Nhiều tiềm năng
ĐBSCL (hay còn gọi là Miền Tây) gồm 13 tỉnh, thành; chiếm 13% diện tích và khoảng 20% dân số cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng này luôn cao hơn so với cả nước trong những năm gần đây (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%). Đi đôi với sự phát triển năng động và mạnh mẽ của kinh tế thì nhu cầu sử dụng điện năng của Miền Tây cũng ngày càng cao.
Thế nhưng đây lại là vùng khó phát triển nguồn điện năng nhất so với cả nước: các dòng sông không có độ dốc để làm thủy điện; không có nguồn than tại chỗ để phát triển nhiệt điện; làm điện từ dầu, khí ; điện từ gió, năng lượng mặt trời tốn kém và công suất thấp. Trong bối cảnh đó, phát triển điện sinh khối từ bã mía, rơm rạ, trấu, gỗ được vùng này lưu ý phát triển.
ĐBSCL có nhiều lợi thế về tài nguyên để phát triển điện sinh khối. Cụ thể, đây là vùng đồng bằng trồng lúa lớn nhất cả nước, với diện tích chiếm 47% toàn quốc. Rơm rạ, trấu từ trồng lúa dồi dào để sản xuất điện. Ngoài ra, đây cũng được coi là vựa mía của cả nước, nơi có nhiều nhà máy mía đường công suất lớn hoạt động. Bã mía trở thành nguyên liệu sẵn có để sản xuất điện.
Từ thực tế trên, Bộ Công Thương đã quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, xét đến năm 2030.
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn đến 2020 sẽ ưu tiên và hỗ trợ phát triển các nguồn điện sinh khối nhằm cung cấp bổ sung cho lưới điện khu vực ĐBSCL. Giai đoạn từ 2021 đến 2030 sẽ tập trung khai thác một lượng lớn các nguồn điện sinh khối trong vùng một cách có hiệu quả, theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, việc phát triển điện sinh khối sẽ gắn với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.
Khi nguồn điện sinh khối được đưa vào hoạt động, công suất điện của vùng sẽ được nâng lên đáng kể, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng.
Mỗi năm nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng trên 11% |
Khả năng cung cấp 304MW/ năm
Bã mía, trấu, rơm rạ trở thành những nguồn nguyên liệu chủ đạo để phát triển điện sinh khối. Theo đó, công suất lắp đặt từ các nguồn này sẽ vào khoảng 214MW giai đoạn đến 2020 và nâng lên 304MW giai đoạn từ 2021 đến 2030. Cụ thể, đến 2020, điện từ bã mía là 50MW, trấu là 140MW, gỗ là 24MW. Đến 2030, điện từ bá mía là 30MW, trấu là 150MW, gỗ 44MW, rơm rạ là 80MW.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho điện sinh khối, Bộ Công Thương định hướng phát triển vào việc tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn trấu cho sản xuất điện; trú trọng khai thác nguồn bã mía tại các nhà máy đường; trồng cây năng lượng tại các tỉnh có tiềm năng…
Cũng theo quy hoạch của Bộ Công Thương, với các nhà máy quy mô công suất dưới 20MW trở xuống sẽ đấu nối vào lưới phân phối 22kV hoặc 35kV của khu vực. Với các nhà máy trên 20MW sẽ đấu nối vào lưới 110kV.
Nhu cầu vốn đầu tư để triển khai trong toàn bộ quy hoạch vào khoảng 11.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn để đầu tư vào điện từ bã mía khoảng 667 tỷ đồng, từ trấu 5.744 tỷ đồng; từ gỗ năng lượng 1.716 tỷ đồng; từ rơm rạ là 3.336 tỷ đồng. Như vậy, việc đầu tư sản xuất điện từ trấu và rơm rạ tốn nhiều kinh phí hơn so với sản xuất từ bã mía, gỗ. Tuy nhiên, trấu là nguyên liệu có khả năng sinh ra điện cao nhất so với các nguyên liệu còn lại.
Theo những người am hiểu về điện, tổng số vốn hơn 11.000 tỷ đồng là rất lớn, nhưng so với đầu tư một dự án điện thì đây là mức đầu tư trung bình nếu so với công suất. Ví dụ đầu tư thủy điện Lai Châu khoảng 36.000 tỷ đồng, công suất 1.200MW. Do vậy, đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng để có khoảng 400MW là có thể chấp nhận.
Nguồn vốn để thực hiện điện sinh khối ĐBSCL được quy hoạch huy động từ các tổ chức, thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó Bộ Công Thương lưu ý, ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển, nguồn vốn ODA và các nguồn vay song phương khác của nước ngoài.
Cần đẩy mạnh triển khai điện sinh khối
Hiện nay mỗi năm Việt Nam tăng hơn 11% nhu cầu sử dụng điện năng. Nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt thì bắt buộc công suất điện phải được tăng lên hàng năm.
Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam, tiềm năng thủy điện gần như đã khai thác cạn kiệt; nhiệt điện than dù ảnh hưởng đến môi trường nhưng vẫn phải được ưu tiên phát triển nhưng than, dầu, khí là tài nguyên có hạn, khai thác ngày càng khó khăn; điện mặt trời, gió tốn nhiều kinh phí, hiệu quả thấp; điện hạt nhân vừa được Quốc hội 14 cho dừng phát triển.
Trong bối cảnh đó, điện sinh khối được cho là giải pháp tốt để phát triển điện, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh triển khai điện sinh khối để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội.