Đồng Amero - đòn "chém gió" của Mỹ?

Liệu sắp tới đồng Amero có được tung ra như một cứu cánh giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay hay chỉ là đòn "chém gió" của gã khổng lồ.

Liệu sắp tới đồng Amero có được tung ra như một cứu cánh giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay hay chỉ là đòn "chém gió" của gã khổng lồ, chúng tôi xin gửi tới độc giả bài tổng hợp nhằm cung cấp thêm một góc nhìn về những thông tin đang gây tranh cãi này.

Những thông tin dồn dập về đồng tiền mới mang tên Amero xuất hiện nhiều trên các trang mạng nổi tiếng thế giới và trong nước những năm gần đây. Có thông tin cho rằng: "Năm 2006, cả 3 nước Mỹ - Canada và Mehico đã đạt được một thỏa thuận bí mật về một đồng tiền Amero chung với tư cách là một đơn vị tiền tệ mới. Thỏa thuận này đánh dấu những bước chuẩn bị cho việc thay thế đồng USD. Nằm trong kế hoạch hợp tác có tên "Liên minh Bắc Mỹ" (NAU)". Điều này đã tạo nên những cơn sóng ngầm trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới trong bối cảnh của cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Theo giới phân tích đây có thể là một phần của âm mưu toàn cầu nhằm thiết lập trật tự thế giới mới. Mặc dù ý tưởng về liên minh cũng được đề xuất trong giới học giả nhưng các quan chức tại cả ba nước trên đã nhiều lần phủ nhận kế hoạch thành lập liên minh trên.

Mục đích của Amero là gì?

Nguồn: Telegraph
Nguồn: Telegraph

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện này xét về bản chất là cuộc khủng hoảng của hệ thống tài chính tiền tệ. Xuất phát chính từ sự lũng đoạn và thao túng của một số nền kinh tế lớn mà đại diện là các nhà tài phiệt sừng xỏ. Với số nợ quá lớn hiện nay, chính phủ Mỹ đã gia tăng áp lực bằng mọi cách buộc Trung quốc phải "thả lỏng" đồng nhân dân tệ và thực tế Mỹ đang tăng sức ép với Trung Quốc trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao - kinh tế - quân sự.v.v và cùng những thông tin bên lề về sự xuất hiện của đồng Amero được coi như một giải pháp cuối cùng sẽ được thực thi khi tất cả các giải pháp trên không thành công.

Năm 1999, lần đầu tiên nhà kinh tế người Canada Herbert Grubel - sáng lập viên Viện Khoa học kinh tế Fraser, đã đưa ra đề xuất này với sự hỗ trợ của Viện C.D Howe và Trung tâm nghiên cứu phát triển A.C của Mêhicô (CIDAC). Tháng 3/2005, các Tổng thống George Bush (Mỹ) và Vicente Fox (Mêhicô) cùng Thủ tướng Canada Paul Martin đã gặp nhau tại Trường đại học Baylor, bang Texas (Mỹ) để thống nhất kế hoạch thực hiện đồng tiền này. Các nhà phân tích, chuyên gia gọi kế hoạch này là Hiệp định Mậu dịch tự do tột đỉnh (TLC-Ultra) hoặc Siêu khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (Super-Nafta). Ba nước tận dụng bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay để tạo cớ lôgic phát hành và đưa vào sử dụng đồng Amero trong một tương lai gần.

Về cơ cấu hoạt động, đồng Amero sẽ ấn định một tỷ giá hối đoái không làm xáo trộn thu nhập, tài sản và khả năng cạnh tranh quốc tế của mỗi nước, vào thời điểm chuyển đổi. Ngân hàng trung ương Bắc Mỹ, với ban Thống đốc gồm đại diện do chính phủ các nước thành viên chỉ định, sẽ hoạt động giống như Ngân hàng trung ương châu Âu. Các Ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên sẽ trở thành chi nhánh của Ngân hàng trung ương Bắc Mỹ.

