Khai thác từ độ sâu hơn 100m nước
Ngày 16/11/2020, tại điểm tiếp nhận khí vào bờ tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị của PVN đã tổ chức Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng, thuộc Dự án phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2.
Theo PV GAS, mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt nằm tại khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp (nhiệt độ cao, áp suất cao) của bể Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km về phía Đông Nam, độ sâu mực nước biển từ 110 - 130m.
Chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 gồm hai Dự án thành phần (Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh và Dự án Đường ống dẫn khí Sao Vàng – Đại Nguyệt) được PVN giao cho PV GAS làm Chủ đầu tư.
Mục tiêu của dự án là phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ngành Công nghiệp Khí Việt Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý khí mỏ Sư Tử Trắng, Sao Vàng - Đại Nguyệt, Thiên Ưng – Đại Hùng và dự phòng cho đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố;
Đồng thời, bổ sung công suất tiếp nhận và xử lý khí, tăng tính linh hoạt trong vận hành các công trình khí (giữa nhà máy GPP Dinh Cố, NCS Terminal và GPP2); Bổ sung nguồn khí thiếu hụt khu vực Đông Nam bộ nhằm đảm bảo cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ…
Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể có ngân sách Nhà nước và nền kinh tế, đảm bảo các cam kết của PV GAS cấp khí cho sản xuất điện (chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước) và cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam bộ.
Những đường ống xuyên biển đưa khí về bờ
Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 có một chặng đường phát triển dài, bắt đầu từ công tác xem xét, đánh giá, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong những năm cuối của thập kỷ trước.
Giai đoạn 1 của Dự án đã được chính thức triển khai từ tháng 4/2013 và hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015 với 151km tuyến ống biển từ giàn BK-Thiên Ưng đến điểm kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại KP 207.5.
Giai đoạn 2 của Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với 118km đường ống biển từ KP 207.5 đến trạm tiếp bờ Long Hải; khoảng 10km từ trạm tiếp bờ Long Hải đến Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và khoảng 29km dẫn sản phẩm khí khô đến Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ.
Đồng thời với việc triển khai thực hiện Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2, việc đầu tư xây dựng đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt với 2 tuyến ống thành phần, trong đó đường ống dẫn khí từ giàn Thiên Ưng đến giàn Sao Vàng chiều dài khoảng 23km và đường ống dài 23km dẫn khí từ giàn Sao Vàng kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại khu vực BK Thiên Ưng cũng được khẩn trương hoàn thành, nhằm thu gom và vận chuyển khoảng 2-3 tỷ m3 khí/năm từ các mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt và Thiên Ưng – Đại Hùng về bờ.
Khối lượng công việc của mỗi dự án nêu trên đều là rất lớn, tiến độ triển khai thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị của mỗi dự án khá ngắn là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ quản lý dự án của chủ đầu tư cũng như các tổng thầu.
Năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc đi lại với một số nước châu Âu (nơi sản xuất các vật tư thiết bị cho dự án) và Malaysia (nơi đặt trụ sở của tổng thầu EPC) gặp khó khăn. Quá trình xây dựng dự án còn phải đối mặt với các khó khăn do điều kiện thời tiết biển phức tạp, với nhiều cơn bão diễn ra liên tục, nhất là vào những tháng gần đây thuộc giai đoạn cao điểm xây dựng.
Phó Tổng giám đốc PV GAS Hoàng Văn Quang đánh giá cao những đóng góp của các thành viên trực tiếp tham gia chỉ đạo, thực hiện và quản lý dự án đã ngày đêm bám sát công trình để đưa công trình hoàn thành đúng kế hoạch, đạt chất lượng và hiệu quả, có những đóng góp quan trọng vào thành công của Chuỗi dự án.