Thực tế thị trường lại cho thấy các CP có khả năng tăng giá thời gian qua lại có chỉ số P/E không thấp. Tỉ suất lợi nhuận của khoản đầu tư lại không hẳn phụ thuộc vào P/E.
Ba phiên giao dịch khởi sắc gần đây đem lại kỳ vọng lớn về một khả năng tạo đáy cho chu kỳ suy giảm trước ảnh hưởng của thông tin chính sách. Tuy nhiên, với một thị trường có tính đầu cơ cao như Việt Nam , cơ hội lợi nhuận chưa hẳn lại đến với những CP đạt điểm cao về nền tảng cơ bản.
Thế nào là rẻ?
Thống kê sơ bộ với kết quả kinh doanh 4 quý gần nhất và khối lượng CP pha loãng (tính đến phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi), cả hai sàn hiện có trên dưới 80 CP đạt P/E nhỏ hơn 5 lần. Nếu tính theo P/B thì cũng có gần 70 mã mà thị giá hiện thấp hơn giá trị sổ sách của mỗi CP.
Chỉ số giá trên thu nhập CP (P/E) được sử dụng phổ biến để đánh giá một CP hiện tại có là rẻ so với lợi nhuận mỗi CP đem lại hay không. P/E hiểu đơn giản là số năm mà NĐT sẽ thu hồi lại vốn nếu toàn bộ lãi Cty chia hết cho cổ đông. Chẳng hạn nếu đầu tư nắm giữ một CP có P/E bằng 1.000 lần cũng có nghĩa là khoản đầu tư đó nếu bạn bắt đầu mua CP từ thời điểm Hà Nội chính thức thành thủ đô thì đến hôm nay mới thu hồi được vốn. Như vậy P/E càng thấp thì CP càng được cho là rẻ.
|
Tuy nhiên thực tế thị trường lại cho thấy các CP có khả năng tăng giá thời gian qua lại có chỉ số P/E không thấp. Nói đúng hơn là nếu giao dịch khéo, tỉ suất lợi nhuận của khoản đầu tư lại không hẳn phụ thuộc vào P/E. Đó là vì P/E còn được hiểu theo yếu tố thị trường là mức kỳ vọng lợi nhuận của DN trong tương lai cũng như thường bị bỏ qua khi tính đầu cơ quá cao.
Đơn cử trong đợt suy giảm từ 500 điểm về 440 điểm vừa qua, một số mã đi ngược thị trường lại có P/E khá cao. HTV là một ví dụ. CP này tăng 68% trong khi VN-Index giảm gần 12%. HTV lúc đó có P/E pha loãng khoảng 12 lần và hiện lên tới 20 lần. Kể cả tính theo kế hoạch lợi nhuận năm 2010 thì HTV cũng có P/E khoảng 19 lần. Ngược lại rất nhiều bluechips có mức P/E chỉ vài lần nhưng lại không có bất kỳ đợt tăng đáng kể nào.
Giá trị sổ sách (Book value) được xem là giá trị còn lại nếu DN phá sản. Nếu mua một CP mà thị giá thấp hơn giá trị sổ sách (P/B < 1) thì rõ ràng khi “xẻ thịt” DN đó, NĐT có lợi. Tuy nhiên việc rất nhiều CP có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách trong đa số trường hợp là vô nghĩa vì DN vẫn làm ăn bình thường cũng như không đơn giản mà “xẻ thịt” được DN có giá trị vốn hóa nhiều ngàn tỉ đồng. Đó là chưa kể đến giá trị sổ sách còn liên quan đến việc liệu tài sản có được ghi nhận theo nguyên tắc thị trường hay không.
Yếu tố thị trường trong lựa chọn CP
Đánh giá CP đắt hay rẻ trên cơ sở tính toán chỉ số cơ bản như P/E hay P/B thường mang tính đầu tư dài hạn. Nếu các NĐT tổ chức chiếm tỉ trọng lớn trong giao dịch thị trường thì phân tích cơ bản sẽ có mức độ hiệu quả cao hơn. Đối với một thị trường có tính đầu cơ, xu hướng đầu tư/đầu cơ cũng có “mốt” và cũng có thể thay đổi. Điều này thể hiện rất rõ trong 7 tháng đầu năm nay khi “gu” đầu cơ theo xu hướng với CP vốn hóa nhỏ và trung bình rất thịnh hành.
Việc lựa chọn bluechips hay penny cho đợt phục hồi có thể xảy ra phụ thuộc vào độ mạnh của dòng tiền cũng như “mốt” đầu tư của số đông. Hiện tại tâm lý sợ CP bị pha loãng cũng như hoạt động thoái vốn của tổ chức đang ảnh hưởng đến suy nghĩ của số đông. Điều đó không có nghĩa là bluechips sẽ không tăng vì nếu một xu hướng tăng rõ ràng được xác lập thì CP nào cũng tăng giá. Điều khác biệt là NĐT có chọn được CP tăng mạnh hơn thị trường hay không. Điều này lại phụ thuộc vào dòng tiền.
Trong bối cảnh dòng tiền yếu như 7 tháng đầu năm nay, xu hướng đầu tư vừa qua có một số đặc điểm đáng chú ý: Thứ nhất, NĐT ưa tìm sự đột biến trong DN. Yếu tố bất ngờ có tác dụng tạo sóng mạnh, chẳng hạn DN đang lỗ triền miên đột nhiên có lãi; DN định giá lại tài sản; có khoản thu bất thường...
Thứ hai, NĐT ưa chuộng CP có tính cô đặc, tức là lượng lưu hành thấp. Sàng lọc theo giá ngày 17.8 cũng cho thấy trên 130 mã đang có giá trị vốn hóa thấp hơn 100 tỉ đồng. Nếu lấy mốc 300 tỉ đồng thì con số này lên tới gần 330 DN. Mức vốn 300 tỉ đồng là quá nhỏ đối với một nhóm “đại gia” bình thường và điều đó tỉ lệ thuận với triển vọng “cuộn sóng” của CP.
Thứ ba là xu hướng đầu cơ CP thị giá thấp. Lâu nay quan điểm “của rẻ là của ôi” không còn nữa vì nếu sóng nhiều thì cổ nào cũng “thơm” hết! Đó là chưa kể đến liệu mức giá rẻ đó đã phản ánh hết những gì xấu nhất của DN hay chưa.
Suốt 7 tháng đầu năm thị trường chưa có một đợt tăng trưởng đáng kể nào. Liệu “gu” đầu tư có thay đổi trong thời gian tới hay không là điều không thể biết trước. Tuy nhiên, đây mới là lúc NĐT vận dụng được kinh nghiệm cũng như độ nhạy bén của chính mình.
Theo Nam Nguyễn
Lao động - CafeF