trang, Khánh Hòa hỏi: Bảng giá đất và giá đất cụ thể có ý nghĩa như thế nào khi thu hồi đất?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Theo tôi, bảng giá đất là tập hợp các mức giá cho mỗi loại đất do UBND tỉnh quyết định sau khi được Hội đồng nhân dân thông qua, thời hiệu thực hiện trong thời gian 5 năm. Mục đích là dùng tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất trong hạn mức cho các tổ chức và cá nhân; hai là để tính tiền xử phạt vi phạm hành chính và tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại. Còn đối với giá đất cụ thể là giá trị quyền sử dụng đất tính trên 1 đơn vị diện tích đất do UBND tỉnh quyết định tại thời điểm. Mục đích là để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức; hai là tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp và tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Qua thực tiễn ở địa phương tôi trong những năm qua giá đất cụ thể thường cao hơn bảng giá đất quy định. Như vậy, có thể thấy nghĩa vụ của người dân nộp cho Nhà nước thì được thực hiện theo bảng giá đất quy định (mức giá thấp hơn), khi Nhà nước hoàn trả cho người dân (có mức giá cao hơn). Qua đó có thể khẳng định rằng chính sách của Nhà nước luôn hướng tới lợi ích người dân.

11h, Đối thoại trực tuyến về bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hút các dự án đầu tư ở Vĩnh Phúc kết thúc thành công. Những câu hỏi khác của Quý độc giả sẽ được khách mời trả lời trực tiếp qua thư điện tử. Trân trọng cảm ơn Quý độc giả đã tham gia chương trình. 

Đọc thêm