Đưa đồng Amero vào lưu hành sẽ làm cho các nước thành viên khác lệ thuộc hơn vào Mỹ, sẽ củng cố hơn các công ty xuyên quốc gia và sẽ là rào cản ngoại cảnh cho các nước chậm phát triển. Đồng Amero nếu được lưu hành như dự định sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Mỹ và Canada còn Mêhicô cũng như các nước sau này có gia nhập thì sẽ theo sau để chờ hứng cái gọi là "hiệu ứng thấm tràn" của thuyết chữ U lộn ngược của nhà kinh tế Mỹ gốc Nga Simon Kuznets (giải Nobel kinh tế năm 1971).

Một trong những lý do mà Mỹ muốn đưa ra lưu hành đồng Amero là cuộc khủng hoảng của đồng USD hiện nay đang biến Mỹ thành con nợ lớn. Hiện giờ, tổng số nợ đã chiếm trên 65,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và Nhật Bản có một lượng lớn trái phiếu của ngân khố Mỹ.  Và trên thực tế hiện nay là một số nước sản xuất dầu mỏ đã chuyển phần lớn dự trữ ngoại tệ sang các đồng tiền khác và giao dịch chủ yếu bằng các đồng tiền đó.

Trước khi phát hành đồng Amero, sẽ phải làm cho đồng USD sụp đổ, và có nhiều phân tích và dự đoán hình như chiến lược này đang được triển khai. Thậm chí một số người còn cho rằng cuộc khủng hoảng thị trường cũng góp phần đẩy nhanh quá trình suy yếu của đồng USD và như thế tất sẽ dẫn đến kịch bản của Kế hoạch cho ra đời đồng tiền mới, đồng Amero. Nhiều nguồn tin khác nhau cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không công bố thông tin M34, tức là không muốn cho biết "khối lượng tiền thực" đang bơm vào thị trường trong cơn suy thoái hiện nay.

Thêm nữa xét trên các vấn đề chính trị và an ninh bối cảnh nước Mỹ và trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức đã cho thế giới thấy rằng. Ngày nay là xu thế phát triển đa cực, Mỹ không thể làm mưa làm gió như trước được nữa. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến nhiều nước bất ngờ. Nếu Trung Quốc vẫn duy trì mức độ tăng trưởng trên 10% như hiện nay, chỉ sau 10 - 15 năm nữa có khả năng Trung Quốc mua đứt nước Mỹ nếu xét vào số nợ.  Và hoàn cảnh hiện nay khiến Mỹ đau đầu là phải chi một chiến phí rất lớn ở Apghanisan và Irad. Cuộc Khủng hoảng tín dụng - tiền tệ không thể tránh được nếu không thuyết phục được Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ và thực tế việc thuyết phục ấy đã không thành công.

Vậy Mỹ sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng này như thế nào? Các câu hỏi và giả thuyết được đưa ra: "Mỹ sẽ phát hành trái phiếu chính phủ nhưng điều này sẽ biến Mỹ trở thành con nợ lớn hơn. In thêm tiền, phương án này sẽ thúc đẩy lạm phát, khiến nguy cơ vỡ nợ càng lớn hơn. Mỹ tung dự trữ vàng ra để cứu nguy nền kinh tế? Như vậy sẽ làm suy yếu đồng đôla, gián tiếp làm lợi cho các nước xuất khẩu và khiến thâm hụt thương mại thêm trầm trọng. Bởi nhập siêu là tự sát".

Dựa trên những phân tích, nhận định trên, khi mà các giải pháp cứu nguy không đem lại hiệu quả như mong đợi thì kế hoạch cuối cùng là cho ra đời đồng Amero và đây sẽ là khởi đầu mới cho một nước Mỹ không nợ nần. Điều này có nghĩa là một kế hoạch "xù nợ" sẽ được thực thi. Và các ông chủ nợ của Mỹ hiện nay sẽ lãnh hậu quả.

Lịch sử đã chứng minh như thế nào?

