Thay mặt Ban Tổ chức, Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình chia sẻ những thông tin để các phật tử và du khách thập phương hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu lan.
Thượng toạ Thích Minh Quang chia sẻ về ý nghĩa lễ Vu Lan. |
Lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là cuộc lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Tiết mục văn nghệ với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành”. |
Với chủ đề “Đạo hiếu và Dân tộc”, chương trình pháp hội Vu lan đã diễn ra tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình năm nay, với các tiết văn nghệ về ơn nghĩa sinh thành, chia sẻ nguồn gốc sự ra đời của ngày lễ Vu Lan gắn với tích truyện Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ; nghi thức bông hồng cài áo và tụng kinh Vu Lan. Lan tỏa thông điệp nhân văn sâu sắc về đạo hiếu trong văn hóa Phật giáo. Đó không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình cảm với đấng sinh thành mà được đề cập một cách trọn vẹn với bốn ơn, gồm: ơn trời đất, ơn Tổ quốc, ơn xã hội và ơn cha mẹ, thầy cô.
Nghi thức cài hoa hồng. |
Qua đó, nhắc nhở mỗi người, để trưởng thành và được tôn trọng, con người không chỉ cần phấn đấu vun bồi về mặt trí tuệ, mà cần nhất là phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, coi trọng hiếu đạo chính là nền tảng vững bền cho hạnh phúc gia đình và đem lại sự hài hòa trong xã hội.
Đông đảo các bạn trẻ tham gia Lễ Vu Lan. |
Đồng thời, thể hiện trách nhiệm với xã hội qua các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Bởi đó chính là nền tảng vững bền, tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng, đem lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội, để nhà nhà luôn có cuộc sống ấm no và an lạc.