Đơn vị tác chiến Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq

Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq với những cái tên khác như “Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ 2”, “Chiến dịch tự do cho người Iraq”... sau bảy năm giờ đã chính thức bước sang một giai đoạn mới.

Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq với những cái tên khác như “Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ 2”, “Chiến dịch tự do cho người Iraq”... sau bảy năm giờ đã chính thức bước sang một giai đoạn mới.

Người phát ngôn quân đội Mỹ, trung tá Eric Bloom, cho biết lữ đoàn Stryker số 4 thuộc sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ đã qua biên giới sang Kuwait vào sáng sớm 19-8, và sẽ phải mất vài ngày để 360 xe quân sự cùng 1.800 binh lính di chuyển từ Baghdad đến biên giới vào Kuwait.

Đơn vị tác chiến Mỹ cuối cùng rút  khỏi Iraq
Đơn vị tác chiến Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq

Reuters ngày 19-8 cho biết chỉ còn khoảng 56.000 lính Mỹ ở lại Iraq để làm nhiệm vụ huấn luyện. Từ nay, trên trận địa sẽ chỉ còn lại người Iraq. Đợt rút quân này diễn ra sớm hơn hai tuần so với hạn định mà Tổng thống Obama đưa ra (31-8). Trả lời phỏng vấn MSNBC, thiếu tướng Stephen Lanza nói khi đoàn quân còn lại cuối cùng rút đi, sứ mệnh của Mỹ tại Iraq sẽ đổi thành “Chiến dịch bình minh mới”.

Nhìn những hình ảnh rút quân được truyền trực tiếp từ Iraq trên Đài MSNBC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley bình luận: “Đây là thời khắc lịch sử”, và khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục can dự vào Iraq mạnh mẽ và lâu dài. Ông Crowley cũng cho biết đến nay Mỹ đã chi hàng ngàn tỉ USD và 4.419 binh lính thiệt mạng, và nhấn mạnh khoản đầu tư này đã trở nên quá đắt giá nên Mỹ không thể từ bỏ được lợi ích của Mỹ ở vùng đất này.

Trên BBC, David Kilcullen, cựu cố vấn của Mỹ về chống lực lượng nổi dậy ở Iraq, cho rằng Chính phủ Iraq đã có thể tự giải quyết được nhiệm vụ an ninh hiện nay. Người Sunni (thiểu số nắm quyền lực dưới thời Saddam Hussein) đã thật sự tham gia vào nền chính trị bỏ phiếu hiện nay.

Tuy nhiên, trong giới quân sự Mỹ và Iraq không khỏi có lo ngại về thời điểm rút quân. Đại diện đặc biệt của Mỹ ở Afghanistan, Bosnia, Haiti, Kosovo và Somali, ông James Dobbins, cho rằng dù các thông tin từ Chính phủ Mỹ tỏ ra khá lạc quan, nhưng liệu xu hướng ổn định an ninh có duy trì được hay không? Còn trung tướng Babaker Zerbari, một quan chức quân sự hàng đầu của Iraq, cho rằng quân đội Mỹ cần phải ở lại Iraq trong ít nhất 10 năm nữa.

Bây giờ tình hình Iraq có thể êm ả, bạo lực ít hơn nhiều so với thời gian trước, nhưng thực tế các lực lượng và phe phái còn đang “ghim hàng chờ thời”, thách thức thật sự có thể tới sau năm 2011. Ông nhấn mạnh quân Mỹ phải ở lại để đảm bảo chính quyền mới của Iraq có thể hoạt động, cho tới khi quân đội Iraq thật sự sẵn sàng vào năm 2020.

Xem ra sự hiện diện của quân Mỹ ở Iraq không còn là vấn đề bàn lại nữa. Một trong những quan chức của Nhà Trắng cho biết chính quyền Mỹ không muốn động tới câu hỏi này ở thời điểm hiện tại vì nó đi ngược với lời hứa chính trị của chính phủ đương nhiệm.

Ryan C. Crocker, từng là đại sứ ở Iraq từ năm 2007 tới đầu năm 2009, nói: “Với các đối tác người Iraq, chúng tôi (người Mỹ) giờ đây dĩ nhiên không còn là bên đơn phương quyết định nữa. Nhưng nếu họ đến gặp và đề nghị chúng tôi giúp đỡ thì chúng tôi sẽ có lợi ích chiến lược cần phải đáp ứng.”

Tuy nhiên theo Reuters, những thách thức từ “vũng lầy” Iraq khi quân Mỹ rút đi vẫn còn quá lớn. Lần rút quân cuối cùng của Mỹ diễn ra chỉ một ngày sau vụ đánh bom liều chết được cho là do lực lượng Al-Qaeda thực hiện tại trung tâm tuyển dụng quân đội ở thủ đô Baghdad làm 59 người chết và hơn 100 người bị thương, gây tổn thất nhân lực cao nhất trong năm. Bạo lực vẫn tiếp diễn trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.

Vụ tấn công ngay tại thủ đô Iraq cho thấy an ninh của Iraq dù đã khá hơn nhiều so với thời điểm trước, nhưng vẫn còn là bài toán nan giải, và khả năng điều hành của chính quyền vẫn còn mong manh trong khi hai đảng chính trị chính của nước này vẫn cứ trì hoãn hội đàm về việc thành lập chính phủ mới.

Thời điểm chuyển giao lại diễn ra trong tình hình chính trị cùng mâu thuẫn sắc tộc giữa người Kurd, người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite vẫn còn rất căng thẳng. Những bất đồng xung quanh việc chia phần lợi nhuận từ dầu mỏ cũng còn chưa ngã ngũ.

Liên hệ đến chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trước đây cũng có ý kiến cho rằng với chiến dịch “Iraq hóa chiến tranh” này, Mỹ đang “thay màu da trên xác chết”. Mỹ còn có lợi ích lâu dài khác ở Iraq. Theo Tổ chức các nước Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ (OAPEC), Iraq có trữ lượng dầu được chứng minh là lớn thứ 4 thế giới (10% tổng trữ lượng dầu thế giới).

Cùng thời điểm Mỹ rút quân khỏi Iraq, đại sứ mới của Mỹ tại Iraq đã trình thư ủy nhiệm lên Tổng thống Jalal Talabani. Là nhân vật kỳ cựu về khu vực Trung Đông, ông James Jeffrey từng nắm giữ nhiều vị trí dưới thời tổng thống Bush, từng là sĩ quan bộ binh Mỹ ở Đức và Việt Nam.

Đại sứ mới của Mỹ tại  Iraq, ông James Jeffrey - Ảnh: Reuters
Đại sứ mới của Mỹ tại Iraq, ông James Jeffrey - Ảnh: Reuters

Theo Khổng Loan
Tuổi trẻ

Đọc thêm