Tiền xu Amero - nguồn: Telegraph.uk  và Salem-news.com
Tiền xu Amero - nguồn: Telegraph.uk  và Salem-news.com

Bối cảnh và tình hình kinh tế thế giới hiện nay, thực sự đã khác xa so với những biến động trong quá khứ, thế nhưng xét về bản chất của những biến động đó thì đều xuất phát từ việc các hệ thống tài chính tiền tệ trở thành công cụ của một số quốc gia và các nhà tài phiệt. Nó trở thành con bài chủ chốt để có thể xâm nhập và kiểm soát  khuynh đảo bất kỳ quốc gia nào đó để hở và không kiểm soát chặt các hệ thống tài chính của mình.

Và những biến động trong quá khứ vừa qua đã chứng minh rõ điều này. Xin được điểm qua sơ lược một vài ví dụ để chúng ta thấy được sức mạnh khủng khiếp khi các hệ thống, công cụ tài chính được sử dụng và trở thành con bài chi phối các nền kinh tế.

"Trong thập kỉ 70-80 của thế kỉ 20, Nhật đã mua và đầu tư rất nhiều ở Mỹ, kể cả trái phiếu chính phủ vì thế Nhật có thặng dư mậu dịch lớn với Mỹ giống như Trung Quốc bây giờ. Do kinh tế phát triển cao trong hai thập kỷ 1970-1980, giá tài sản Nhật lên như bong bóng, đặc biệt là từ năm 1985 trở đi, khi đồng Yen tăng giá, Nhật thừa tiền do việc dư thừa cán cân thương mại, đã ồ ạt mua tài sản nước ngoài, kể cả Trung tâm Rockefeller ở thành phố New York, một biểu tượng của tư bản Mỹ".

Sự uy hiếp này đã buộc Mỹ và các đồng minh phải ép Nhật bằng thỏa thuận Plaza Accord.

"Tháng 9/1985, các nhà tài phiệt ngân hàng cuối cùng cũng ra tay: "Thỏa thuận Plaza" đã được bộ trưởng tài chính của năm nước là Mỹ. Anh, Nhật, Đức, Pháp kí tại Plaza hotel với mục đích để cho đồng đô la mất giá một cách "có kiểm soát" so với các loại tiền chủ yếu khác. Dưới áp lực của Beck - Bộ trưởng bộ tài chính Mỹ, ngân hàng Nhật Bản buộc phải đồng ý nâng giá đồng Yên. Chỉ trong vòng mấy tháng sau khi thỏa thuận Plaza được kí kết, tỉ giá đồng Yên Nhật từ 250 Yên đổi 1 Đô la Mỹ đã tăng lên mức 149 Yên ăn 1 Đô la Mỹ"[1]

Tiền giấy Amero - nguồn : Flick.com
Tiền giấy Amero - nguồn : Flick.com

Đòn đánh chí mạng này khiến cho tất cả các khoản đầu tư trước đây của Nhật vào Mỹ bị mất giá hơn một nửa, cũng có nghĩa là Mỹ đã "bóc lột" Nhật một cách trắng trợn bằng cách "quịt" 50% số nợ với Nhật. Đến năm 1995, mười năm sau đồng Yen lên giá đỉnh điểm là một USD bằng 80 Yen. Với giá đồng Yen cao lên, Nhật mất dần khả năng cạnh tranh nếu chỉ sản xuất ở trong nước để xuất khẩu. Và buộc phải chuyển hướng đầu tư sang các khu vực khác để tránh thiệt hại.

Hơn 20 năm sau, Trung Quốc đã thế chân Nhật trở thành "chủ nợ" lớn nhất của Mỹ. "Có điều những nỗ lực của Mỹ trong suốt giai đoạn 2000 - 2006 không làm Trung Quốc nhượng bộ và đồng NDT chỉ được thả lỏng một phần và cho lên giá từ từ so với USD trong 2 năm gần đây. Điều đáng nói là dù đồng NDT đã bắt đầu lên giá, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng và những số liệu gần đây cho thấy gần như toàn bộ thâm hụt ngân sách của Mỹ đều được tài trợ từ nguồn này". Hiện tại dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã đạt trên hai ngàn tỷ USD. Thử tưởng tượng nếu Mỹ thành công trong việc làm đồng USD mất giá khoảng 50% so với đồng NDT như đã làm với Nhật năm 1985, số tiền Trung Quốc bị "quịt" sẽ là bao nhiêu?

