Đơn Dương: Đưa thông tin nông nghiệp đến với nông dân

Với 3 mô hình điểm trong năm 2006, đến nay tất cả các xã, thị trấn tại Đơn Dương - vùng rau lớn của tỉnh, đã có điểm thông tin để mọi người dân có thể đến tra cứu những vấn đề nông nghiệp mình cần.
Với 3 mô hình điểm trong năm 2006, đến nay tất cả các xã, thị trấn tại Đơn Dương - vùng rau lớn của tỉnh, đã có điểm thông tin để mọi người dân có thể đến tra cứu những vấn đề nông nghiệp mình cần.
Người dân đến tra cứu tại một điểm cung cấp thông tin.
Đó là nhận xét của ông Trần Thanh Vũ, Phó Trưởng phòng Công thương Đơn Dương về hoạt động của các điểm thông tin khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp hiện có trên địa bàn. Đơn Dượng là 1 trong 3 huyện của tỉnh (cùng Di Linh và Đạ Huoai) dẫn đầu tỉnh với 11 điểm thông tin.   Là một huyện thuần nông với gần 17 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó phần lớn diện tích được người dân canh tác rau thương phẩm, theo ông Vũ, người dân rất cần những thông tin như quy trình sản xuất, phương thức canh tác thâm canh một số loại rau màu như cà chua, sú, ớt ngọt, đậu… Rồi phương cách phòng bệnh, phương pháp thu hoạch, bảo quản, chế phẩm bảo vệ thực vật nào là hiệu quả cho từng loại bệnh… Tất cả những điều này còn rất bỡ ngỡ với rất nhiều người lâu nay vốn chỉ có kinh nghiệm với những loại cây trồng quen thuộc như lúa, bắp, rau cải.. Nay đối mặt với những cái mới, họ không biết phải tìm hiểu ở đâu, bằng cách nào và giá trị xác thực của thông tin ra sao. Những điểm thông tin ra đời đã phần nào đáp ứng sự mong mỏi này. Trong năm 2006, Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN) Lâm Đồng đã chọn 3 điểm gồm Phòng Công thương huyện, UBND thị trấn Thạnh Mỹ và UBND xã Lạc Lâm để xây dựng điểm thông tin. Trong 3 điểm này, Lạc Lâm hoạt động tốt nhất. Chỉ tính trong năm 2007, Lạc Lâm đã tiếp trên 200 lượt người dân đến tìm hiểu về các vấn đề quan tâm, chủ yếu là thông tin về nông nghiệp. Không chỉ tra cứu từ nguồn lưu trữ của tỉnh, các cán bộ quản lý điểm còn tìm thông tin trên mạng giúp không ít người giải quyết những khó khăn trong sản xuất gặp phải. Đến nay, Đơn Dương đã phối hợp cùng Sở KHCN tỉnh lắp đặt thêm 8 điểm thông tin tại tất cả các xã, thị trấn trong huyện, trong đó có 4 điểm từ nguồn kinh phí của tỉnh, 4 điểm dùng ngân sách huyện. Trung bình chi phí mỗi điểm khoảng 25 triệu đồng, bao gồm máy tính, đường truyền nối mạng Internet tốc độ cao (ADSL), máy in, giấy in.  Các điểm thông tin được bố trí tại UBND xã , có người phân công trực nhật hằng ngày để giúp tra cứu. Để giới thiệu các điểm thông tin, Đơn Dương yêu cầu đài truyền thanh các xã loan báo cho người dân biết thông qua các chương trình phát thanh hằng ngày, phát thông báo đến các thôn, các tổ chức đoàn thể của xã và lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp thôn xóm. Thông tin người dân đến tra cứu được cán bộ phụ trách điểm ghi chép để theo dõi, ghi nhận phản hồi. Trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương pháp canh tác lạc hậu của một bộ phận dân cư tại Đơn Dương,  theo đánh giá của ngành chức năng Đơn Dương, đã có sự góp sức nhất định từ các điểm thông tin nông nghiệp. Một trong những điểm hạn chế khiến các điểm thông tin tại Đơn Dương (cũng như nhiều điểm thông tin ở các địa phương khác trong tỉnh) chưa phát huy hết công năng chính là ở khâu cán bộ phụ trách. Theo ông Vũ, đa số những người phụ trách điểm hiện nay là kiêm nhiệm, trình độ tin học có hạn, việc tìm hiểu, khai thác thông tin đôi lúc còn làm cho có, cho xong việc. Việc theo dõi các thông tin được áp dụng và phản hồi của người dân chưa được chú trọng, chưa tìm hiểu lựa chọn các thông tin liên quan để cung cấp cho người dân căn cứ vào tình hình sản xuất thực tiễn của địa phương. Cùng với đó, các  hình thức tuyên truyền thu hút người dân đến tra cứu còn đơn điệu, chưa có tính thuyết phục. Một điều quan trọng nữa là: Nếu được, các điểm thông tin nên được gắn kết với việc cung cấp thông tin giá cả thị trường nông sản hàng ngày, hàng tuần thông qua loa truyền thanh để người dân nắm bắt và có định hướng trong sản xuất.
Viết Trọng

Đọc thêm