So với các vùng khác trong cả nước, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai. Trong một thập kỷ qua, công tác giảm nghèo là một “điểm sáng” của vùng, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn năm 2018 cả nước chiếm 6,8%, trong khi đó khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 5,8%.
Trong thời gian qua, vùng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các cây cầu quan trọng nối liền các tuyến giao thông huyết mạch như: Cầu Mỹ Thuận (2000), cầu Rạch Miễu (2009), cầu Cần Thơ (2010)… Các công trình giao thông trọng điểm khác như Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương (2010), Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận đang được đầu tư khai thác, kỳ vọng sẻ mở ra cơ hội phát triển mới cho toàn vùng.
|
Cầu Cần Thơ giữ vai trò kết nối TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. |
Theo báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2020, trong 10 năm qua (2009 - 2019) kinh tế vùng chưa phát triển như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn vào năm 2018 đạt gần 280.000 tỷ đồng, so với cả nước ngày càng suy giảm (từ 15 – 18%). Nguồn lực đầu tư của khu vực FDI cũng có nhiều thay đổi tích cực, tuy vậy vai trò còn rất khiêm tốn và cũng không ổn định.
Thực trạng xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế, thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực chưa được mở rộng, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là hệ thống giao thông kết nối trong vùng và liên vùng.
Thiếu quy hoạch đồng bộ và Logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng. Chính những thách thức và hạn chế trên đã đẩy vùng vào tình thế hết sức nan giải và rất cần một nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện.
|
Bến Ninh Kiều là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch tại TP Cần Thơ. |
Để cụ thể hóa các giải pháp phát triển vùng ĐBSCL trong bối cạnh mới, báo cáo đã đưa ra hàng loạt giải pháp mang tính chiến lược “cứu cánh” cho toàn vùng. Đối với cụm ngành lúa gạo, thủy sản, rau củ quả tươi cần phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống giao thông và logistic một cách thiết thực nhất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lưu thông và giảm giá thành sản phẩm, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh.
Cần có chính sách cho phép người dân sử dụng đất đai một cách linh hoạt trên cơ sở quy hoạch. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu đến với thị trường nước ngoài như: Mỹ, châu Phi, Trung Đông… Xây dựng các mô hình liên kết chuyển giao công nghệ theo cơ chế ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp, với các hợp tác xã và các trường các viện.
Ngành du lịch được xác định như một viên ngọc, được sinh ra tự nhiên cần được mài giũa, đánh bóng để có thể tỏa sáng và thu hút ành nhìn. Trước tiên cần xác định các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch tại ĐBSCL bao gồm: Tài nguyên du lịch; điều kiện tự nhiên; nguồn nhân lực; hạ tầng giao thông; thương hiệu điểm đến; tình hình thu hút du khách; cơ cấu nguồn khách…
Tập trung phát triển hai trung tâm du lịch quốc tế là TP Cần Thơ và Phú Quốc. Theo đó, TP Cần Thơ phải xây dựng được một số doanh nghiệp lữ hành có khả năng phục vụ được khách quốc tế đi cả nước và các nước lân cận. Phú Quốc với vị trí tốt nhất khu vực Đông Nam Á, lại ở vùng biển ít bị thiên tai. Cần phát triển như một trung tâm du lịch biển, nghỉ dưỡng, MICE để kết nối với các nước trong khu vực.
|
Một dự án điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long đang được triển khai thi công. |
Các cụm ngành năng lượng, cụm ngành hạ tầng Logistic được xem là các cụm ngành tiềm năng của khu vực ĐBSCL. Để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chính quyền cần giữ vai trò then chốt trong việc cung cấp đất và hỗ trợ nhà đầu tư hình thành dự án. Đối với nhóm yếu tố kỹ thuật, thị trường sản xuất thiết bị trong nước còn khá nhỏ và thiếu nguồn nhân lực có trình độ quản lý hệ thống, xây dựng, bão dưỡng các thiết bị đặc biệt là đối với công nghệ điện gió.
Đồng thời, các thách thức về mặt chính sách trong các thiết kế hợp đồng mua bán điện (PPA) không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư khiến các dự án điện tái tạo trở nên khó hoặc không thể vay vốn từ nguồn viện trợ ở nước ngoài. Những khuyết điểm đó là: rủi ro tỷ giá, thiếu sự rõ ràng và chậm trễ trong quá trình phê duyệt dự án, thu hồi đất đai và các cáo buộc liên quan đến nhũng nhiễu của cơ quan cấp phép.
Vì vậy, để phát triển cụm ngành công nghiệp năng lượng cần phải có chiến lược đầu tư nghiêm túc cho các ngành phụ trợ và liên quan. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cần phát triển hạ tầng Logistic phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng nông, thủy sản nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trong thời gian tới.