Đối với Thái Lan- quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng năm 1997, đã khiến cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra phải thốt lên  "Chúng ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh lạnh. Từ giờ trở đi, thế giới phải đối mặt với một cuộc chiến tranh khác cũng không kém phần khốc liệt. Cuộc chiến tranh trên lĩnh vực kinh tế - trong quá khứ phương tiện chiến tranh là Quân đội và Pháo hạm. Giờ đây phương tiện chiến tranh đã thay đổi vũ khí hiện đại chính là các luồng vốn luân chuyển... để tăng cường sức cạnh tranh kinh tế. Trước kia, các quốc gia thua trận bị tước đoạt quyền kiểm soát lãnh thổ, ngày nay họ bị tước đoạt quyền kiểm soát kinh tế"[2 ].

Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997, đã dạy cho các nền kinh tế một bài học sâu sắc rằng hệ thống tài chính sẽ trở thành vũ khí lợi hại mà các nhà tài phiệt sử dụng để đối phó với bất kì nền kinh tế nào không có khả năng tự chủ và thiếu kiểm soát hệ thống tài chính của mình.

Đồng Amero bao gồm tiền giấy và tiền xu (một mặt in biểu tượng đặc trưng và mặt còn lại sẽ in quốc huy của cả 3 nước), sẽ thay thế đồng đôla Mỹ, đồng đôla Canada và đồng pêxô Mêhicô. Các tờ Amero có mệnh giá 20, 50 và 100 Amero khác xa so với đồng USD.  Có 4 màu chủ đạo là vàng, xanh dương, đen và xám. Tờ 100 Amero in hình kim tự tháp Mêhicô, một trong những biểu trưng văn hóa cổ của nước này. Tờ 50 Amero in ảnh một chú nai.

Chuyên gia và báo chí thế giới dự đoán

Báo chí thế giới và các chuyên gia đặc biệt ở Nga rất quan tam tới vấn đề này và họ đã đưa ra nhiều phân tích và dự đoán. Ngày 4/3/2009 trên báo Nga Pravda, nhà nghiên cứu Igor Panarin đưa ra giả thuyết cho rằng: "Có rất nhiều khả năng là sự sụp đổ của Mỹ sẽ diễn ra trước năm 2010". Trong cuộc phỏng vấn của tờ Daily Telegraph ngày 01/4/2009, ông tiếp tục khẳng định nhận định của mình.

Phát biểu gần đây nhất trên tờ nhật báo Izvestia số ra ngày 24/11/2009, ông cho rằng: "Đồng đô la Mỹ không còn được bảo đảm bởi bất kỳ thứ gì. Nợ nước ngoài của Mỹ đã tăng lên con số khổng lồ mặc dù trong những năm 1980 nước này không hề có nợ nần gì. Đến năm 1998, khi lần đầu tiên tôi đưa ra dự đoán về sự sụp đổ của Mỹ, khoản nợ của nước này vượt qua con số 2 nghìn tỉ USD. Bây giờ nó là hơn 11 nghìn tỉ USD. Đây là một hình chóp chỉ có thể sụp đổ". [3]

Cũng theo tờ báo này, những dự đoán về nền kinh tế Mỹ của Giáo sư Panarin, được đưa ra lần đầu tiên tại một hội nghị quốc tế ở Australia cách đây 10 năm - đúng thời điểm nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh.Và những biến động khủng hoảng kinh tế thế giới thời gian gần đây đã củng cố cho dự đoán của Panarin là tương đối chính xác. Giáo sư Panarin, là cựu phát ngôn viên của Cơ quan Không gian Liên bang Nga và hiện đang là chủ nhiệm khoa tại Trường Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga. Từng là một chuyên gia phân tích của KGB và thường xuyên có mặt trên các kênh truyền hình Nga để bình luận về các vấn đề chính trị.

Kế hoạch đối phó của các quốc gia khác trên thế giới ?

Để đối phó với kịch bản trên các quốc gia trên thế giới đang tích cực tìm ra những giải pháp để hóa giải.

