Đồng bằng sông Cửu Long: Thay đổi tư duy, đầu tư chất xám để tăng giá trị cây lúa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 18/11, tại tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Hội thảo “Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), giải pháp từ cây lúa”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Những thách thức với “vựa lúa” của cả nước

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, ĐBSCL được coi là ‘vựa lúa’ của cả nước và nhiều thập niên qua, ĐBSCL đã gánh và làm tròn trách nhiệm an ninh lương thực của mình. Vậy nên, bất kể một giải pháp nào liên quan đến phát triển kinh tế vùng ĐBSCL cũng phải bắt đầu từ cây lúa. Mặc dù vậy, thị trường lương thực, thực phẩm thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi; nhu cầu về tinh bột giảm, yêu cầu về chất lượng tăng; tình trạng biến đổi khí hậu trong nước diễn ra ngày càng cực đoan và nghiêm trọng đã tác động sâu sắc đến cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh ĐBSCL, cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Trước bối cảnh đó, đòi hỏi ngành nông nghiệp ĐBSCL phải có sự chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới. “Thế nhưng, chuyển đổi thế nào để phát huy lợi thế của cây lúa, thế mạnh hàng đầu của ĐBSCL; để các sản vật ở các địa phương bứt phá, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con nông dân? Làm thế nào để thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bằng trù phú bậc nhất thế giới của Việt Nam?”, ông Nguyễn Ngọc Toàn đặt vấn đề.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo phân tích, cây lúa của vùng ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức lớn như: Ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, giá phân bón, vật tư tăng cao cùng với điều kiện thủy văn thổ nhưỡng suy giảm; trình độ khoa học công nghệ hạn chế và yếu tố thị trường thu hẹp. Từ đó, dẫn đến năng suất sụt giảm khiến đời sống sinh kế của người nông dân trồng lúa nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích, đề xuất giải pháp nhằm phát triển ĐBSCL từ cây lúa.

Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích, đề xuất giải pháp nhằm phát triển ĐBSCL từ cây lúa.

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, để tăng năng suất cho cây lúa, việc tổ chức sản xuất ở ĐBSCL nên phân chia theo 3 vùng nông nghiệp chính: Vùng thượng nguồn (nước ngọt quanh năm không thiếu, nước mặn không đến), vùng giữa (vùng trũng nhất, ngập sâu trong mùa mưa, khô hạn trong mùa nắng, nước mặn có thể xâm nhập), vùng ven biển (nước ngọt trong mùa mưa, nước mặn - lợ trong mùa nắng) để từ đó có giải pháp, mô hình sản xuất tương ứng và đặc thù cho mỗi vùng. Đồng thời, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và áp dụng công nghệ vào quá trình canh tác cũng là yếu tố không thể thiếu; bởi, lượng “chất xám” bỏ ra để tạo nên hạt lúa chất lượng sẽ tỉ lệ thuận với giá trị của hạt lúa.

Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác, người nông dân cần xem xét đến việc luân phiên, trồng xen kẽ các loại nông sản, thực phẩm khác; đồng thời tận dụng các bộ phận của cây lúa để tạo ra các sản phẩm mới. Từ đó, sẽ giúp cho bà con nông dân có thêm thu nhập, cũng như nâng cao giá trị cây lúa.

Cần tăng cường tính liên kết

Còn ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, để nâng cao thu nhập cho người nông dân sản xuất lúa ở địa phương, TP Cần Thơ đề xuất quan tâm đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp như: Chuyển đổi vùng sản xuất không thuận lợi sang cây trồng vật nuôi khác để tăng giá trị thu nhập; đẩy mạnh luân canh cây trồng, vật nuôi gắn với nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất; thúc đẩy phát triển giống chất lượng cao, giống thơm đặc sản với chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng theo mã số vùng trồng và ghi nhật ký sản xuất để tăng giá trị xuất khẩu; khai thác triệt để phụ phẩm nông nghiệp ngành lúa gạo để thúc đẩy thị trường phụ phẩm góp phần tăng thêm giá trị cây lúa; gắn sản xuất lúa gạo, phụ phẩm lúa gạo với chương trình OCOP, du lịch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nông thôn, từ đó góp phần giải quyết lao động tại chỗ.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu tại Hội thảo.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu tại Hội thảo.

Cùng phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Phong, Bí thư tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, Đồng Tháp xác định lúa gạo là một trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực và là ngành hàng có bề dày, giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, cũng như trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia. Vậy nên, để nâng cao giá trị cây lúa, Đồng Tháp triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như: 1 phải - 5 giảm, 3 giảm - 3 tăng; ứng dụng cơ giới hoá toàn diện, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số; giảm phát thải khí nhà kính, canh tác theo hướng hữu cơ. Đồng thời, áp dụng các mô hình xen canh, hợp canh (lúa- cá); các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa trong một số mô hình đã được triển khai để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất đã giúp tăng thêm thu nhập trung bình cho người nông dân trồng lúa từ 5,3 - 7,7 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, Đồng Tháp cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nâng cao lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích sử dụng đất so với trồng lúa từ 30 - trên 550 triệu đồng/ha. Chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn so với hộ dân chỉ trồng lúa; hiệu quả thu nhập bình quân 35 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Tiến sĩ, Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học FPT Cần Thơ và nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang… cho rằng phát triển cây lúa cần phải gắn vai trò của người nông dân vào trong chuỗi giá trị. Phát triển cây lúa của Đồng bằng sông Cửu Long không có nghĩa chỉ có cây lúa, mà nó phải kết hợp với các loại cây - con khác. Muốn nâng cao thu nhập cho nông dân không thể tách rời nông dân thành một chuỗi độc lập mà phải gắn nông dân vào chiến lược chung, vào chuỗi giá trị lúa gạo. Cùng với đó là ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Trong khuôn khổ diễn ra buổi Hội Thảo, Ban tổ chức đã trao giải cuộc thi viết "Nghĩa tình miền Tây". Cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 bài viết gửi tham dự, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 20 bài viết xuất sắc để trao giải; trong đó có 1 bài viết hay nhất về Đồng Tháp với tác phẩm “Thả dớn đón cá linh non” của tác giả Lê Nữ Kim Cương (ngụ TP. HCM).

Đọc thêm