Đến thăm các bệnh nhi đang điều trị tại Đơn vị châm cứu và chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ, bại não của Viện Châm cứu T.Ư trong dịp Tết thiếu nhi đang đến gần, tôi càng cảm nhận rõ rệt hơn khát khao được học tập, vui chơi và khỏe mạnh của các em và gia đình.
Những mơ ước xa xăm…
Gần 4 năm trông nom, chăm sóc con trong bệnh viện (BV) là hơn 1000 ngày anh Ngô Văn Tường (thôn Vĩnh Linh, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) sống trong tâm trạng thấp thỏm, âu lo… Càng buồn hơn khi nghĩ về tương lai mờ mịt của con trai - bé Ngô Nguyễn Hoàng Minh, con anh nay đã 6 tuổi vẫn chỉ mới biết nói bập bõm vài từ, thân hình thì xanh xao, gầy guộc như đứa trẻ mới lên 3.
Anh Tường cho biết, khi sinh ra cháu vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, chỉ có điều tăng cân hơi chậm và chân tay cứ lẻo khẻo. Lúc con hơn 2 tuổi, vẫn chưa biết đi, biết nói, vợ chồng anh mới đưa cháu đến BV Nhi T.Ư khám thì được biết, cháu bị bại não. Điều trị ở đó một thời gian, gia đình anh lại chuyển cháu sang BV Châm cứu T.Ư để châm cứu và trị liệu.
Sau gần 4 năm điều trị, bé Minh đã biết đi, biết nói được vài từ và biết nghe lời người lớn. Nói về chuyện học hành của con, với khuôn mặt thất thần và giọng nói trầm buồn, anh than thở: “Cùng tuổi với con tôi, qua hè này chúng nó sẽ vào lớp 1. Còn cháu Minh nhà tôi không biết bao giờ mới có cơ hội đến trường. Nhìn họ đưa con đi học trước lớp 1, đi học thêm năng khiếu mà thấy tủi thân vô cùng. Thôi thì con mình đã thế, chỉ mong cho nó biết nói, biết nhận thức mọi thứ xung quanh, còn việc đến trường, đến lớp thì không có hy vọng…”
Cùng chung cảnh ngộ với bé Minh là trường hợp của bệnh nhi Phan Trọng Đạt ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Chị Lê Thị Thu, mẹ của Đạt kể, khi mới sinh ra, cháu bị viêm phổi cấp, rồi bị biến chứng dẫn đến bại não.
Từ 3 năm nay, mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt gần vài tháng, vợ chồng chị lại thay nhau đưa con ra Hà Nội chữa bệnh. 3 năm nay, chưa năm nào con được đón Tết thiếu nhi trọn vẹn với đầy đủ người thân. Cứ đúng dịp hè, chị lại phải đưa con ra Hà Nội điều trị. Đạt cũng chưa biết Tết thiếu nhi là gì, chị cũng chưa có cơ hội giảng giải cho con hiểu bởi bấy lâu nay bé chỉ sống trong câm lặng, cũng không biểu đạt được niềm yêu thích và ước mơ của mình… Bởi vậy, được nghe câu hỏi: “Mẹ ơi Tết thiếu nhi là gì?” thốt lên từ miệng bé là niềm mong đợi từ ngày con ra đời của chị…
Đa số các bé đang điều trị tại đây đều không biết nói hoặc không biểu đạt được cảm xúc của mình, bởi vậy chúng tôi buộc phải thông qua cha mẹ các em để hiểu được hoàn cảnh của các em.
Trò chuyện thêm với một vài cha mẹ của bệnh nhi khác, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi đau đớn, bất hạnh mà các bé và gia đình đang phải hứng chịu. Mỗi bé một hoàn cảnh, với mức độ bệnh cũng khác nhau nhưng các em đều bị thiệt thòi hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa.
Xoa dịu nỗi đau…
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc BV Châm cứu TƯ cho biết, tại Đơn vị châm cứu và chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ, bại não của BV luôn có 150 – 200 cháu/ngày, kể cả dịp Quốc tế Thiếu nhi 1.6 hay Tết Trung thu số lượng trẻ đến điều trị vẫn không giảm.
Thời gian châm cứu, điều trị cho trẻ bại não thông thường 3 – 5 đợt trong 2 năm. Sau khi điều trị, bệnh nhân được cải thiện tình trạng bệnh trên dưới 20%. Đến với BV, bệnh nhi dưới 15 tuổi được miễn phí tiền khám, tiền giường và tiền điều trị.
Ngoài ra, BV cũng vận động các nhà tài trợ hỗ trợ tiền, quà cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, vào những ngày như Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết trung thu, Nguyên đán, BV luôn tổ chức các chương trình văn nghệ hấp dẫn trẻ nhỏ.
Tết Thiếu nhi năm nay, BV cùng các nhà tài trợ sẽ trao trên 200 suất quà (mỗi suất trị giá 250.000đồng) cho các bệnh nhi nghèo không may mắc bệnh nặng và tàn tật.
…Nhằm xoa dịu bớt nỗi đau đơn, thiệt thòi của các em, Bác sĩ Thành cho hay, rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã trực tiếp đến BV thăm, tặng quà và hỗ trợ, giúp đỡ các em. Có mặt tại BV những ngày này, chúng tôi cũng thêm hiểu về tinh thần tương thân, tương ái; sự tương trợ của cộng đồng, xã hội đối với những trẻ nhi không may mắn này.
Xúc động nhất là hình ảnh những người chị, người mẹ mang cháo đến phát miễn phí cho các bệnh nhi. Bác Đỗ Thị Mơ, một người trong tổ “Nồi cháo tình thương” vui vẻ cho hay, tổ của bà có 10 người, đều ở phường Phương Mai, quận Đống Đa. Chứng kiến nỗi khổ của các em, các bà đã bàn nhau góp tiền, góp gạo để nấu cháo, mua sữa đến phát cho các em đều đặn hàng tuần.
Quệt vội những dòng mồ hôi lăn trên gò má đã hằn nhiều nếp nhăn, bà Mơ tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, trong tổ tôi có những người 74, 75 tuổi vẫn ngày đêm hăng say với công việc từ thiện, đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động mọi người ủng hộ các em bé bị bệnh. Chỉ mong trời cho sức khỏe, có sức khỏe, tôi nguyện phục vụ các em cho đến khi sức cùng lực kiệt. Mang niềm vui đến cho các em, cũng là niềm vui của mỗi người trong nhóm chúng tôi”.
Nói đến Ngày Quốc tế thiếu nhi sắp tới, bà Mơ mong mỏi, sẽ có nhiều người, nhiều tổ chức, cá nhân mở rộng lòng mình hơn với các em bé đang chịu nhiều thiệt thòi…
Hồng Trà