Đối với Nga, Giáo sư Panarin đưa ra kịch bản: "Phát triển đồng rúp thành một đồng tiền khu vực.Thiết lập một cơ chế trao đổi dầu mỏ, giao dịch bằng đồng rúp... Chúng ta cần phải phá vỡ, cắt đứt những xiềng xích trói chúng ta với còn tàu tài chính Titanic mà theo quan điểm của tôi là đang sắp chìm." Và các quốc gia nào sẽ thay Mỹ điều hành nền kinh tế, Giáo sư Panarin nói: "Hai nước có thể sẽ đảm nhiệm vai trò này là Trung Quốc với nguồn dự trữ khổng lồ của nước này, và Nga nước có thể đóng vai trò là một nhà điều tiết ở khu vực Âu-Á."

Thế nhưng trên thực tế tại sao Trung Quốc không chuyển dự trữ ngoại tệ của mình sang các đồng tiền khác hay vàng? Hay đơn giản hơn là ngừng không tăng dự trữ ngoại tệ nữa vì đã quá đủ để đảm bảo an toàn cho cán cân thanh toán? "Vấn đề là bản thân Trung Quốc muốn giữ tỷ giá của đồng NDT với đồng USD cố định vì Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất.

Theo cách nói của một số nhà kinh tế thì Trung Quốc đã "hối lộ" cho dân Mỹ thông qua chính sách tỷ giá để họ tiếp tục mua hàng của Trung Quốc. Cái lợi mà Trung Quốc được trong ván bài kinh tế này không phải là hơn 2 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ mà Trung Quốc biết sẽ mất một phần trong tương lai. Mục tiêu của Trung Quốc chính là tăng trưởng kinh tế thông qua con đường xuất khẩu, đây là điều cần thiết để Trung Quốc giữ xã hội ổn định và là phương tiện để đạt được các mục tiêu chính trị khác. Có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận sẽ bị quịt nợ trong tương lai, hay nói cách khác sẵn sàng để Mỹ "bóc lột"" [4]

Lãnh đạo ba nước Mỹ - Mehico và Canada trong nỗ lực thành lập Liên Minh Bắc Mỹ : Nguồn: wisebread.com
Lãnh đạo ba nước Mỹ - Mehico và Canada trong nỗ lực thành lập Liên Minh Bắc Mỹ : Nguồn: wisebread.com

Năm 1985, Reagan và Volcker đã ép buộc thành công Nhật chấp nhận đồng Yen lên giá để giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch của Mỹ và nguy cơ khủng hoảng tài chính. Bush và Greenspan đã không làm được như vậy với Trung Quốc, để rồi cuộc khủng hoảng hiện tại nổ ra. Tất nhiên người Mỹ phải chịu hậu quả đầu tiên, nhưng không ai tiên liệu được cuộc khủng hoảng này sẽ dừng lại ở đâu.

Nếu khoảng tháng 9-10/2008 "mắt bão" cuộc khủng hoảng nằm ở Mỹ thì hiện tại có vẻ nó đã chuyển sang các nước Đông Âu, và nhiều người dự báo nó sẽ đi dần sang phía Đông. Có thể Trung Quốc sẽ trắng tay trong ván bài kinh tế-chính trị vẫn "chơi" lâu nay. Ngược lại nếu Trung Quốc khéo léo và may mắn, họ sẽ xoay chuyển theo một hướng mới có lợi hơn cho mình. Nga, Trung Quốc, Ấn độ, Braxin đã, đang gấp rút tìm một đồng tiền có tính thanh khoản toàn cầu thay thế đồng đôla và khối BRIC ra đời bao gồm (BRIC: B- Braxin, R- Russia, I- Ấn độ, C- China). Hiện nay, một số nước Trung Đông đã từ chối việc thanh toán bằng đồng USD, họ đã  tiến hành quy đổi ra ER.

Những phân tích trên đây của các chuyên gia, có thể chỉ là dự đoán bởi những vấn đề trong thực tế xảy ra sẽ chứng minh cho những dự đoán này là đúng hay sai ? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, những nhận định này giúp chúng ta có cái nhìn đa diện hơn về sự biến động tài chính- tiền tệ vốn rất đa dạng và phức tạp như hiện nay.

Theo TuanVietNam

Đọc thêm