Dồn sức phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) không để bùng phát và lan rộng trên địa bàn thành phố, ngày 19-10, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng có Công văn số 26-CV/TU yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ như.

*  Mỗi địa phương nhanh chóng xác định, xử lý ổ dịch gây bệnh

Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) không để bùng phát và lan rộng trên địa bàn thành phố, ngày 19-10, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng có Công văn số 26-CV/TU yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ như:

Mô tả ảnh.
Triển khai phun thuốc diệt muỗi tại tổ 39, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu.  Ảnh: VIỆT DŨNG

Tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch SXH; huy động toàn hệ thống chính trị và các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên thông tin diễn biến tình hình và các biểu hiện bệnh, cách phòng tránh dịch SXH, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống. Trong đó, lưu ý việc thông tin về nguyên nhân phát sinh dịch bệnh để mọi người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc tổng vệ sinh, diệt bọ gậy, lăng quăng ngay tại gia đình, cơ quan, đơn vị mình với phương châm “không có lăng quăng, không có dịch SXH”.

UBND thành phố có kế hoạch cụ thể, phân công một đồng chí Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch SXH trên địa bàn thành phố. Bảo đảm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban, ngành phối hợp với ngành Y tế huy động nhân dân ở địa bàn dân cư, lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên tại các trường và các ban, ngành, kể cả lực lượng vũ trang ra quân triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi và bọ gậy, dọn dẹp các nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn không để dịch kéo dài, lan rộng.

Ngành Y tế thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch để phát hiện sớm các ổ dịch mới và nhanh chóng triển khai phun hóa chất tại các ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc bệnh, nhằm khống chế sự lây lan và dập tắt dịch. Hướng dẫn kỹ thuật xử lý diệt lăng quăng và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, bảo đảm đúng kỹ thuật, hiệu quả. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, kiên quyết không để trường hợp nào mắc bệnh SXH mà tử vong. Sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong xử lý, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng cùng với các quận, huyện, xã, phường tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống dịch bệnh với các hình thức đa dạng, phong phú để mọi người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh, đồng thời chủ động, tự giác thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả.

Ủy ban MTTQ thành phố và các đoàn thể chính trị-xã hội cần tích cực, chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường hằng tuần, chú trọng diệt lăng quăng, muỗi gây bệnh để hạn chế bệnh nhân mắc SXH.

* Tính đến ngày 20-10-2010, toàn thành phố đã có 54/56 phường, xã tại 7/7 quận, huyện có người mắc bệnh SXH, với trên 3.225 ca, trong đó một trường hợp tử vong ở quận Sơn Trà.

Trước tình hình dịch bệnh SXH tăng nhanh trên địa bàn thành phố, sáng ngày 21-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nông Thị Ngọc Minh cùng lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, UBND quận Hải Châu trực tiếp kiểm tra công tác diệt lăng quăng, muỗi gây bệnh tại phường Hòa Thuận Tây - một trong những địa phương có số lượng bệnh nhân tăng mạnh trong những ngày gần đây của quận Hải Châu.

Đến kiểm tra tại hơn 10 hộ dân tổ 28 và tổ 39, là những ổ dịch bệnh SXH mới phát sinh, đồng chí Nông Thị Ngọc Minh và các thành viên trong đoàn phát hiện một số chậu cảnh, chai lọ, gáo dừa đọng nước để sau nhà, tạo điều kiện phát sinh lăng quăng sinh muỗi gây bệnh. Bên cạnh đó, khu vực phía giáp ranh giữa các dãy nhà của người dân, do chưa thường xuyên thu dọn nên ẩm thấp, một số khu vực dây leo, bụi rậm bám vào bờ tường rào. Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, đây chính là nguyên nhân phát sinh muỗi gây bệnh.

Tuy nhiên, khi kiểm tra khu nhà công vụ của một đơn vị quân đội (khu vực gần tổ 39, phường Hòa Thuận Tây), Đoàn kiểm tra phát hiện một khu đất trũng có nước đọng không chảy với rất nhiều lăng quăng, cách đó có một số gáo dừa và lốp xe xuất hiện hàng chục con lăng quăng đang sống. Phó Chủ tịch Nông Thị Ngọc Minh chỉ đạo ngành Y tế cần có văn bản phối hợp với các đơn vị phòng dịch quân đội nhanh chóng xử lý các ổ dịch để giảm lượng muỗi phát sinh gây bệnh.

Làm việc với UBND phường Hòa Thuận Tây, đồng chí Nông Thị Ngọc Minh lưu ý, tuy chưa phải là địa phương có số bệnh nhân mắc bệnh SXH cao nhất quận Hải Châu, nhưng lãnh đạo phường phải tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Chú trọng phát hiện và xử lý những ổ dịch trong các khu dân cư. Cần huy động các hội, đoàn thể và các tổ dân phố thường xuyên họp dân, thông báo tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa để nhân dân nhận thức và thực hiện triệt để. Được biết, phường Hòa Thuận Tây hiện có 60 người mắc bệnh SXH, 30/42 tổ dân phố có bệnh nhân SXH.

Việt Dũng

Đọc thêm