Đón Tết Trung thu trong mùa giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dịp Trung thu cổ truyền, mùa giãn cách, một số nghệ sỹ đã tặng cho các em nhỏ "mâm ngũ quả" đậm tính dân gian. Các gia đình đã tự tay làm đèn lồng, đèn ông sao cùng con phá cỗ theo hình thức online…

Thưởng thức những bài hát Tết Trung thu theo làn điệu dân ca

Trung thu năm 2021, thiếu niên, nhi đồng cả nước đang cùng gia đình phòng chống giặc dịch bệnh COVID-19. Cũng bởi vậy, đêm hội trăng rằm tưng bừng tiếng trống, tiếng múa ca rộn ràng cùng những chiếc đèn ông sao, các hoạt động văn hóa văn nghệ không thể diễn ra náo nức như mọi năm. Đó là thiệt thòi mà các em nhỏ phải trải qua. Làm thế nào để mùa trăng tháng 8 đặc biệt này không trôi qua lặng lẽ là trăn trở của nhiều người lớn, trong đó có nhà thơ Ngọc Lê Ninh.

MV "Quả thơ" được làm theo giai điệu trống quân độc đáo phù hợp với không khí “Tết trông trăng” có từ ngàn đời nay trong tâm thức người Việt vừa ra mắt như một món quà đặc biệt dịp Trung thu năm 2021.

Trên tiết tấu âm nhạc rộn ràng, tươi vui của làn điệu trống quân, video ca nhạc sẽ đưa người nghe qua mùa thu trong hương vị, màu sắc của các loại quả. Tham gia góp mặt trong MV này có nghệ sĩ Quang Tèo, Đại Mý, Ngọc Lê Ninh... 2 giọng ca thể hiện tác phẩm là nghệ sĩ Nhật Linh, Thu Dương. Chỉ huy nghệ thuật là nhạc sĩ Thao Giang. Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam - Hội nhạc sỹ VN đã phối hợp với Nhà thơ Ngọc Lê Ninh thực hiện MV “Quả thơ”.

Sự độc đáo trong bài thơ này là nghệ thuật sử dụng phép nhân cách hóa, phương pháp ẩn dụ, ví von, làm giàu thi ảnh, đặc biệt là nghệ thuật đối nghịch trong câu thơ lục và bát gây cho trẻ em sáng tạo, hài hước, trí tưởng tượng cao, khả năng liên tưởng đến đời sống của xã hội hàng ngày vì vậy sẽ gây cho trẻ em rất thích thú khi đọc. Toàn bội nội dung bài thơ có tác dụng giáo dục trẻ nhỏ rất cao thông qua từng tính cách của nhân vật hay từng loại quả.

Ngoài “Quả thơ”, “Ông Trăng xuống chơi” là một bài hát đêm Trung Thu được nhiều em nhỏ yêu thích. Đây là một bài hát mang âm hưởng đồng dao vô cùng độc đáo. Nhiều người nghĩ rằng cái lời bài hát tưởng chừng ngây ngô, thế nhưng lại hàm chứa cả triết lý cho và nhận ở đó…

Cùng con làm đồ chơi truyền thống đón trăng

Ông làm đồ chơi truyền thống cho cháu đón Tết Trung thu tại gia.

Ông làm đồ chơi truyền thống cho cháu đón Tết Trung thu tại gia.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường, một số địa phương thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại của người dân. Nhiều tuyến phố Hà Nội “thủ phủ” đồ chơi Trung thu như: Hàng Mã, Lương Văn Can… đóng cửa im lìm.

Những ngày giãn cách, nhiều gia đình đã nảy ra ý định cùng con làm những món đồ chơi truyền thống. Anh Việt Quang (Ba Đình, Hà Nội) dành hai tối để cùng con làm đèn lồng, mặt nạ.

“Vốn trước đây học mỹ thuật, nhà lại có sẵn bút vẽ, giấy màu, keo dán, tôi đã lên kế hoạch “sắm” cho con đồ chơi truyền thống độc đáo. Cả nhà tôi dành 2 buổi tối vẽ vẽ, cắt cắt, dán dán. Con trai 7 tuổi háo hức, lăng xăng bên bố mẹ phụ giúp. Sau khi hoàn thành chiếc đèn lồng, mặt nạ Tôn Ngộ Không, con trai tôi nâng niu “thành quả” và nói đó là đồ chơi Trung thu đẹp và ý nghĩa nhất của mình”.

Không chỉ có gia đình anh Việt Quang, gia đình chị Thu Thanh (Đống Đa, Hà Nội) cũng “xắn” tay “sáng chế” đồ chơi trung thu cho con. Chị Thanh hồ hởi: “Tôi và ông xã không khéo làm “món” này nhất là vẽ mặt nạ cho con. Con tôi tuổi Tuất khi vẽ mặt nạ con chó cún lại ra hình con chồn, chưa kể màu sắc tô lem nhem. Tuy vậy, con gái tôi vẫn thích và đeo nó khoe với ông bà tác phẩm hội họa của bố mẹ. Bé vui suốt tuần nay, khiến chúng tôi vui theo”.

Gia đình chị Thu Thanh dự kiến sẽ bày mâm ngũ quả, đồ chơi dân gian, cùng phá cỗ online với các gia đình họ hàng, bạn bè, hàng xóm để các con có một đêm Trung thu đặc biệt.

Ông Xuân Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) đã hướng dẫn cháu trai cùng làm đèn ông sao, mặt nạ. Ông Thịnh chuẩn bị giấy bồi cho cháu có thể tự tô, vẽ, trang trí thêm cho chiếc mặt nạ, trống, đầu sư tử…

Ông Thịnh còn làm chiếc đèn lồng từ vỏ bưởi. Khi thắp nến, ngọn lửa sẽ làm nóng quả bưởi và khiến tinh dầu bưởi thoát ra ngoài tạo nên mùi hương rất dễ chịu… Vừa làm đồ chơi, ông Thịnh vừa kể những câu chuyện dân gian, sự tích đêm Trăng giúp các cháu hiểu ý nghĩa Tết Trung thu.

Rước đèn ông sao, thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê, úp lá khoai... là những trò chơi trung thu truyền thống đang dần bị lãng quên tại nhiều nơi, nhất là ở các thành phố lớn. Đêm Trung thu tại gia, ông bà, bố mẹ có thể cùng con chơi lại những trò chơi trong mùa trung thu xưa. Những trò chơi này cũng giúp các em bé thời hiện đại hiểu thêm về văn hóa truyền thống của những thế hệ trước. Cả nhà có một đêm trung thu mùa giãn cách đầy ngọt bùi, ý nghĩa.

Đọc thêm