Vẫn còn chịu nhiều thất thoát
Vùng ĐBSCL hàng năm diện tích sản xuất lúa chiếm 54% và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu; góp phần lớn vào ngành lúa gạo Việt Nam mỗi năm mang về hàng tỷ USD cho đất nước. Thời gian qua, hoạt động cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp của vùng đã từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị nông sản. Trong đó phải kể đến là tổn thất sau thu hoạch, đây là một trong những thách thức đã và đang tồn tại trong việc phát triển cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL.
Nông dân Nguyễn Văn Đà (ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết, so với thời gian trước bây giờ người dân chỗ tôi làm ruộng hiện đại hơn nhiều rồi. Trong các khâu sản xuất đều có máy móc hỗ trợ như máy sạ lúa, bón phân, máy phun thuốc, gặt đập liên hợp... Sử dụng máy móc tiện lợi hơn nhiều, tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí thuê mướn nhân công; đặc biệt là hạn chế tình trạng sâu hại, năng suất và chất lượng lúa được tăng lên.
“Tuy nhiên thất thoát trong quá trình thu hoạch lúa vẫn còn nhiều; với lại hiện nay việc phơi sấy chủ yếu thủ công dựa vào thời tiết, gặp mưa thì khổ. Việc bảo quản không tốt cũng là cơ sở để thương lái ép giá, để mua với giá thấp. Hầu hết người dân ở đây thu hoạch xong phải bán lúa tươi, không qua phơi sấy. Dù biết là nếu bảo quản tốt trữ lại được một thời gian ngắn thôi là giá đã cao hơn nhiều nhưng đành chấp nhận bán, chứ mình đâu có cái gì để sấy và bảo quản được” – ông Đà nói.
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong nông sản nước ta đang được kéo giảm rất đáng kể nhưng vẫn ở mức cao; thất thoát trong khâu xay xát và bảo quản đang làm cho giá trị lúa gạo mất đi từ 10 - 30%, từ 20 - 25% các ngành khác như chăn nuôi, cây ăn quả, đánh bắt thủy hải sản... nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất lúa gạo xuống mức 5 - 6% sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6%. Đây là một trở ngại lớn khiến đối với người nông dân nhưng thời ít được quan tâm.
Cần có chính sách hỗ trợ
Được biết những năm gần đây, TP Cần Thơ là một trong những địa phương đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, từ khâu làm đất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Theo Nguyễn Thị Kiều - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, với diện tích canh tác lúa hàng năm trên 240.000ha, với sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn.
Cảnh thu hoạch lúa của người dân Đồng bằng sông Cửu Long |
Thời gian qua, cơ giới hóa trong nông nghiệp đã được đẩy mạnh từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch để giảm công lao động và chi phí trong sản xuất. Đơn cử như cơ giới hóa trong làm đất đã 100% và khâu thu hoạch chiếm trên 90%. Tuy nhiên, vấn đề phơi sấy, bảo quản sau thu hoạch vẫn đang ở mức thấp, điều này làm khiến chất lượng nông sản kém chất lượng và thất thoát cao.
Vì vậy, trong thời gian tới ngành nông nghiệp thành phố sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu xây sát và bảo quản, để chất lượng nông sản phát huy thế mạnh, khẳng định vị thế, vươn mình cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập và được người tiêu dùng đón nhận.
Về bảo quản sau thu hoạch cũng đang vận động doanh nghiệp là phải thay đổi công nghệ bằng cách bảo quản lúa thay cho bảo quản gạo, để mình giải quyết quy trình ngược ở trong vấn đề sau thu hoạch.
Nói về những hạn chế sau thu hoạch của nông sản trong vùng, ông Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, không chỉ lúa gạo bị thất thoát mà hai mặt hàng chủ lực khác của ĐBSCL là thủy sản và trái cây cũng bị hạn chế về cơ giới hóa. Đơn cử như sản xuất trái cây, từ các khâu như cắt tỉa cành, bón phân, thu hoạch, xây dựng các nhà sơ chế và đóng gói vẫn còn yếu kém. Chính điều này khiến sản phẩm trái cây của Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước. Ngoài ra, với tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang là một trong những nguyên nhân khiến ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Tấn, để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho các nhóm dịch vụ cơ giới nông nghiệp để mua sắm máy móc, làm dịch vụ cơ giới nông nghiệp. Cái thứ hai cần có chính sách hỗ trợ về vốn và công nghệ để cho các nhà chế tạo máy nông nghiệp ở trong nước, ở ĐBSCL để đầu tư và phát triển để đáp ứng nhu cầu chế tạo máy nông nghiệp.
Đây cũng là biện pháp giải quyết tốt tình trạng “được mùa mất giá” tồn tại trong việc sản xuất nông sản của người dân. Cũng như hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với thu nhập của người dân sinh sống bằng trồng trọt, chăn nuôi ở ĐBSCL.